Theo danh sách nợ đọng tháng 11 của BHXH TP Hà Nội, Công ty CP Phát triển Giáo dục Igarten (Giáo dục Igarten) hiện đang nợ BHXH, BHYT, BHTN 16 tháng của 732 lao động với tổng số nợ 14,36 tỷ đồng, mức nợ cao nhất trong danh sách. Ngoài ra, một công ty liên kết do Apax Holdings nắm 31,59% cổ phần cũng nằm trong top đầu danh sách nợ, đó là Công ty CP Giáo dục tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS, nợ BHXH 22 tháng của 228 lao động với số tiền lên tới 7 tỷ đồng.
BHXH TP Hà Nội cũng ghi nhận một số đơn vị do ông Nguyễn Ngọc Thuỷ làm đại diện pháp luật hiện đang nợ đọng từ 6 – 24 tháng. Cụ thể, Công ty CP Apax Global nợ 8 tháng số tiền 484,46 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư và phân phối Egame nợ 19 tháng số tiền 3,11 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Ecapital nợ 21 tháng số tiền 1,14 tỷ đồng.
Trong danh sách nợ BHXH tháng 10, Apax English của ông Thuỷ cũng là cái tên có mức nợ cao nhất tháng 49,72 tỷ đồng. Cùng trong danh sách là Giáo dục Igarten với số nợ 13,07 tỷ đồng, Công ty CP Giáo dục tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS nợ 6,56 tỷ đồng, Apax Holdings nợ 935,16 triệu đồng, Công ty CP Tập đoàn Hạ tầng Giáo dục nợ 219,82 triệu đồng, Công ty CP Trường Liên cấp Firbank Australia nợ 3,33 triệu đồng. Như vậy, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN của Apax Holdings trong tháng 10 ở mức 70,5 tỷ đồng.
Liên quan tới những ồn ào về việc giáo viên tố nợ lương và phụ huynh đòi tiền, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ lên tiếng thừa nhận đây đang là những tồn tại của Apax English và lãnh đạo công ty cũng đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp. Đồng thời, ông khẳng định Apax Holdings là công ty mẹ, có hoạt động hoàn toàn độc lập nên sẽ không gặp ảnh hưởng gì lớn từ sự việc này. Hiện tại, 02 công ty con khác của Công ty là Giáo dục Igarten và Công ty CP Trường Liên cấp Firbank Australia vẫn đang hoạt động bình thường và phát triển tốt.
Tuy nhiên mới đây, vào ngày 16/11, Cục thuế TP Hà Nội đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 09 ngân hàng và các chi nhánh với tổng số tiền 5,62 tỷ đồng. Sau khi công bố quyết định này, giá cổ phiếu IBC của Apax Holdings đã sụt giảm trong nhiều phiên liên tiếp. Để xảy ra tình trạng này, Apax Holdings đưa ra nguyên nhân là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế. Thêm nữa, nhà đầu tư cổ phiếu IBC có vay ký quỹ/thế chấp bị ép bán chủ động từ các Công ty Chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Ngày 12/12, giá cổ phiếu IBC đang dừng ở mức 6.120 đồng/cp, giảm 70% so với đầu năm. Đây là mức giá thấp nhất kể từ khi cổ phiếu IBC được niêm yết trên sàn HOSE.