Năng lực quản trị là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thích ứng trước khủng hoảng

Admin
Các chuyên gia nhận định rằng, năng lực quản trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những khủng hoảng, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn, vì vậy, thường hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch COVID-19.

Hai năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

1-1667992436.jpg

Hội thảo công bố báo cáo "Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng"

Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó. Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác như: chiến tranh, dịch bệnh, môi trường, tài chính, nhân sự...

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

2-1667992435.jpg

Ông Nguyễn Quang Anh, Quản lý Chương trình cấp cao (Chính sách Kinh tế), Đại sứ quán Australia phát biểu tại Hội thảo

Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo "Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng".

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp,.. đã thảo luận các phát hiện chính của nghiên cứu và phân tích đề xuất kiến nghị và giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng.

Yếu tố về quản trị doanh nghiệp tốt ngày càng trở nên quan trọng

Tại hội thảo, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã trình bày kết quả chính của Báo cáo. Nghiên cứu thực hiện khảo sát với hơn 630 doanh nghiệp, kết quả cho thấy, 32,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, năng lực quản trị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng COVID-19 thành công; 20,5% cho rằng thị trường khách hàng là nguyên nhân chính; 20% lựa chọn khả năng thích ứng với khủng hoảng dựa trên quy mô vốn của doanh nghiệp.

3-1667992435-1668003584.jpg

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trình bày kết quả Báo cáo

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi đối mặt với khủng hoảng, các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi phương thức kinh doanh. Đồng nghĩa với điều đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một yếu tố sống còn để đảm bảo doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và phát triển.

Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp đều chung quan điểm coi nhân sự là tài sản, đóng vai trò quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp.

Trong giai đoạn khủng hoảng, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực với các mức dự trữ tiền, tài sản phù hợp với quy mô hoạt động của doanh nghiệp để có thể đầu tư vào hoạt động sản xuất, tham gia vào các dự án mới hoặc ít nhất là có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi khủng khoảng.

Một điểm đáng lưu ý trong nghiên cứu là tại các doanh nghiệp do nữ giới làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn trong thời kỳ khủng hoảng, chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi của họ trong thời kỳ khủng hoảng.

phan-duc-hieu-pld-1668003389.jpg

TS.Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

TS.Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao các kết quả của báo cáo trên. Theo ông, yếu tố về quản trị doanh nghiệp tốt đang ngày càng trở nên quan trọng và Chính phủ nên có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp quản trị tốt.

Theo quan điểm của ông, việc doanh nghiệp vẫn có thể chống chịu được do có nguồn tài chính, lợi thế ngành nghề, thị trường,… đâu đó vẫn có yếu tố may mắn. Nhưng với năng lực quản trị doanh nghiệp tốt, kể cả doanh nghiệp có bị tác động bởi khủng hoảng hay không đều có thể thích ứng với mọi biến động không lường trước. Bởi trong mô hình quản trị doanh nghiệp đã bao gồm cả yếu tố quản trị rủi ro mà nó có khả năng giúp doanh nghiệp chống chọi trước các biến cố.

Nói về vai trò về nữ quyền trong kinh doanh, ông Hiếu cũng đưa ra một nghiên cứu của một ngân hàng Thuỵ Sỹ về 2.360 công ty đại chúng trong vòng 6 năm. Theo đó, công ty nào có ít nhất một thành viên Hội đồng quản trị là nữ, giá cổ phiếu có kết quả tốt hơn 26% so với công ty không có phụ nữ. Ông Hiếu đánh giá, việc thúc đẩy quyền năng của phụ nữ là rất quan trọng.

Xây dựng các kịch bản ứng phó, xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô

Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, do mức độ và chiều hướng tác động của COVID-19 lên các ngành có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ, trong đó có việc xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng bằng việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi. Đồng thời, tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, về nguồn lực tài chính, các doanh nghiệp cần có bảng cân đối tài sản vững mạnh, đội ngũ quản lý tốt, có thể tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư trong giai đoạn hiện nay để có cơ hội bứt phá và vươn lên phát triển. Các doanh nghiệp được quản lý quá chặt chẽ có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược. Ngoài ra, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Để giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng...

bui-thu-thuy-pld-1668003391.jpg

Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư

Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh một số chính sách cũng chưa thực sự hỗ trợ được cho doanh nghiệp, kể cả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 2% lãi suất bởi tốc độ giải ngân còn chậm, các chính sách có độ trễ lớn.

Bà khuyến nghị Chính phủ cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của CMCN 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng...

Linh Nguyễn