Theo số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê Liên bang (Destatis) công bố hôm 9/2, sau hai tháng suy giảm, lạm phát ở Đức đã tăng lên 8,7% trong tháng 1/2023.
Số liệu chính thức cho thấy lạm phát ở nền kinh tế Đức đạt 10,4% trong tháng 10/2022 và giảm xuống 8,6% trong tháng 12 năm ngoái.
Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng phát triển Đức KfW, cho biết: “Mặc dù đỉnh lạm phát có thể đã qua, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng mọi thứ đã rõ ràng. Lạm phát đã chạm đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế."
Giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt là thể hiện rõ rệt nhất của lạm phát. Để xoa dịu những tổn thương từ giá cả tăng cao cho người dân, Chính phủ Đức đã thông qua các gói cứu trợ quy mô lớn, bao gồm gói trợ giá khí đốt và điện trị giá 200 tỷ euro (215 tỷ USD).
Theo Destatis, khoản thanh toán một lần đầu tiên để giúp người dân trang trải chi phí khí đốt và sưởi ấm vào tháng 12 năm ngoái đã có tác động làm giảm lạm phát.
Tuy nhiên, ông Axel Lindner, Phó trưởng khoa Kinh tế vĩ mô tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle (IWH), cho rằng rất khó để đánh giá tác động của các khoản trợ cấp điện và khí đốt khác nhau đối với mức giá tiêu dùng."
Chính phủ Đức dự báo lạm phát năm 2023 sẽ giảm xuống 6%.
Bộ phụ trách các vấn đề kinh tế và hành động khí hậu Đức (BMWK) cho biết trong một tuyên bố vào cuối tháng Một vừa qua, mặc dù lạm phát sẽ vẫn ở trên mức lịch sử trong năm nay, nhưng "xu hướng đảo ngược đã bắt đầu"./.