Nghị viện châu Âu thông qua đạo luật cấm hàng hóa liên quan đến nạn phá rừng

Nguyễn Ánh Hiền
Các công ty không tuân thủ theo quy định của đạo luật có thể đối diện mức phạt lên tới 4% doanh thu tại một quốc gia thành viên EU.

pha-rung-4480-1681975609.jpg

Nạn phá rừng hiện chiếm 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu gây biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Reuters)

Ngày 19/4, Nghị viện châu Âu đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu các sản phẩm cà phê, thịt bò, đậu nành và một số mặt hàng khác vào Liên minh châu Âu (EU) nếu chúng có liên quan đến hoạt động phá rừng trên khắp thế giới.

Theo đó, các công ty đưa hàng hoá vào EU sẽ buộc phải cung cấp báo cáo thẩm định chuyên sâu và thông tin có thể kiểm chứng nhằm chứng minh sản phẩm của họ không được sản xuất trên vùng đất rừng bị tàn phá, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Các quy tắc mới này nhằm loại bỏ nạn phá rừng khỏi chuỗi cung ứng của một loạt mặt hàng hằng ngày được bán ở châu Âu. Lệnh cấm sẽ áp dụng cho đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, cacao, cà phê, cao su, than củi và các sản phẩm phái sinh bao gồm da thuộc, sô-cô-la và đồ nội thất.

“Người tiêu dùng châu Âu giờ đây có thể yên tâm rằng họ sẽ không còn vô tình đồng lõa với nạn phá rừng nữa”, ông Christophe Hansen, nhà đàm phán của EP về đạo luật cho biết.

Mặc dù không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, song đạo luật mới này vẫn vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia chịu tác động.

Indonesia và Malaysia, hai trong số các nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, đã cáo buộc EU cản trở việc tiếp cận thị trường đối với mặt hàng dầu cọ của họ. Malaysia cho biết nước này có thể ngừng xuất khẩu dầu cọ sang EU để phản đối đạo luật trên.

Đạo luật mới của EP sẽ cần các nước thành viên EU thông qua để chính thức có hiệu lực. Khi đó, các công ty lớn sẽ có 18 tháng để thực hiện các quy định trong đạo luật, còn các công ty nhỏ hơn sẽ có 24 tháng. Các trường hợp không tuân thủ có thể đối diện mức phạt lên tới 4% doanh thu tại một quốc gia thành viên EU.