Sầu riêng được tập kết tại một doanh nghiệp ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), chờ đóng thùng xuất đi Trung Quốc. |
Nhà vườn, doanh nghiệp phấn khởi
Tiền Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích sản xuất sầu riêng. Tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000ha, năng suất hơn 2,5 tấn/ha, sản lượng đạt gần 231.000 tấn. Địa phương có hơn 110 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, chế biến sầu riêng; 30 kho lạnh, với tổng công suất khoảng 3.000 tấn. Sầu riêng của Tiền Giang xuất khẩu 70% tổng sản lượng qua thị trường Trung Quốc bằng hình thức tiểu ngạch.
Sau khi nghe thông tin sầu riêng của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi, xã Long Trung, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) vui mừng và tranh thủ xử lý ra hoa cho vườn sầu riêng rộng 0,7ha của mình.
Bà Tươi cho biết, trước đây, sầu riêng chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, giá biến động thất thường kể cả mùa thuận lẫn mùa nghịch. Thu nhập của nông dân cũng rất bấp bênh. Hiện, gia đình đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn và đang tìm sự liên kết với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để xin cấp mã code vùng trồng”.
Vườn trồng sầu riêng của bà Tươi dự kiến tháng 10 tới sẽ cho thu hoạch trái.
Vườn sầu riêng đạt chuẩn an toàn được trồng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). |
Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng sầu riêng hơn 3.000ha, trong đó khoảng 1.600ha đang cho trái
Bà Cao Thị Chiên, trồng 0,8ha sầu riêng tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, vui mừng cho biết: “Khi hay thông tin xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nông dân chúng tôi rất mừng. Trước đây, trái sầu riêng tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa nên giá cả thấp, lợi nhuận của người trồng không cao. Khi sầu riêng xuống giá, thương lái chấp nhận bỏ cọc để giảm lỗ, người trồng sầu riêng cũng rất bất an”.
Trước đó, bà Chiên cùng các thành viên trong tổ hợp tác trồng sầu riêng đạt chuẩn VietGap làm thủ tục để được cấp mã code vùng trồng và ký hợp đồng bán sản phẩm cho một doanh nghiệp trên địa bàn.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành (Bến Tre) Nguyễn Thị Thin cho biết: “Hiện, hợp tác xã có khoảng 80ha trồng sầu riêng tại 3 tổ hợp tác. Hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp để được cấp mã code vùng trồng, với 12ha và đang tiếp tục triển khai thêm 20ha nữa để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”.
Địa phương đã chuẩn bị
Huyện Chợ Lách là nơi có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Bến Tre, với hơn 2.000ha. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Địa phương đang hoàn tất thủ tục để cấp mã code vùng trồng sầu riêng ở xã Hòa Nghĩa, với diện tích hơn 45ha.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đang phát triển vườn sầu riêng hữu cơ tại xã Sơn Định, với hơn 50ha. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển vườn sầu riêng hữu cơ tại địa phương gồm: Hòa Nghĩa, Sơn Định, Tân Thiềng và mở rộng sang các địa phương khác để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy cho biết: “Hiện nay, công ty đang xuất khẩu sầu riêng đi các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…
Đồng thời, doanh nghiệp cũng liên kết với 3 tổ hợp tác trên địa bàn huyện Chợ Lách sản xuất gần 100ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGap. Hồ sơ, thủ tục mã code vùng trồng sầu riêng đang trong quá trình chờ phía Trung Quốc gắn số. Công ty đã sẵn sàng để xuất những lô sầu riêng đầu tiên”.
Hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có 97,87ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGap. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam cho biết: “Mã số vùng trồng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, đang chờ phía Trung Quốc gắn số. Dự kiến có hai vùng trồng ở xã Tân Phú (huyện Châu Thành) và Hòa Nghĩa (huyện Chợ Lách).
Thương lái ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu mua sầu riêng của nhà vườn bằng phương tiện thủy. |
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 15 cơ sở/184,58 ha, với sản lượng hơn 3.600 tấn/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Từ cuối năm 2021 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã gửi 11 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng và 13 hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói sầu riêng, đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số ngay sau khi Nghị định thư được ký kết.
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đã gửi văn bản đến các địa phương có trồng sầu riêng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và vận động các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói”.
Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra trực tuyến 2 vùng trồng ở tỉnh Tiền Giang (vùng trồng Thiện Tâm ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy) và 2 cơ sở đóng gói (Công ty MSH ở Long Trung, huyện Cai Lậy và Công ty Vạn Hòa ở Long Khánh, thị xã Cai Lậy) xin đề nghị cấp mã số.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, thời gian tới, Tiền Giang sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu sầu riêng nói riêng sang thị trường Trung Quốc.
Dự kiến, tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo về hướng dẫn xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, địa phương tiếp tục tuyên truyền nội dung Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, để hướng dẫn địa phương và nhà vườn trồng sầu riêng chủ động sản xuất đáp ứng các quy định của Trung Quốc; phối hợp các địa phương tuyên truyền sâu rộng cho người dân, doanh nghiệp về mục đích, yêu cầu về cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, cũng như quy định về thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; chuyển giao các tiến bộ mới trong sản xuất sầu riêng, nhất là việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ít độc, bảo đảm thời gian cách ly.
Ngành chuyên môn của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre đang tiếp tục hướng dẫn nhà vườn và doanh nghiệp sản xuất, thu mua xuất khẩu sầu riêng quản lý tốt các loài sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; đẩy mạnh sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho vùng sản xuất sầu riêng; thường xuyên theo dõi, liên hệ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân trong vùng được cấp mã số nhằm kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói.