Chứng khoán Việt Thành chịu mức phạt 275 triệu đồng

Admin
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Việt Thành (VTS, OTC – mã chứng khoán VTSC). Tổng số tiền Công ty phải chịu phạt là 275 triệu đồng.

Trong đó, VTS bị phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán. Công ty đã đầu tư quá 15% vốn chủ sở hữu vào một cổ phiếu niêm yết như sau: tại thời điểm ngày 31/12/2021, Công ty đầu tư 19,69% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; tại thời điểm ngày 31/3/2022, Công ty đầu tư 28,21% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII và 16,09% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; tại thời điểm ngày 30/6/2022, Công ty đầu tư 33,61% vốn chủ sở hữu vào cổ phiếu CII.

Thêm vào đó, VTS còn bị phạt 150 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch. Trong Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2021 và ngày 31/3/2022, Công ty đã không tính giá trị rủi ro thị trường tăng thêm khi tính tỷ lệ an toàn tài chính đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu CII và cổ phiếu VPB từ trên mức 10% vốn chủ sở hữu Công ty.

Tổng số tiền nộp phạt của VTS là 275 triệu đồng, đồng thời Công ty buộc phải báo cáo thông tin chính xác đối với hành vi báo cáo có nội dung sai lệch.

a5-1671559917.png

Chứng khoán Việt Thành bị xử phạt 275 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán và báo cáo có nội dung sai lệch.

Được biết, Công ty CP Chứng khoán Việt Thành (VTS) được thành lập theo Giấy phép thành lập và họat động số 84/UBCK-GPHĐKD do UBCKNN cấp ngày 05/3/2008. Công ty kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán và tự doanh chứng khoán. Trải qua 03 lần tăng vốn điều lệ thì đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có quy mô vốn là 300 tỷ đồng và mọi hoạt động đều dựa theo quy định của UBCKNN.

Theo quy định, VTS không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp để sử dụng làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán. Tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp của Công ty không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, VTS cũng được quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho các hoạt động đầu tư khác và một trong số đó là không được trực tiếp hoặc uỷ thác cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện đầu tư hoặc góp vốn quá 15% vốn chủ sở hữu vào một tổ chức hoặc dự án kinh doanh.

Tại BCTC 06 tháng đầu năm 2022 đã soát xét, lợi nhuận sau thuế của VTS ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện 74,89 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là lãi 287,53 triệu đồng. Nguyên nhân được VTS đưa ra là do khoản chi phí tăng lên từ việc đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL của hoạt động tự doanh. Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm 2022, khoản mục này ghi nhận giá trị 82,38 tỷ đồng, tăng gấp 37,85 lần so với năm 2021.

Trong quý 4/2022, VTS dự kiến sẽ phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược và/hoặc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh. Số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán là 20 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương giá trị 200 tỷ đồng.

Hải Phong