Dệt may Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỷ USD vào năm 2030

Tran Huy
Ngày 16/3, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết vừa phối hợp với Công ty CSP tổ chức hội thảo "Giải pháp kỹ thuật số Style 3D cho ngành may mặc" với sự tham gia của các nhà tạo mẫu, doanh nghiệp liên quan.
Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas Trương Văn Cẩm cho biết, đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 68-70 tỷ USD, để đạt được mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp trong việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là việc nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng các giải pháp khắc phục các điểm yếu của ngành nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa.

Bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên phụ liệu, thành lập các cụm, khu công nghiệp sản xuất dệt may tập trung; thành lập các trung tâm thời trang hiện đại; việc áp dụng các giải pháp hiện đại như ứng dụng giải pháp kỹ thuật số Style3D sẽ giúp tạo mẫu, chỉnh sửa mẫu và hoàn thiện ý tưởng trong thời gian ngắn, giảm bớt những khó khăn trong thiết kế.

Qua đó từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và hướng tới mục tiêu cung cấp sản phẩm gắn thương hiệu riêng ở cả trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài,...

Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, ngành dệt may Việt Nam trong thời gian ngắn đã phát triển, vươn lên trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Nhìn dấu mốc từ khi Việt Nam ký Hiệp định thương mại Việt-Mỹ và có hiệu lực từ năm 2001, lúc đó kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam mới đạt 1,96 tỷ USD, đến năm 2022 đã đạt hơn 44 tỷ USD. Đây là con số rất tượng. Như vậy, qua hơn 20 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng hơn 22,6 lần đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành.

Hiện nay, hơn 85% năng lực sản xuất của ngành dành cho xuất khẩu nên ngày càng đối diện với rất nhiều thách thức tới từ các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ,...

Bên cạnh đó, khi tham gia xuất khẩu, những biến động của thị trường thế giới đều tác động đến ngành dệt may. Đơn cử như trước đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỷ USD nhưng năm 2020 giảm còn 35 tỷ USD hay xung đột Nga-Ukraine, năm 2023 xuất khẩu dệt may đã giảm gần 11% so với năm 2022,...

Bên cạnh khó khăn, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội khi Việt Nam đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang có hiệu lực như CPTPP, EVFTA,... và đang trong quá trình giảm thuế về 0%. “

Đây là cơ hội rất lớn nếu doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế mẫu,... qua đó nâng cao hiệu quả, tăng tính cạnh tranh khi tận dụng tốt các lợi thế từ các FTA này mang lại”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

QUỲNH CHI