Câu chuyện ứng dụng Zalo thu phí người dùng vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng những người sử dụng ứng dụng.
Ngày 1/8, Zalo - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam thu phí, áp dụng cho tài khoản OA (tài khoản xác thực của doanh nghiệp) với 3 gói thuê bao tháng và mức phí khác nhau.
Cụ thể, gói dùng thử có giá thấp nhất (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng) và cao cấp (399.000 đồng). Tất cả tính trên chu kỳ một tháng sử dụng.
Tài khoản OA khi mua thuê bao tháng sẽ được hỗ trợ một số tính năng, loại bỏ giới hạn về lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm, hỗ trợ danh bạ, phản hồi chat...
Song song với đó, Zalo cũng dành một phiên bản miễn phí cho người dùng phổ thông, nhưng giới hạn nhiều tính năng dù trước đây các dịch vụ này đều hoàn toàn không phải trả tiền để được sử dụng.
Chẳng hạn, những người dùng không trả tiền hằng tháng sẽ bị giới hạn danh bạ tối đa 1.000 số có thể lưu, không sử dụng username, mỗi tài khoản được mặc định có 5 mẫu tin nhắn nhanh, mỗi tài khoản được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng, người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký; mỗi tài khoản được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng…
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam với 74,7 triệu. Zalo chính thức giữ ngôi đầu bảng vào năm 2021 khi chuyển đi 620 tỷ tin nhắn, 52 tỷ phút gọi video và 14 tỷ thông báo khẩn về Covid-19.
Tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha (của Viettel) xấp xỉ 591 MB, chiếm 58,84% toàn thị trường, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%).
Như vậy, nếu áp dụng thu phí, Zalo sẽ thu về một khoản không nhỏ. Thực tế, việc này cũng đang gây rất nhiều tranh cãi. Một bộ phận khách hàng ủng hộ thu phí, trả tiền thuê bao tháng để duy trì các quyền lợi hiện có cũng như hưởng ứng sự thay đổi này.
Quan điểm được đưa ra là “những người thường xuyên nhắn tin với người lạ chủ yếu là nhóm nhân viên sale, tư vấn khách hàng. Họ kiếm tiền từ nền tảng Zalo, vậy phải nộp phí sử dụng dịch vụ cho ứng dụng này là điều hợp lý”.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng, việc Zalo thu phí người dùng sẽ là một cơ hội cho các ứng dụng nhắn tin khác, bởi trên thị trường hiện có rất nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ nhắn tin tương tự. Do đó, trong trường hợp Zalo hạn chế tính năng và kiên quyết thu phí, có khả năng khách hàng sẽ xoá app, sử dụng ứng dụng khác thay thế.
Minh chứng rõ nhất, khi Zalo vừa áp dụng chính sách mới, nhiều khách hàng đã sử dụng chức năng đánh giá phần mềm trên kho ứng dụng Play Store (dành cho Android của Google) để chấm điểm 1 sao cho Zalo, đồng thời để lại nhiều bình luận bày tỏ sự không hài lòng của mình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết, một dịch vụ khi triển khai bao giờ cũng có dịch vụ cơ bản và dịch vụ gia tăng, và như xu thế hiện nay thì dịch vụ gia tăng sẽ có doanh thu ngày càng cao, nhà cung cấp dịch vụ sẽ gắng thu phí trên dịch vụ gia tăng.
“Tuy vậy, Zalo làm ngược lại, đó là thu phí trên dịch vụ cơ bản (ví dụ giới hạn 1.000 danh bạ) - trong khi, về cơ bản, người nào bây giờ cũng có khoảng vài ngàn danh bạ” - ông Nguyễn Ngọc Hân nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, việc “đánh” vào tính năng trên khiến tất cả khách hàng bị “tổn thương”, đó là điều không nên. Trong khi đó, có nhiều dịch vụ xứng đáng phải trả tiền như là: Gửi file cho nhau và trong nhóm đến một ngưỡng nào đó thì phải trả tiền, hoặc gọi video, nếu miễn phí thì chỉ hiển thị hình mờ thôi chẳng hạn.
“Về khía cạnh công nghệ, gọi video hay gửi file là các tính năng sẽ tốn tài nguyên Internet nhưng rất tiện với người dùng nên họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để sử dụng” - ông Nguyễn Ngọc Hân giải thích.
Về mặt dịch vụ, ông Nguyễn Ngọc Hân ủng hộ phương án thu phí thông qua quảng cáo hoặc người dùng trả tiền thuê bao. Tuy nhiên, điều cần thiết bây giờ là chọn gói nào tính tiền, gói nào miễn phí cho phù hợp.
“Việc thu phí cá nhân như bây giờ làm tổn hại đến phần lớn người dùng, lại không thu phí theo xu thế dịch vụ Internet là bước đi cần xem xét và điều chỉnh lại” - ông Nguyễn Ngọc Hân nêu.