Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sĩ, đoàn công tác của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn đầu ngày 14/7 đã có buổi làm việc với Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweal và tổ chức Hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư Thụy Sĩ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giới thiệu những thành tựu kinh tế của Việt Nam, một số thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam và Kế hoạch hành động ngành tài chính nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, tình hình kinh tế-chính trị quốc tế đang có những biến động lớn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở cửa trong trạng thái "bình thường mới" giúp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đưa các ngành, lĩnh vực chủ yếu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng "Ổn định" và Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Nhờ những yếu tố vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã thu hút được sự chú ý lớn của các nhà đầu tư trong hai năm trở lại đây. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến cuối tháng 5/2022 đạt gần 5,69 triệu tài khoản, tăng 32,1% so với cuối năm 2021. Tính riêng trong tháng 5, số lượng tài khoản mở mới ghi nhận tăng thêm 476.711 tài khoản.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia rất tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 141,2 tỷ USD cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 113,5 tỷ USD trái phiếu.
Về thúc đẩy tài chính xanh, tài chính bền vững, trong những năm qua, ngành tài chính, chứng khoán đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy tài chính xanh, tài chính bền vững và đầu tư có trách nhiệm trên thị trường vốn Việt Nam.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán đưa ra các yêu cầu, quy định về công bố thông tin về bền vững, trách nhiệm xã hội, môi trường của doanh nghiệp niêm yết; xây dựng chỉ số chứng khoán bền vững, hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh.
Ở cấp độ quốc tế và khu vực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam cũng rất tích cực tham gia vào các sáng kiến, diễn đàn, tổ chức thúc đẩy tài chính xanh, tài chính bền vững như tham gia xây dựng bộ phân loại đầu tư xanh ASEAN, trở thành thành viên của sáng kiến các Sở giao dịch chứng khoán bền vững...
Thay mặt Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ vinh hạnh được nhận vai trò chủ nhà và cùng phối hợp tổ chức Hội nghị với cộng đồng các nhà đầu tư tài chính quan tâm đầu tư vào thị trường vốn của Việt Nam, các cơ quan tổ chức có đầu tư, quan tâm và thúc đẩy tài chính xanh, bền vững, và các vấn đề về môi trường xã hội.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai giới thiệu đôi nét về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời nêu bật những cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Thụy Sĩ.
Phần cuối Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trả lời một số câu hỏi của các doanh nghiệp Thụy Sĩ về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, định hướng phát triển thị trường tài chính xanh, bền vững.
Trong không khí sôi nổi và cởi mở, đại diện các doanh nghiệp Thụy Sĩ tham dự Hội nghị đã chia sẻ các ý kiến, tham khảo các chính sách mở và ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xanh.
Các đại biểu đánh giá Hội nghị đối thoại là một cơ hội thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Thụy Sĩ, đồng thời cho rằng tiềm năng phát triển của thị trường vốn Việt Nam là rất lớn.
Thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp Thụy Sĩ có thể hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam và hy vọng có thể đạt được các mục tiêu đầu tư hiệu quả và thành công ở Việt Nam./.