Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá, Thanh Bình, Đồng Tháp. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản tháng Tư vừa qua đạt 800 triệu USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái; đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm nay đạt 2,63 tỷ USD, giảm 27,7%.
Xuất khẩu thủy sản vẫn ảm đạm khiến cho giá nhiều loại nguyên liệu tiếp tục có xu hướng giảm.
Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm từ cuối tháng Ba vừa qua. Giá cá loại từ 0,8-1kg/con trong tháng Tư năm nay dao động ở mức từ 28.500-29.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.500 đồng/kg so với tháng trước.
Giao dịch trên thị trường ít do đơn hàng từ Trung Quốc đang chậm lại. Các công ty chủ yếu bắt cá trong ao hệ thống liên kết. Điều này cũng khiến giá cá tra giống loại 30 con/kg giảm 4.000 đồng/kg sau ba khoảng tuần ổn định còn từ 36.000-38.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tôm nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long cũng xu hướng giảm với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do lượng tiêu thụ chậm ở thị trường xuất khẩu trong khi nguồn cung tăng lên. Hoạt động thả nuôi mới vẫn chưa sôi động do người nuôi lo ngại giá nguyên liệu còn đi xuống.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ lớn 20, 30, 40 con/kg giảm từ 2.000-4.000 đồng/kg so với tháng trước, lần lượt ở mức 260.000 đồng/kg, 210.000 đồng/kg và 150.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 30 con/kg giảm 26.300 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 136.700 đồng/kg; cỡ 40 con/kg giảm 2.300 đồng/kg còn 121.700 đồng/kg; cỡ 60 và 70 con/kg giảm 6.300 còn lần lượt 101.700 đồng/kg và 91.700 đồng/kg; cỡ 100 con giảm 2.400 đồng/kg còn 82.000 đồng/kg.
Trong 3 tháng đầu năm nay, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 46,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm ở hầu hết các thị trường chính.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm.
Tình trạng này khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51% trong tháng Tư vừa qua. Do đó, Mỹ đã rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chính là xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm.
Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng Tư vừa qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đều có giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức độ sụt giảm ít hơn so với Mỹ và Trung Quốc.
Về mặt hàng, xuất khẩu tôm bị tác động mạnh bởi sụt giảm sang thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ. Tính đến hết tháng Tư vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 891 triệu USD, giảm 44%. Cá tra cũng có mức giảm khá sâu 46% nên chỉ đạt giá trị 598 triệu USD.
Trong số các mặt hàng hải sản xuất khẩu, có mực và một số loài cá biển khác (trừ cá ngừ) có chiều hướng tích cực hơn trong tháng Tư năm nay. Theo đó, xuất khẩu các loài cá biển khác tăng 9%; mực, bạch tuộc tăng gần 3%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 36%, các loài hải sản khác đều sụt giảm với tỷ lệ 2 con số./.