Vụ ngộ độc rượu 2 người tử vong: Chủ quán phải chịu trách nhiệm?

Vũ Xuân Kiên
Mặc dù không mua bán, nhưng rượu là do quán cung cấp và uống tại quán nên khi xảy ra ngộ độc rượu chủ quán vẫn là người phải chịu trách nhiệm.

Nhiều nguyên nhân gây ngộ độc

Liên quan đến vụ việc 8 người uống hết 5 lít rượu không rõ nguồn gốc, sau đó 2 sinh viên tử vong, 6 người còn lại đang được cấp cứu trong tình trạng nguy kịch mới đây, ông Trần Thế Như Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ NHONHO cho rằng, đây là vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng khiến 2 người tử vong và nhiều người khác bị ảnh hưởng sức khỏe. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh làm rõ nguồn gốc số rượu này để có căn cứ giải quyết vụ việc.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu, ông Trần Thế Như Hiệp cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu như sử dụng rượu không đảm bảo chất lượng, một nguyên nhân khác từ người tiêu thụ, là người ta ngâm chung rượu với rắn, rùa, thuốc bắc... và khi ngâm chung xảy ra hiện tượng tương tác giữa các chất, sinh ra chất độc. Nguyên nhân cuối cùng, dù rượu không có chất độc, nhưng nếu uống nhiều quá thì người dùng cũng bị ngộ độc rượu.

Trên thực tế, hiện nay, trong vấn đề sản xuất kinh doanh rượu, cơ quan quản lý nhà nước đã có rất nhiều văn bản Luật, nghị định… như Luật phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các Nghị định 24/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu và Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh… Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh rượu nhiều hộ kinh doanh vẫn vì mục đích lợi nhuận nên pha trộn rượu có methanol vào trong rượu ethanol dễ gây ngộ độc.

Mặt khác, công tác tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh cả trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhưng ý thức chấp hành luật pháp của cơ sở sản xuất và người dân vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đây nhiều khả năng là loại rượu tự chế từ cồn công nghiệp methanol, mặc dù không mua bán nhưng rượu là do quán cung cấp và uống tại quán nên chủ quán vẫn là người phải chịu trách nhiệm.

b159c80a51713f13c6941242aed92043-1660038478.jpg
Ngộ độc rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol có thể dẫn tới tử vong

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo ông Trần Thế Như Hiệp, theo quy định, rượu sản xuất trong nước phải tuân theo những quy định về sản xuất, kinh doanh; nghĩa là có giấy phép sản xuất-kinh doanh, có công bố chất lượng... thì được hoạt động. Cho đến nay, những hoạt động này vẫn đảm bảo tốt.

"Cá nhân tôi cho rằng, đến thời điểm hiện tại, việc quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nói chung, rượu bia nói riêng vẫn đang thực hiện tốt, không có bất cập"- ông Trần Thế Như Hiệp nói.

Nhưng vấn đề lớn ở đây là việc sản xuất rượu không phép, có tính chất gia đình, khá phổ biến ở nông thôn. Rượu này không ai biết có được chưng cất đúng kỹ thuật và bảo đảm chất lượng hay không. Để chấn chỉnh lại, trách nhiệm trước hết thuộc về Ủy ban nhân dân các địa phương quận, huyện, phường, xã; cần tổ chức cho các cơ sở nấu rượu đăng ký kinh doanh để quản lý việc sản xuất và chất lượng sản phẩm làm ra.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý với các hộ sản xuất, kinh doanh thông qua lực lượng quản lý thị trường. Nếu phát hiệu vi phạm, phải xử phạt nặng để răn đe.

Đồng quan điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu. Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

Ông Trần Thế Như Hiệp cũng khuyến cáo người dân chỉ nên uống rượu với một lượng vừa đủ, không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Không uống rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân hoặc do người khác ngâm rượu với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc từ các loại thảo dược, dược liệu không rõ nguồn gốc. Cần cẩn trọng khi chọn mua rượu kể cả trong nước và nhập khẩu, tốt nhất chỉ nên mua rượu tại các địa chỉ uy tín, có thương hiệu trên thị trường, không nên ham rẻ mua rượu không rõ nguồn gốc.

TS - BS Nguyễn Hoàng Hải - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định:

Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau như làm sơn, dung môi.... Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Chính vì vậy để tránh tình trạng ngộ độc methanol thì không nên uống rượu bia không rõ nguồn gốc, khuyến cáo sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.

Đối với người tiêu dùng, phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Hà Linh - Ngọc Thảo (theo Công Thương)