Doanh nghiệp “rục rịch” phát hành trái phiếu trở lại

Admin
Tháng 11, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bớt ảm đạm hơn khi ghi nhận 5 đợt trái phiếu được phát hành. Mặc dù có sự cải thiện so với tháng 10, tuy nhiên đây vẫn là mức phát hành rất thấp trong những năm trở lại đây.

Sau biến động của thị trường từ vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, tháng 10 ghi nhận sự ảm đạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi không có bất kỳ đợt phát hành trái phiếu nào.

Sang tháng 11, thị trường có dấu hiệu phục hồi trở lại khi đã có sự xuất hiện của một số doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, số lượng phát hành ghi nhận ở mức rất thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của cả doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư sau hàng loạt biến động.

anh-1670926886.jpg

Tháng 11/2022, thị trường ghi nhận 5 đợt trái phiếu được thông báo và phát hành

Tính đến hết tháng 11/2022, theo số liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường ghi nhận 5 đợt trái phiếu được thông báo và phát hành. Trong đó, đáng chú ý là đợt phát hành của Tập đoàn Masan (HOSE - mã chứng khoán MSN) là doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất với 1.700 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ.

Theo sau là 2 đợt phát hành của Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam BIDV (HOSE - mã chứng khoán BID) cho 2 mã trái phiếu có kỳ hạn lần lượt là 6 và 7 năm với tổng giá trị là 84,7 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có đợt phát hành của CTCP Đầu Tư Đức Trung (UPCoM - mã chứng khoán DTI) trị giá 100 tỷ đồng, CTCP City Auto (HOSE - mã chứng khoán CTF) với giá trị phát hành là 50 tỷ đồng.

Tổng cộng, 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ diễn ra đã huy động được giá trị 1.934,7 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10,599 tỷ đồng, giảm 60% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 242,865 tỷ đồng, giảm 56% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).

Có thể thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 11 đã có sự khởi sắc hơn tháng 10, tuy nhiên nó vẫn chưa thật sự sôi động trở lại. Việc thiếu vắng người bán cho thấy sự e dè của nhiều doanh nghiệp trong việc phát hành, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh nhiều công ty vẫn đang phải ráo riết lên kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn theo yêu cầu của trái chủ hoặc chủ động mua lại trước hạn nhằm giảm áp lực đáo hạn hoặc giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.

Theo dữ liệu tổng hợp của VBMA, trong tháng 11, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 12,691.4 tỷ đồng (giảm 6% so với cùng kỳ tháng 11/2021). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 165,323 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021).

Tiên Tiên