Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng nội địa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Kinh tế thế giới hồi phục chậm sau đại dịch COVID-19, trong khi lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến sức mua suy giảm đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Mặc dù vẫn ghi nhận đà tăng trưởng dương trong quý đầu năm, song mức tăng thấp hơn dự kiến sẽ gây áp lực không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Nhiều ngành hàng chủ lực đi xuống
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2023 chỉ đạt khoảng 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu… Tính chung quý 1/2023, xuất khẩu giảm tới 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%).
Về ngành hàng, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý đầu năm ước đạt 6,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng giảm mạnh như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 22,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,5%...
Chia sẻ về lĩnh vực này, theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản tháng 3 giảm mạnh ở tất cả các thị trường, trong đó thị trường khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 23,5%, Hoa kỳ giảm 55%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 30%, thị trường Trung Quốc giảm ít nhất với 11%.
Nguyên nhân được xác định do 3 yếu tố là lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu lô hàng lớn. Đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá nhập khẩu giảm mạnh, thiếu đơn hàng. Cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thuỷ sản Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Chánh Văn phòng Hiệp hội càphê-ca cao Việt Nam thông tin, xuất khẩu mặt hàng này trong quý đầu năm giảm 9,9% về lượng và 1,7% về giá trị.
“Doanh nghiệp trong nước mua hàng rất khó khăn do người nông dân và doanh nghiệp FDI trữ hàng chờ giá cao mới bán ra. Giá thu mua trong nước cao trong khi giá xuất khẩu không ổn định, thậm chí giảm mạnh,” ông Nguyễn Xuân Hiệp chia sẻ.
Đáng chú ý, trong quý 1/2023, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo giảm mạnh đã ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của toàn ngành (ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với quý 1/2022. Đơn cử, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 13 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, giảm 10,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, giảm 3,7%; hàng dệt may đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4%; giày dép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 18,6%...
“Do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh đã tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Tranh thủ cơ hội "biến nguy thành cơ"
Theo nhận định của các chuyên gia, 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu là rất lớn. Rõ rệt nhất là giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, lạm phát ở nhiều quốc gia vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
- Xuất, nhập khẩu hàng hóa quý 1 năm 2023:
Ở góc độ doạnh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo ngành sợi vẫn chưa thể hồi phục đến hết quý 2/2023. Đối với ngành may, tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp, vẫn sẽ kéo dài đến hết quý 3. Dự kiến các đơn hàng may mặc sẽ giảm khoảng 25%-30% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn nhận ở tầm vĩ mô, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, những khó khăn hiện nay vẫn chưa chạm đáy mà có thể tiếp tục kéo dài.
Đặc biệt, với các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, muốn tận dụng được, theo chuyên gia này, các doanh nghiệp phải đảm bảo việc truy suất nguồn gốc, thậm chí với các doanh nghiệp đang có thị trường nhưng thời gian tới sẽ gặp thách thức trong việc chuyển đổi xanh.
"Đây cũng là nội dung mà các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU… yêu cầu rất cao, dự kiến thời gian tới EU có thể đánh thuế thêm về CO2, thậm chí họ có thể áp dụng biện pháp rất mạnh, không chỉ là áp thuế mà còn không nhập khẩu nếu không truy suất được khí thải về CO2. Do vậy, doanh nghiệp cần có một hệ thống đánh giá, xác nhận và truy suất về lượng phát thải," ông Hiếu nói.
Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), lĩnh vực nông nghiệp so với các ngành hàng khác vẫn có điểm sáng.
Đặc biệt, việc ký kết để xuất khẩu một số sản phẩm như: Sầu riêng sang Trung Quốc và nhiều loại hoa quả xuất sang châu Âu đã tạo ra nhiều tín hiệu tích cực cho lĩnh vực này, song theo bà Thuỷ cần phải đáp ứng các quy chuẩn và tiêu chuẩn của thị trường, cũng như đảm bảo quy hoạch từ đó nâng giá trị, đón các cơ hội bứt phá về xuất khẩu.
“Cần có định hướng ngay từ đầu để xuất khẩu bền vững, tránh tình trạng chỉ xuất được vài lô hàng sau đó không đảm bảo yêu cầu thì dù có thể ký kết được nhưng lại gặp các lệnh trừng phạt từ nước nhập khẩu,” bà Thủy lưu ý.
Thực tế hiện nay, nhiều hiệp định FTA đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt trong việc thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các đối tác. Tuy vậy, để tận dụng hết các cơ hội, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khuyến cáo doanh nghiệp cần chú ý nghiên cứu chiến lược marketing một cách phù hợp để nhận được quan tâm của nhà nhập khẩu, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường nhanh và hiệu quả.
Đặc biệt, việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) vào ngày 2/4 vừa qua sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp hai nước, tạo đà cho việc nâng cao hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại khu vực này với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel năm vừa qua đạt 785,7 triệu USD.
“Với cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau và kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đang tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam và Israel sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nữa khi các ưu đãi và lợi thế từ VIFTA được tận dụng hiệu quả,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Còn tại thị trường trong nước, các giải pháp khơi thông thị trường tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Cùng với đó, chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, thương hiệu cho hàng hóa trong nước...
Các giải pháp đồng bộ trên nhằm mở thêm các cơ hội, tạo đà cho sự tăng trưởng ở cả hai trụ cột chính là xuất khẩu và thị trường nội địa./.
Đức Duy (Vietnam+)