Hàng không quốc tế phục hồi: Cơ hội quảng bá du lịch

Nguyễn Ánh Hiền
Dự báo năm 2023, thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam sẽ hồi phục về gần như giai đoạn trước dịch Covid-19. Tận dụng lợi thế của xu hướng phục hồi, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Tổng Cục du lịch để quảng bá, kích cầu du lịch quốc tế sau đại dịch.

z4293472012596-dafeade4c8340ff5a7cf4c289349d280-3863-1682492743.jpg

Dự báo năm 2023, thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam sẽ hồi phục về gần như giai đoạn trước dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: T.LINH)

Đà phục hồi tích cực

Tại Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa sáng 25/4, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, bắt đầu đà phục hồi nhanh từ quý 3/2022, thị trường hàng không quốc tế tại Việt Nam đến nay vẫn duy trì tốc độ tăng tích cực.

Báo cáo mới nhất trong tháng 4/2023, hiện có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi.

Tuy nhiên, dù thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam, đã mở cửa trở lại song tần suất khai thác của các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc mới đạt khoảng 50% so với giai đoạn trước dịch.

Tính chung trong quý I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 7,1 triệu khách, bằng xấp xỉ 68% so cùng kỳ năm 2019.

mrdang-hk-4158-1682492768.jpg

Ông Bùi Minh Đăng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Ban Tổ chức cung cấp)

Đại diện của Cục Hàng không Việt Nam thông tin, theo dự báo, trong giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục và với việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3/2023, dự báo tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn so quý 1/2023.

Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Các hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Australia, Kazakstan.

Đáng chú ý là các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.

Dự kiến, thị trường hàng không quốc tế trong các tháng hè sẽ đạt mức từ 2,5 triệu khách đến 3 triệu khách/tháng với tỷ lệ hồi phục tăng dần từ 78% đến 80% so các tháng ứng cùng kỳ 2019. Thị trường hàng không quốc tế sẽ hoàn toàn hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19 vào các tháng cuối năm 2023.

“Tính cho cả năm 2023, dự báo thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đạt khoảng 34 triệu khách, bằng xấp xỉ 84% so năm 2019”, ông Đăng thông tin.

Theo báo cáo của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ngày 8/2/2023, dự báo nhu cầu vận tải hàng không dân dụng vào năm 2023 sẽ nhanh chóng phục hồi về mức trước đại dịch trên hầu hết các tuyến vào quý đầu tiên và dự kiến năm 2023, lượng vận chuyển hành khách hàng không toàn cầu sẽ tăng khoảng 3% so năm 2019.

Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành vận tải hàng không thế giới đã giảm lỗ trong năm 2022 và bắt đầu có lãi vào năm 2023 với con số khiêm tốn là 4,7 tỷ USD và vận chuyển hơn 4 tỷ hành khách.

Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA nhận định: “Sẽ có những thách thức vào năm 2023. Nhưng thành thật mà nói, những thách thức này tương đối nhỏ so với những gì chúng ta đã trải qua”.

Không có rào cản cho hàng không quốc tế

Về xu thế vận tải hàng không sau đại dịch, ông Đăng cho hay có một số thay đổi so với trước đây nhưng xu thế chung vẫn không thay đổi. Trong đó, xu thế “tự do hoá vận tải hàng không” vẫn là xu thế chủ đạo, cơ bản, xuyên suốt và không thể tránh khỏi của vận tải hàng không thế giới.

Bên cạnh đó, một số xu thế chính vẫn tiếp tục sau đại dịch gồm: giảm thiểu sự bảo hộ, kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động vận tải hàng không thông qua việc tư nhân hoá, cổ phần hoá các hãng hàng không; liên kết, liên minh giữa các hãng hàng không lớn với mục đích tận dụng các lợi thế của nhau về thị trường, mạng dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành thông.

Đặc biệt sau đại dịch, việc khai thác các cảng hàng không thứ cấp cũng sẽ được nhiều hãng hàng không quan tâm vì tiết giảm được chi phí, nhận được sự hỗ trợ của các địa phương.

Quy chiếu vào tình hình tại Việt Nam, ông Đăng cho biết: “Việc các hãng hàng không Việt Nam tăng cường khai thác vào các thị trường ngách, các thị trường du lịch tại các địa phương có các cảng hàng không quốc tế thứ cấp, chưa được khai phá bởi các hãng hàng không hiện hữu là một xu thế tất yếu khi các thị trường truyền thống đã có các hãng không khác khai thác với mức độ cạnh tranh cao và trong bối cảnh còn gặp khó khăn về hạ tầng tại các cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”.

sbpq-2055-1682492800.jpg

Khách quốc tế làm thủ tục tại sân bay Phú Quốc. (Ảnh: T.LINH)

Thực tế, hiện hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Ông Đăng nhận định, với chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa hay nói cách khác là “Mở cửa bầu trời”, có thể nói gần như không có rào cản cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để kết nối nhiều đường bay từ các điểm quốc tế đến Việt Nam, khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến các cảng hàng không quốc tế khác ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất như Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi và cả các cảng hàng không nội địa có thể khai thác quốc tế tại như Liên Khương (Đà Lạt), Phù Cát (Bình Định).

“Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với Tổng Cục du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không-du lịch và đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế”, ông Đăng nói.

Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” do Báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng đồng chủ trì Hội thảo.