Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, TMĐT cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền TMĐT xanh.
Rác thải phát sinh khi mua sắm trực tuyến cao gấp 7 lần
Phóng viên (PV): Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới?
Bà Lại Việt Anh: Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, TMĐT đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer (Hoa Kỳ) xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
Thị trường TMĐT Việt Nam cũng được đánh giá vẫn có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Theo Báo cáo e-Conomy SEA (nền kinh tế số của Đông Nam Á) năm 2022 của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, TMĐT sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Báo cáo này cũng dự báo Việt Nam sẽ nằm trong top 3 quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư nhất trong lĩnh vực TMĐT.
PV: Trong xu hướng phát triển bùng nổ của TMĐT, vấn đề rác thải từ lĩnh vực này cũng là điều đáng lưu tâm, thưa bà?
Bà Lại Việt Anh: Đúng vậy, khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, TMĐT cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền TMĐT xanh. Người dùng có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu tới môi trường và xã hội. Đó là lúc TMĐT phải thay đổi. Không chỉ những gói hàng mà ngay cả hành trình của nó từ người bán tới người mua cũng cần phải xanh hơn, bền vững hơn.
Trên thực tế, rác thải bỏ đi khi mua sắm trực tuyến cao gấp 7 lần so với rác thải bỏ đi khi mua sắm tại cửa hàng. Số liệu thống kê về yêu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì từ Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy, có khoảng 86% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững; đồng thời 77% người tiêu dùng mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai. Bao bì bền vững được định nghĩa là phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng. Không những thế, một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, sự tăng trưởng mạnh của hoạt động giao hàng cuối cùng trong TMĐT có thể góp phần gây ách tắc giao thông và làm tăng lượng khí thải carbon ở các thành phố lớn trên thế giới trong thập kỷ tới. Cụ thể, nghiên cứu này ước tính đến năm 2030, số lượng phương tiện giao hàng trong 100 thành phố lớn trên thế giới sẽ tăng 36%. Lượng khí thải từ lưu lượng giao hàng tăng hơn 30%, đồng thời tình trạng tắc nghẽn giao thông tăng hơn 21%.
Ưu tiên sử dụng bao bì tái chế, tối ưu hóa vận chuyển
PV: Vậy các doanh nghiệp tham gia TMĐT cần có sự thay đổi ra sao, thưa bà?
Bà Lại Việt Anh: Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Company cũng cho thấy, việc tối ưu hóa hoạt động TMĐT như giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng những vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa... sẽ góp phần cắt giảm được 30-40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.
Chính vì vậy, nhằm giảm tác động ảnh hưởng của TMĐT đối với môi trường, trong khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.
Nhiều đơn vị TMĐT tại Việt Nam đã dần chuyển đổi hướng tới giảm bớt phát thải carbon. Từ năm 2019, một thương hiệu giao hàng đã quy định bộ đồ ăn nhựa dùng một lần sẽ không còn được mặc định cung cấp khi khách gọi thức ăn. Nếu muốn dùng muỗng nĩa nhựa, khách hàng phải yêu cầu riêng. Hay đơn vị khác thúc đẩy việc sử dụng xe điện để giao hàng từ năm 2017. Đồng thời còn áp dụng công nghệ tái chế giấy, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm lượng vật liệu nhựa...
PV: Bên cạnh phát thải từ TMĐT, vấn đề hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng cũng rất phức tạp. Vậy thời gian tới, cơ quan quản lý có những định hướng như thế nào, thưa bà?
Bà Lại Việt Anh: Phát triển bền vững thị trường TMĐT trong nền kinh tế số đang là một thách thức không nhỏ. Do đó, cần hoàn thiện chính sách tạo môi trường pháp lý thông thoáng; bảo đảm môi trường TMĐT cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương; phát triển TMĐT xanh; TMĐT gắn kết với môi trường. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu về TMĐT. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý kinh doanh TMĐT trên mạng xã hội, đồng thời xây dựng và hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý kỹ thuật các website/ứng dụng kinh doanh TMĐT vi phạm pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!