Nhiều công trình xây dựng sai phép của Công ty Huarong. |
Nhiều dấu hiệu bất thường
Công ty TNHH Công nghiệp Huarong (Công ty Huarong) là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đăng ký kinh doanh và hoạt động tại xã Tam Tiến (huyện Yên Thế) từ năm 2019. Nhưng trên thực tế, dự án và địa điểm công ty này hoạt động đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang giao đất cho Công ty TNHH Công nghiệp Việt Nhật (Công ty Việt Nhật), có 100% vốn đầu tư trong nước (sau này được đổi tên là Công ty Huarong).
Vậy có hay không một thương vụ mua bán-chuyển giao dự án từ doanh nghiệp Việt Nam sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa là có thể nhiều quy định, thủ tục... về đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án tại Việt Nam bị bỏ qua hoặc làm sai lệch bản chất?
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 26/2/2009, ngày 10/5/2010, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 675/QĐ-UBND thu hồi, chuyển mục đích sử dụng và giao cho Công ty Việt Nhật thuê 45.545m2 đất lâm nghiệp tại Bản Diễn (xã Tam Tiến).
Ngày 9/6/2010, công ty này được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ. Trong gần 10 năm được giao đất, Công ty Việt Nhật vừa “giữ nguyên hiện trạng” vừa thỏa thuận với một số hộ dân địa phương để mua thêm hơn 3.500m2, nâng tổng diện tích đất công ty này quản lý lên gần 50.000m2. Tuy nhiên, ngoài một số hạng mục hạ tầng cơ bản, dự án xây dựng nhà máy như mục đích ban đầu vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ngày 24/12/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cấp đăng ký thay đổi lần thứ 14 cho Công ty Việt Nhật với nội dung đổi tên thành Công ty Huarong và thay đổi thành viên góp vốn. Số vốn điều lệ của Công ty Huarong là 90 tỷ đồng, trong đó có một tổ chức nước ngoài nắm giữ 75%; hai cá nhân người nước ngoài khác nắm giữ 20%; 5% còn lại thuộc sở hữu của hai cá nhân người Việt Nam.
Như vậy, Công ty Việt Nhật đã được hợp thức thành Công ty Huarong, từ công ty 100% vốn đầu tư trong nước biến thành công ty có 95% vốn đầu tư nước ngoài; từ đại diện pháp luật là người Việt Nam chuyển sang người nước ngoài. Việc chuyển giao này đã giúp Công ty Việt Nhật “lách” luật cho những vi phạm được quy định tại Điều 3, Hợp đồng thuê đất số 713/HĐTĐ ký ngày 17/5/2010 giữa công ty này và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang.
Trong đó ghi rõ: “... trong thời hạn 12 tháng kể từ khi được giao đất, chủ đầu tư không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật...”. Với Công ty Việt Nhật, thời gian từ khi được giao đất đến khi được “thay tên đổi họ” vừa tròn 9 năm, nhưng dự án không được triển khai đúng tiến độ.
Yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương làm việc, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan và đề xuất các phương án xử lý dứt điểm vụ việc. Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang |
Điều đáng nói là UBND tỉnh Bắc Giang và các sở, ngành liên quan đã không thu hồi đất theo quy định mà còn “cho phép” Công ty Huarong trực tiếp đầu tư vào dự án thông qua danh nghĩa Công ty Việt Nhật. Đó là các văn bản số: 826/QĐ-UBND ngày 29/10/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận gia hạn tiến độ sử dụng đất; 15 lần cấp chứng nhận thay đổi đăng ký đầu tư (cho Công ty Huarong) của Sở Kế hoạch và Đầu tư từ ngày 24/3/2020 đến ngày 16/8/2021; phụ lục Hợp đồng thuê đất ký ngày 15/4/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Giấy phép xây dựng số 1546/GPXD của UBND huyện Yên Thế cấp ngày 19/10/2020. Lý do doanh nghiệp được nhiều lần thay đổi đăng ký đầu tư vì có thay đổi về nhân sự và nội dung đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, giấy phép xây dựng UBND huyện Yên Thế cấp cho Công ty Huarong vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 40, Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 4/1/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với “công trình thuộc dự án có vốn đầu tư nước ngoài”.
