Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định duy trì mức cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ, tiếp tục coi đây là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế".
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Trong thông báo ngày 15/2, Ủy ban khẩn cấp của WHO cho biết, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ kết thúc ở hầu hết các quốc gia mà bệnh từng lây lan rộng, song vẫn hoành hành ở một số nước châu Phi.
WHO lưu ý rằng, có khả năng tại một số nước, các trường hợp được phát hiện và xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ chưa được báo cáo.
WHO đưa ra mức cảnh báo nêu trên lần đầu vào tháng 7/2022 và tiếp tục nhắc lại cảnh báo này hồi tháng 11/2022. Tháng 12/2022, khi số bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ giảm hơn 90%, WHO từng dự kiến có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong năm 2023. Ðến hết năm 2022, hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại 110 quốc gia.
Trong khi đó, WHO bác bỏ thông tin cho rằng, tổ chức này đã gác lại cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Phát biểu với báo chí, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) khẳng định, WHO sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi tìm ra nguyên nhân khởi phát dịch Covid-19.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hy vọng chiến dịch tiêm phòng Covid-19 sẽ được triển khai hằng năm, như tiêm phòng cúm. Người đứng đầu bộ phận phụ trách chiến lược vaccine của EMA cho rằng, hiện nay SARS-CoV-2 gây Covid-19 chưa được coi là virus gây bệnh theo mùa, nhưng đây có thể là xu hướng dịch bệnh trong tương lai. Số ca mắc và chết vì Covid-19 đã giảm, song virus vẫn lây lan và cần cách tiếp cận có chiến lược trước nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.