Báo chí là lực lượng tham gia tích cực, chủ động trong phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Các vụ việc báo chí nêu, đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2023) và sự kiện Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về xoay quanh nội dung báo chí đồng hành công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí. Ông đánh giá ra sao về hoạt động của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là đảm bảo người tiêu dùng được đối xử công bằng, an toàn và có thông tin đầy đủ để lựa chọn một cách thông thái.
Theo Liên Hiệp Quốc, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản được đề xuất bởi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vào ngày 15/3/1962. Trong đó, quyền được thông tin là một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy về sản phẩm và dịch vụ. Quyền này đảm bảo rằng, người tiêu dùng có khả năng tự quyết định thông tin và quyền lợi của mình, đồng thời khuyến khích sự minh bạch và công bằng trong quan hệ tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Điều 8 khoản 2 cũng có quy định về quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng, cụ thể “Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.
Theo xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, công tác truyền thông, báo chí ngày càng thể hiện vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng. Truyền thông đã và đang đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong các năm qua, cụ thể như:
Thứ nhất, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức người tiêu dùng: Các cơ quan báo chí đã tăng cường việc cung cấp thông tin và giáo dục cho công chúng về quyền lợi người tiêu dùng. Các bài viết, tin tức, chương trình phát thanh, truyền hình đã chuyển tải thông tin về quyền lợi, nguy cơ tiềm ẩn và cách bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ hai, tổ chức các chiến dịch và sự kiện tuyên truyền: Các cơ quan báo chí đã chủ động tổ chức các chiến dịch và sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi người tiêu dùng. Đó là các chuyên mục, các talk show nhằm cung cấp thông tin và lan toả thông điệp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, phản ánh các vụ việc vi phạm: Các cơ quan báo chí đã phản ánh mạnh mẽ về các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Nhờ sự theo dõi và phản ánh này, các vụ vi phạm đã được đưa ra ánh sáng, góp phần tạo ra sức ép công khai và tạo điều kiện cho các biện pháp xử lý và sửa đổi.
Thứ tư, tạo diễn đàn cho người tiêu dùng: Các cơ quan báo chí đã tạo diễn đàn cho người tiêu dùng để chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh vấn đề và đưa ra những câu hỏi liên quan. Diễn đàn giúp mở ra cơ hội cho người tiêu dùng tham gia vào các cuộc tranh luận và tạo ra sự tương tác giữa các bên liên quan.
Như ông vừa cho biết, từ các vụ việc báo chí nêu, đã giúp cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xin ông chia sẽ kỹ hơn về vấn đề này?
Thực tiễn cho thấy, báo chí là lực lượng tham gia tích cực, chủ động trong phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Các vụ việc báo chí nêu ra đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các cơ quan quản lý nhà nước như:
Các vụ việc được báo chí phản ánh có thể cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng thông tin này để đánh giá tình hình, xây dựng các chính sách và quy định mới, cũng như nâng cao nhận thức và giáo dục công chúng về quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, từ các vụ việc được báo chí phản ánh, đã tạo ra sự quan tâm và tương tác lớn từ phía công chúng. Cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng cơ hội này để tạo ra sự giao tiếp và cộng tác với người dân, các tổ chức xã hội và cộng đồng để cùng nhau bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.
Hơn hết, trên cơ sở thông tin do báo chí cung cấp, cơ quan quản lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có căn cứ thực hiện các hoạt động cần thiết, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; tham mưu và đề xuất xây dựng chính sách, quy định để điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh trong hệ thống pháp luật.
Vừa nhấn mạnh về vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vậy những năm qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (trước đây là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) đã phối hợp với các cơ quan báo chí như thế nào trong công tác tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về quyền lợi người tiêu dùng.
Một số hoạt động mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể kể đến như:
Thứ nhất, phối hợp trong việc phát triển và thực hiện chiến dịch tuyên truyền: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với các cơ quan báo chí để xây dựng và thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các chiến dịch này được thể hiện bằng việc sản xuất và phát sóng các quảng cáo, chương trình truyền hình, phim ngắn hoặc các bài viết trên báo chí để giới thiệu và nhấn mạnh quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng.
Thứ hai, chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia luôn chủ động cung cấp thông tin, tư liệu và dữ liệu về quyền lợi người tiêu dùng cho các cơ quan báo chí. Đưa nguồn thông tin chính xác, đáng tin cậy và kịp thời tới truyền thông, từ đó giúp các cơ quan báo chí hiểu rõ, sâu hơn về các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu. Đồng thời, là cơ sở để cơ quan báo chí hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước chuyển tải thông tin tới người tiêu dùng và cộng đồng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn phối hợp với các cơ quan báo chí cùng tổ chức hội thảo, tọa đàm và talk show về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động này tạo ra diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận chuyên sâu, đưa ra góc nhìn đa chiều về các vấn đề nóng của xã hội qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, phản ánh thông tin về vụ việc liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phối hợp với cơ quan báo chí để phản ánh và thông tin về các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc nhanh chóng chuyển tải thông tin đến công chúng, từ đó kịp thời có biện phápxử lý các vi phạm một cách hiệu quả.
Có thể nói, việc phối hợp với các cơ quan báo chí là một trong những điều kiện tiên quyết để Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó nâng cao nhận thức của các chủ thể (các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và chính người tiêu dùng) về công tác này.
Được biết, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào chiều nay (20/6). Khi Dự án Luật được thông qua, tiến tới để Luật thực sự đi vào đời sống cần sự công tác tuyên truyền cần được triển khai như thế nào, thưa ông?
Sau khi Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được thông qua, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện để đảm bảo rằng mọi người hiểu và tuân thủ các quy định của Luật.
Để bảo đảm hiệu quả của công tác này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã dự kiến một số hình thức triển khai, trong đó xác định hình thức tập trung chính, xuyên suốt là việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tạo ra nội dung, cách thức tuyên truyền chất lượng và đáng tin cậy về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả hoạt động này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp tục chủ động cung cấp thông tin và đa dạng hóa các hình thức phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, đặc biệt là vận hành cơ chế thống nhất, tập trung trong việc chia sẻ, tiếp nhận thông tin giữa báo chí và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Thông qua định hướng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan báo chí, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tin tưởng rằng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói riêng và vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả của cơ quan báo chí sẽ tiếp tục được phát huy và thể hiện rõ nét trong thời gian tới, từ đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn ông!