Giá nước sạch sinh hoạt Hà Nội từ 1/7/2023: Thấp nhất 5.973 đồng/m3, cao nhất 27.000 đồng/m3

Vũ Xuân Kiên
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch

Từ 1/7, TP Hà Nội sẽ áp dụng khung giá nước sinh hoạt mới sau gần 10 năm không tăng. Theo đó, giá bán lẻ nước sinh hoạt ở TP Hà Nội từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023, như sau: Đối với hộ dân cư, hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận là 5.973 đồng/m3; hộ dân cư khác là 7.500 đồng/m3; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phục vụ mục đích công cộng là 12.000 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất là 15.000 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ là 27.000 đồng/m3.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2023-07-10-lu-c-15321420230710153612-1688983480.png
Từ 1/7, TP Hà Nội sẽ áp dụng khung giá nước sinh hoạt mới sau gần 10 năm không tăng.

Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/12/2024, giá nước được điều chỉnh: Đối với hộ dân cư, hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận là 5.973 đồng/m3; hộ dân cư khác là 8.500 đồng/m3; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; phục vụ mục đích công cộng là 13.500 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất là 16.000 đồng/m3; kinh doanh dịch vụ là 29.000 đồng/m3.

Với mức tăng trên, quy chiếu nhu cầu tiêu dùng nước sạch thực tế tại các hộ dân ở nội thành Hà Nội (khoảng 10-16m³/hộ/tháng), số tiền người dân sẽ phải trả thêm tăng từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng.

Ở khu vực nông thôn (6-8m³/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.

Tại công văn 3541/QĐ-UBND Quyết định phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu về kết quả tính toán trong phương án giá theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn về đối tượng sử dụng nước đảm bảo đúng quy định.

Nâng cao chất lượng nguồn nước sạch

Thông tin về sự cần thiết của việc tăng giá nước sạch, theo Sở Tài chính Hà Nội, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội là xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Các hộ dân ở vùng nông thôn cũng được cung cấp nước sạch và đảm bảo mặt bằng giá giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khỏe người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.

Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72%.

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng Cục Thống kê công bố: Số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người, khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người, một gia đình là 22,4 triệu đồng/hộ.

Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nếu không điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới, ảnh hưởng tới các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.

Các nhà máy nước ngầm (được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao) hiện đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch; các nhà máy nước mặt đang vận hành hiện do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh, nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành cũng như khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.

Theo đó, các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn khi huy động vốn để đầu tư với các nhà máy nước trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư.

Đặc biệt, theo Sở Tài chính Hà Nội lý giải, với giá nước như hiện nay, Hà Nội sẽ không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch bởi hiện Bộ Y tế yêu cầu chất lượng nước sạch phải đạt quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT. Với giá nước chưa được điều chỉnh, các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.