Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Nguyễn Ánh Hiền
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Trong đó, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.

z4213242717863e6184487a95a15017ea8f8e8e764781a1-7867-1681109324.jpg

Ðại diện các dự án đoạt giải tại cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023. (Ảnh: moet.gov.vn)

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia. Ðể hỗ trợ, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, hằng năm, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên nhằm thực hiện đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo Quyết định số 1665/QÐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ðiểm nhấn của ngày hội là cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" được tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Ðến nay, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng lan tỏa.

Tạo sân chơi, hình thành ý tưởng khởi nghiệp

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Ngô Thị Minh, hiện nay, có 45 cơ sở đào tạo đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên. Năm 2020 mới chỉ có 30% số cơ sở giáo dục đại học đưa hoạt động khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn thì đến cuối năm 2022 đã tăng lên 48%.

Ngoài ra, có 75% số cơ sở đào tạo tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp; toàn bộ các cơ sở đào tạo đều xây dựng chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa...

Cả nước có 60% số các cơ sở đào tạo thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình. Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho ba cơ sở giáo dục đại học.

Quá trình khởi nghiệp, tham gia Ngày hội khởi nghiệp cũng như cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp giúp các em có cơ hội thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đưa ra các sáng kiến, giải pháp không chỉ để tham dự cuộc thi mà còn giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội...

Sinh viên Vũ Văn Toàn, đại diện nhóm sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Trường đại học Mở Hà Nội) với dự án "Smart Wheel Chair", sản xuất chiếc xe lăn điện, đoạt giải nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023, chia sẻ: Khi học tập tại Trường đại học Mở Hà Nội, sinh viên luôn được các thầy, cô khích lệ tinh thần và hướng dẫn kiến thức. Ðó chính là động lực thôi thúc chúng em mạnh dạn hoàn thiện dự án khởi nghiệp. Hiện nay, trong xã hội có rất nhiều người khuyết tật nhưng vô cùng nghị lực, sống lạc quan, truyền cảm hứng và là động lực phấn đấu cho giới trẻ. Vì vậy, chúng em đã triển khai ý tưởng khởi nghiệp với dự án nghiên cứu thử nghiệm chiếc xe lăn điện tích hợp nhiều tiện ích, giúp người khuyết tật, nhất là cho những người không thể hoặc gặp khó khăn trong việc đi lại. Tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm nay, chúng em đã có một phần thể hiện khá tốt và kết quả đạt được cũng rất đáng tự hào.

"Cuộc thi không chỉ là sân chơi để sinh viên thể hiện tài năng về những ý tưởng khởi nghiệp mà còn là nơi tạo cơ hội, tạo dựng thương hiệu cho các bạn trẻ", Toàn chia sẻ.

Trang bị kỹ năng khởi nghiệp

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia một cách toàn diện cần rất nhiều yếu tố, trong đó, ngành giáo dục đảm nhiệm hai yếu tố quan trọng là: Tài năng và hình thành văn hóa khởi nghiệp.

Vì vậy, ngành giáo dục sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinh từ phổ thông để các em có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân, tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách thiết thực để hỗ trợ học sinh, sinh viên, giảng viên và các nhà trường tiếp tục đầu tư công sức để gắn học với hành, tham gia nhiều hơn các hoạt động khởi nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, gắn với lợi ích cộng đồng và các hoạt động thương mại, dịch vụ khởi nghiệp để có thể tạo dựng được nhiều trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, phong trào khởi nghiệp đã trở thành một tinh thần, một khí thế, một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Ðào tạo coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành giáo dục cần phải tạo ra. Ðể học sinh, sinh viên khởi nghiệp, trong đổi mới, ngành đã triển khai giáo dục nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng cho các em. Ngành giáo dục sẽ kết nối với doanh nghiệp, tìm kiếm sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của học sinh, sinh viên.

Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023 sau khi phát động (tháng 11/2022) đã nhận được 508 dự án dự thi, thuộc năm lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội. Các dự án tham dự thể hiện được tính mới, tính sáng tạo; các bài trình bày đã thể hiện được tính chuyên nghiệp, nhiều dự án được thương mại hóa. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Kết quả, có năm dự án của sinh viên, năm dự án của học sinh được chấm giải nhất.