Có “ưu ái” trong thu hút đầu tư?
Hiện Công ty Huarong đã chuyển giao thành công và nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục công trình của dự án vào tháng 10/2021. Ngoài ra, công ty này cũng tiếp nhận việc mua bán, chuyển nhượng hơn 3.500m2 đất lâm nghiệp của Công ty Việt Nhật với người dân; chuyển mục đích sử dụng và xây dựng trái quy định trên diện tích này mà không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi về các nội dung bạn đọc tố cáo đối với dự án Nhà máy sản xuất ván sợi và viên nén gỗ của Công ty Huarong, đại diện Công ty Huarong cho rằng, một số vấn đề về đất đai là tồn tại từ thời Công ty Việt Nhật thực hiện dự án. Hiện nay Công ty Huarong đang đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết điều chỉnh diện tích đất của công ty trên hồ sơ địa chính cho phù hợp tình hình thực tế.
Để làm rõ những tố cáo của bạn đọc, chúng tôi đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng liên quan.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: “Đến thời điểm này, Công ty Huarong đã đi vào hoạt động cho nên việc xử lý cần hài hòa, phù hợp quy định và tránh ảnh hưởng đến lợi ích chung. Hiện công ty này đề nghị trả lại hơn 3.500m2 đất tự chuyển nhượng với người dân cũng như hơn 12.000m2 trong dự án bị người dân lấn chiếm. Kể cả việc huyện cấp giấy phép xây dựng không đúng thẩm quyền, chúng tôi đã có văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có ý kiến chỉ đạo giải quyết”.
Đến thời điểm này, Công ty Huarong đã đi vào hoạt động cho nên việc xử lý cần hài hòa, phù hợp quy định và tránh ảnh hưởng đến lợi ích chung. Hiện công ty này đề nghị trả lại hơn 3.500m2 đất tự chuyển nhượng với người dân cũng như hơn 12.000m2 trong dự án bị người dân lấn chiếm. Kể cả việc huyện cấp giấy phép xây dựng không đúng thẩm quyền, chúng tôi đã có văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có ý kiến chỉ đạo giải quyết. Ông Nguyễn Văn Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế |
Về nội dung giấy phép xây dựng cấp không đúng thẩm quyền, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho rằng, thời điểm UBND huyện Yên Thế cấp giấy phép cho Công ty Huarong là không đúng. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2, Điều 38 Quyết định số 29/2021/QĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh (thay thế Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 4/1/2019) thì hiện nay thẩm quyền cấp phép những công trình như vậy thuộc UBND cấp huyện.
Hơn nữa, do các công trình thuộc dự án của Công ty Huarong đều là công trình cấp 3, cơ bản phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng chống cháy nổ cho nên việc thu hồi giấy phép và cấp lại là không cần thiết.
Ngày 15/5/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang có Báo cáo số 132/BC-STNMT báo cáo gửi UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bắc Giang có Văn bản số 3198/UBND-TCD ngày 14/6/2023 kết luận những vấn đề liên quan đến các nội dung bạn đọc phản ánh.
Theo Kết luận, các nội dung bạn đọc khiếu nại đúng về việc Công ty Huarong sử dụng diện tích đất ngoài ranh giới được UBND tỉnh cho thuê và việc UBND huyện Yên Thế cấp giấy phép xây dựng cho đơn vị này là sai quy định. Ngoài ra, nội dung khiếu nại Quyết định số 3703/QĐ-UBND ngày 13/9/2022 của UBND huyện Yên Thế đã tạo điều kiện cho một cá nhân thuộc Công ty Huarong được cấp Chứng chỉ rừng FSC là sai thẩm quyền.
Kết luận cho rằng, đây là nội dung mới, cần tiếp tục xem xét, xác minh. Đối với nội dung bạn đọc cho rằng quá trình chuyển giao giữa Công ty Việt Nhật và Công ty Huarong có dấu hiệu mua bán, chuyển nhượng cổ phần trái pháp luật, Kết luận cho thấy nội dung này không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và đề nghị chuyển sang cơ quan chức năng để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
BÀI VÀ ẢNH: THƯỜNG ĐỨC GIANG