Theo Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, đối với phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, nhiệm vụ được đề ra là: “Xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo thương mại điện tử cho sinh viên gắn với chuyên ngành cụ thể, có sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử giữa nhà trường và doanh nghiệp, cộng đồng”, phấn đấu đến năm 2025 có “50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử”.
Thực hiện kế hoạch này, Diễn đàn đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận kiến thức về ngành nghề, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cũng như tư vấn về lộ trình học tập và phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số. Đồng thời, Diễn đàn cũng tạo cơ hội giao lưu giữa giảng viên các trường, giảng viên với doanh nghiệp, sinh viên với doanh nghiệp để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và cơ hội việc làm cho sinh viên sau ra trường.
Ngoài ra, Diễn đàn còn cung cấp dịch vụ tư vấn việc làm cho sinh viên sau khi ra trường thông qua các quầy thông tin của doanh nghiệp, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, tham gia các cuộc thi và triển khai các ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia chuyển đổi số, thương mại điện tử chia sẻ về các xu hướng mới của kinh doanh số với nhiều nội dung quan trọng, tổng quan về thương mại điện tử và những xu hướng kinh doanh mới trong lĩnh vực; vai trò quan trọng của định danh thương hiệu số trên môi trường trực tuyến.
Các diễn giả cũng chỉ ra các phương pháp, giải pháp nổi bật mà doanh nghiệp ưu tiên ứng dụng trong kinh doanh số, bao gồm kinh doanh đa kênh và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như SAPO, Haravan và Shopee; các xu hướng ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào thương mại điện tử, nhu cầu nguồn nhân lực và hiện trạng đào tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số.
Với quy mô tổ chức lớn, khả năng tiếp cận sinh viên cao cùng với những chủ đề rất thiết thực, Diễn đàn nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp uy tín trong ngành, bao gồm Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ thông tin và Truyền thông, Shopee, Bảo hiểm Hùng Vương, Grab, Fado, SAPO, Haravan, VnPost, Accesstrade, Vinalink,... và nhiều đơn vị khác.
Đây là một sự kiện quan trọng và hữu ích, tạo cầu nối giữa giảng đường và thực tế kinh doanh, đồng thời khuyến khích sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực thương mại điện tử và kỹ thuật số. Tổng kết 3 điểm cầu, Diễn đàn đã tiếp cận 2.500 sinh viên trên cả nước, hơn 20 Doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thương mại điện tử, kỹ thuật số, marketing; hỗ trợ hơn 50 cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên,.... mang đến những cơ hội nghề nghiệp trực tiếp và những kiến thức thực tế.