Giờ hoạt động ngoại khóa phòng chống bạo lực học đường, xây dựng tình bạn đẹp tại Trường tiểu học Tân Phú C, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. (Ảnh ĐÀO HUYỀN) |
Công an tỉnh Nam Định vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với 7 thanh, thiếu niên liên quan đến vụ nam sinh lớp 12 học tại Trường trung học phổ thông Nam Trực (huyện Nam Trực) bị đánh đến tử vong. Theo cơ quan điều tra, tại khu vực Ao Xanh, Cụm công nghiệp Đồng Côi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực), nhóm thanh, thiếu niên và nam sinh N.A.T xảy ra xô xát. Nhóm thanh, thiếu niên dùng gậy gỗ đánh nam sinh A.T. khiến nạn nhân bị thương, bị chấn thương sọ não. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng A.T. đã tử vong.
Điều đáng lo ngại hơn là có tình trạng nhiều học sinh chứng kiến cảnh bạo lực học đường nhưng lại không can thiệp mà còn cổ xuý, quay video rồi phát tán lên mạng xã hội. Xem những clip này, nhiều người càng thêm xót xa, phẫn nộ. Điển hình gần đây là vụ việc nữ sinh T.H, học sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có xảy ra mâu thuẫn trên mạng xã hội với một số bạn cùng khối trong trường.
Hai bên nhắn tin qua lại trên Facebook. Sau giờ học, hai bên hẹn nhau ở một bãi đất trống gần trường để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, nhóm này hành hung H. Mặc dù nạn nhân không phản kháng, không cãi lại song vẫn bị các nữ sinh kia vừa chửi bới vừa đánh đập dã man.
Thời điểm đó có khoảng 10 học sinh nam, nữ khác đứng chung quanh, song không ai ngăn cản, ngược lại còn cổ vũ, quay clip đưa lên mạng. Thậm chí, một số học sinh còn dùng những từ ngữ kích động, cổ vũ cho hành vi bạo lực.
Dưới góc độ phụ huynh từng có con bị bạo hành, chị Nguyễn Minh Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Khi nghe tin con gái bị bắt nạt ở trường, việc đầu tiên tôi cần làm là tâm sự với con, tìm hiểu, giúp con an tâm, chia sẻ vấn đề. Sau khi nắm được thông tin, tôi đã thẳng thắn trao đổi với cô giáo chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường cùng các bạn xúc phạm con mình. Trong trường hợp này, nếu ngại ngần hoặc lại làm “to chuyện” thì nhóm học sinh bắt nạt lẫn con tôi đều bị ảnh hưởng tâm lý. Do đó, tôi đã chọn phương pháp mềm dẻo hơn. Sau lần đó, con tôi đã không còn bị các bạn học bắt nạt nữa.
Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) Đặng Thị Ngọc Hường chia sẻ: Mối liên hệ, tương tác giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng, bởi có nhiều sự vụ diễn ra bên ngoài cổng trường. Cha mẹ là trung tâm để kết nối mọi mối quan hệ cho nên quan điểm của chúng tôi khi có sự cố xảy ra là tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, mời phụ huynh lên và hỏi kỹ về học sinh hay chơi với ai, biểu hiện ra sao? Có tìm được nguyên nhân mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Nhiều phụ huynh quá nuông chiều con nên trẻ không nghe lời. Nhà trường đã kết hợp tư vấn cho phụ huynh về việc giáo dục con, yêu cầu họ cam kết phối hợp. Ở đây, vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Nếu các thầy, cô giáo có mối quan hệ tốt với học sinh, phụ huynh thì mầm mống bạo lực học đường sẽ được ngăn chặn.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E cho biết: Trung bình một tháng, bệnh viện tiếp nhận từ 5-10 học sinh bị bắt nạt, bạo lực học đường đến khám và điều trị. Tuy nhiên, trường hợp phải vào viện thường là những ca nặng, còn lại là khám ngoại trú. Trong các kiểu bạo hành thì bạo hành tinh thần để lại hậu quả nặng nề. Học sinh bị bạo hành tinh thần trong một thời gian dài sẽ bị sang chấn tâm lý, tỏ ra sợ sệt, mất tự tin, rơi vào tình trạng rối loạn giao tiếp với bạn bè, gia đình và xã hội; ảnh hưởng đến kết quả học tập. Vì thế, cần có những biện pháp phòng ngừa để tránh hậu quả đáng tiếc.
Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, cha mẹ cần thường xuyên phối hợp nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt; giáo dục cho học sinh kỹ năng cần thiết phòng tránh bạo lực học đường. Đa số các em đều không dám thông báo với bố, mẹ về việc mình bị bạo hành vì xấu hổ, vì sợ bị bạo hành tiếp. Vì vậy, các thầy, cô giáo nên động viên, khuyến khích học sinh chủ động báo ngay cho nhà trường và gia đình khi bị bắt nạt hoặc thấy bạn bị hành hung.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường gia đình và xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, tâm hồn và đạo đức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống thông qua giảng dạy tích hợp các môn học, tổ chức hoạt động trải nghiệm, triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh. Đồng thời cần phối hợp với các bộ, ban, ngành phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm cũng như những vi phạm pháp luật khác trong nhà trường.
Các trường học cần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, quan tâm bồi dưỡng và tôn vinh tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu, nhất là trong giúp đỡ người khác để đề cao tinh thần tương thân, tương ái trong giới trẻ.
MINH NGHĨA