Dấu ấn của thời gian qua lăng kính nhiếp ảnh

Vũ Xuân Kiên
Nằm trong khuôn khổ sự kiện Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế, triển lãm “Đi tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm” diễn ra từ ngày 5/5 đến 31/5 tại Hà Nội.

Cuộc đối thoại nghệ thuật bằng thị giác

Phát biểu tại triển lãm, ông Thierry Vergon, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội chia sẻ: “Nghệ sĩ là những người đầu tiên tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng dân tộc. Họ cũng là những người góp phần trao đổi văn hóa, kết nối các cá nhân, quốc gia trở nên gần gũi hơn”.

trien-lam-thoi-gian-1-9102-1683460268.jpg

Triển lãm thu hút nhiều khán giả trong và ngoài nước.

 

Thông qua sự kiện, ông Thierry Vergon mong muốn, các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế có cơ hội trao đổi và quan sát lẫn nhau, đặt ra những cuộc đối thoại về thời gian qua lăng kính nhiếp ảnh. Triển lãm cũng thể hiện sự quan tâm của hai nước Việt Nam và Pháp đối với các nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo.

“Đi tìm thời gian đã mất thời gian đi tìm” trưng bày tác phẩm của 10 nhiếp ảnh gia thuộc nhiều thế hệ khác nhau, ở cả trong và ngoài nước. Họ cùng đối thoại và đưa ra góc nhìn riêng về thời gian thông qua các dự án nghệ thuật.

trien-lam-thoi-gian-2-8054-1683460268.jpg

Các tác giả trình bày những quan niệm và góc nhìn khác biệt về thời gian.

 

Chủ đề của triển lãm được lấy cảm hứng từ bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của nhà văn người Pháp Marcel Proust. Tác phẩm trên từng được bình chọn là 1 trong 10 tiểu thuyết được yêu thích nhất ở thế kỷ 20 và được tạp chí Time xếp thứ 8 trên 10 cuốn sách có giá trị nhất mọi thời đại.

Lý giải về chủ đề của triển lãm, giám tuyển Lê Nguyễn Duy Phương cho hay: “Thời gian luôn diễn ra và được phản ánh trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Thế nhưng, ta không thể hình dung hay mường tượng được nó nếu thiếu đi sự tham chiếu của những sự vật và sự việc xung quanh”.

Tại triển lãm, thời gian được đặt trong cuộc đối thoại nghệ thuật bằng thị giác. Các tác phẩm đề cập đến cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, việc trình bày hình ảnh trên nhiều chất liệu khác nhau đã tạo ra những hiệu ứng đa dạng về thị giác. Chúng không chỉ mở ra cuộc đối thoại sôi nổi giữa những nhiếp ảnh gia, giữa các tác phẩm mà còn khơi dậy sự tò mò của người xem.

Theo giám tuyển Lê Nguyễn Duy Phương, giá trị của các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm nằm ở chỗ, những thứ mà người chụp ảnh tìm kiếm trong giây phút màn trập mở ra thì chính họ cũng đánh mất nó cho bức ảnh. Họ tước đoạt và bị tước đoạt. Nói một cách dễ hiểu, khi họ tước đoạt sự vật, sự việc để tạo nên bức ảnh thì cùng lúc đó, họ cũng bị tước đoạt cơ hội ngắm nhìn sự vật, sự việc đó theo cách tự nhiên nhất.

Lối thể hiện sáng tạo, độc đáo

Những bức ảnh được trưng bày tại triển lãm không chỉ là ký ức, trải nghiệm, hay giấc mơ, chúng còn là những thời điểm được các nghệ sĩ ghi lại thông qua ống kính cá nhân.

Mỗi tác phẩm thể hiện một khía cạnh riêng. Dấu ấn của thời gian được phản ánh rõ nét qua những công trình lịch sử, hay đôi khi chỉ là những biến chuyển đời thường trong cuộc sống.

Thời gian được Nguyễn Xuân Khánh hằn sâu vào tiềm thức bằng những mảng ký ức theo gam màu đen trắng qua “Angkor trong giấc mơ”. Trần Vĩnh Đạt gấp gáp bắt trọn những khoảnh khắc trước giờ G của các sự kiện trong bộ ảnh “Tới giờ rồi”. Quang Lâm thuật lại những đường nét kiến trúc độc đáo ở “Bản đồ thời gian bưu thiếp Hà Nội”. Lâm Hiếu Thuận lưu giữ hình ảnh của hơn 400 nữ công nhân trên hành trình mưu sinh với “Di cư”.

trien-lam-thoi-gian-3-7920-1683460269.jpg

Tác phẩm “Angkor trong giấc mơ” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh.

 

Chính cách thức lựa chọn đối tượng, xây dựng màu sắc và bố cục trong mỗi bức hình cho thấy phong cách độc đáo và góc nhìn mới lạ về thời gian của từng tác giả.

Là một trong những nhiếp ảnh gia trẻ thuộc thế hệ 9X, Võ Minh Thông góp mặt tại triển lãm với tập hợp chân dung của hơn 30 người cao tuổi, sinh sống trải dài từ bắc vào nam trong bộ ảnh “Khiêu vũ với thời gian”.

Chia sẻ về lý do lựa chọn đối tượng này, Minh Thông cho biết: “Với người cao tuổi, thời gian còn lại đôi khi chỉ được tính bằng ngày, bằng tháng. Những cảm xúc được bộc lộ qua ánh mắt, nụ cười cho thấy thái độ sống của họ trước sự hữu hạn thời gian. Và điều đó đã thôi thúc tôi cầm máy lên ngay lập tức”.

Trong quá trình thực hiện bộ ảnh, tác giả đã cố gắng tiếp cận các nhân vật dưới góc độ một người bạn. Anh không vội vàng bắt lấy khoảnh khắc, mà nhẹ nhàng bước cuộc sống của họ, phá vỡ rào cản giữa những người xa lạ. Nhờ đó, anh dễ dàng kết nối và thấu hiểu hơn về các nhân vật.

trien-lam-thoi-gian-4-5228-1683460269.jpg

Tác phẩm “Khiêu vũ với thời gian” thu hút các khán giả trẻ.

 

Qua lăng kính nhiếp ảnh, thời gian hiện lên ở trong trạng thái vô hình lẫn hữu hình. Nó được tô đậm qua bối cảnh, chi tiết, cấu trúc và chất liệu. Thông qua các sản phẩm sáng tạo, 10 tác giả đã thể hiện những ý niệm đa chiều về thời gian.

Đến thưởng lãm, Trương Thị Thanh Thảo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận xét: “Các bộ ảnh được trưng bày có nội dung rất đa dạng, chứa đựng nhiều tầng nghĩa sâu sắc. Điều này đòi hỏi người xem phải nhìn thật kỹ và ngẫm thật sâu mới có thể hiểu một phần nào đó ý đồ của người nghệ sĩ”.