Sau hơn 2 năm nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đến thời điểm này, ngành du lịch Quảng Bình đang phục hồi và có những bước phát triển mạnh mẽ.
Để đón mùa cao điểm du lịch Hè năm 2023, ngành đang tích cực triển khai các kế hoạch, giải pháp nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá, nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, chủ động đón đầu mùa du lịch cao điểm, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, đơn vị khai thác và quản lý trực tiếp các tuyến điểm du lịch như động Phong Nha, động Tiên Sơn, sông Chày - hang Tối, suối nước Moọc, hang Tám Thanh niên xung phong cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn… đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, sẵn sàng phục vụ khách đến tham quan và trải nghiệm.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, cho biết ngay trong những tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã xây dựng, cải tạo, gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, như làm mới hệ thống cầu tre dọc sông, nhà vệ sinh, tạo dựng các điểm check-in mới; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, bổ sung các chòi ăn lớn phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách tại tuyến điểm sông Chày-hang Tối và Khu du lịch sinh thái suối nước Moọc.
Tuyến sông Phong Nha sau mỗi mùa Đông, mưa lụt được đơn vị nạo vét cát; đồng thời, mời các chuyên gia về ánh sáng tư vấn, bố trí hệ thống đèn trong động, đảm bảo thẩm mỹ, độ sáng cho khách tham quan cũng như hỗ trợ đèn cho các máy chụp hình chất lượng tốt nhất phục vụ du khách.
Ngoài ra, các thuyền phục vụ du khách tại Bến thuyền Du lịch Phong Nha cũng được chỉnh trang, sơn sửa; thay mới và trang bị thêm các thiết bị, ghế, áo phao; lắp hệ thống giảm ồn cho máy để nâng cao chất lượng phục vụ.
Để thu hút du khách đến với Phong Nha-Kẻ Bàng, đơn vị đã nỗ lực và luôn cố gắng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch.
Năm 2023, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ tập trung khai thác có hiệu quả tuyến khám phá 4.500m động Phong Nha về đêm; mở thêm các dịch vụ bổ trợ như ngủ lều, các đêm nhạc acoustic đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, nhất là nhóm khách trẻ.
Riêng tại suối nước Moọc, dịch vụ ngủ lều, trekking dọc suối đến thác Chày, tắm nước lạnh... được mở thêm mang đến những trải nghiệm thú vị, mới lạ và hấp dẫn cho du khách.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên; phối hợp với các trường đào tạo trong tỉnh mở các lớp cấp chứng chỉ ngoại ngữ, lễ tân, đầu bếp, nâng cao kỹ năng mềm, chăm sóc khách hàng...
Với đội thuyền và ảnh tại Bến thuyền Du lịch Phong Nha, đơn vị tổ chức gặp gỡ, trao đổi kiểm tra, rà soát chất lượng thuyền, máy ảnh, các chứng chỉ nghề có liên quan nhằm hướng đến sự chuyên nghiệp, chỉn chu và an toàn khi phục vụ du khách.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách Phòng Kinh doanh, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, cho hay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, mang đến cho thực khách ấn tượng tốt về ẩm thực địa phương, tại các nhà hàng do Trung tâm quản lý, đơn vị rất chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ du khách. Trong đó, nguồn hàng nhập vào đều có giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn hàng hóa với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có sự giám sát chặt chẽ trong các khâu.
Các nhà hàng tại Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cũng chú trọng việc đào tạo nâng cao tay nghề cho đầu bếp, nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo, mến khách; đầu tư công cụ, dụng cụ bếp đảm bảo, bổ sung và đa dạng các món ăn trong thực đơn...
Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng còn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng môi trường du lịch, đảm bảo sự thống nhất hoạt động và tạo dựng được thương hiệu du lịch trong lòng du khách khi đến với Phong Nha-Kẻ Bàng.
Năm 2023, Quảng Bình phấn đấu đón từ 3-3,5 triệu lượt du khách, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.400-3.900 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương đang tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực làm du lịch; quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch, hỗ trợ du khách; xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp và thân thiện.
Sở Du lịch Quảng Bình phối hợp với Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và các đơn vị tiếp tục phát triển, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…
Các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, khám phá tự nhiên tại các khu vực ngoài Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được đa dạng hóa, như khám phá hệ thống hang động Tú Làn, Thác Mơ (Minh Hóa), thác Tam Lu (Quảng Ninh), Khe Nước Lạnh, Khe Nước Trong, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (Lệ Thủy) và hình thành các khu, điểm, sản phẩm du lịch sinh thái khác; xây dựng các chương trình trọn gói du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch…
Mùa du lịch Hè năm 2023 đang cận kề. Cùng với sự chuẩn bị chu đáo, triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy du lịch phát triển, Phong Nha-Kẻ Bàng nói riêng và Quảng Bình nói chung sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn, văn minh, khác biệt đối với du khách trong, ngoài nước./.