Rộng mở góc nhìn với nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại

Nguyễn Ánh Hiền
Trong khuôn khổ Biennale (Liên hoan Nhiếp ảnh quốc tế) mang tên Photo Hanoi ’23, nhiều không gian nghệ thuật, sáng tạo tại Hà Nội vừa trải qua "tháng nhiếp ảnh" sôi động với 22 triển lãm, bốn tọa đàm và hàng loạt lớp học, buổi thực hành,... Sau lần đầu tổ chức, sự kiện cho thấy những cơ hội, hướng đi mới để nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển, hội nhập.

le-be-mac-photo-hanoi-2023-2121-1687141660.jpg

Các thành viên Ban tổ chức, nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tại lễ bế mạc Photo Hanoi’

Trong lễ bế mạc Photo Hanoi ’23, Ban tổ chức đã công bố số liệu tổng kết ấn tượng: hơn 200 bài báo và phóng sự thuộc mọi thể loại được đăng tải; hơn 5 triệu lượt tiếp cận qua mạng xã hội; 170 nghìn lượt khách tham quan; 10 nghìn người tham dự các tọa đàm trực tiếp và trực tuyến...

Ðại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam-ông Nicolas Warnery khẳng định: "Photo Hanoi ’23 ghi nhận sự tham gia tích cực của các nhiếp ảnh gia Việt Nam và nước ngoài. Thành công của Photo Hanoi ’23 trên cả phương diện nghệ thuật và truyền thông là cơ sở để kết nối nhiều hơn các quan hệ đối tác, nâng cao uy tín của sự kiện. Ðiều mà tất cả chúng ta đều mong muốn là, đây sẽ trở thành một điểm hẹn trong danh sách các hoạt động thường xuyên của cộng đồng nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới, cũng như đóng góp thêm một điểm nhấn để quảng bá du lịch Hà Nội".

Ðại sứ Nicolas Warnery cũng đánh giá cao sự phối hợp và quyết tâm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong quá trình tổ chức chuỗi hoạt động kéo dài từ cuối tháng 4 tới đầu tháng 6 và chuẩn bị cho liên hoan lần thứ hai sẽ diễn ra vào năm 2025.

Thay mặt các nghệ sĩ Việt Nam, hai nhiếp ảnh gia kiêm giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và Lê Nguyễn Duy Phương chia sẻ ngắn gọn, đầy đủ về các triển lãm tiêu biểu và sự kiện bên lề, những thảo luận về nghệ thuật thị giác và hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất, chương trình thử nghiệm khai thác hình ảnh phản chiếu, kỹ thuật in ảnh trên sơn mài...

Mặc dù những năm qua các sự kiện nhiếp ảnh tại các địa phương vẫn diễn ra đều đặn, nhưng Photo Hanoi ’23 được tổ chức với quy mô và sự chuyên nghiệp, nền nhiếp ảnh đương đại được nhận ra đầy đủ như một bức tranh toàn cảnh, đa chiều, không chỉ với người xem mà còn với cả cộng đồng thực hành nghệ thuật.

Chẳng hạn, hàng loạt triển lãm với chủ đề Hà Nội đã giới thiệu những bức ảnh đẹp, quý hiếm về Thủ đô qua ống kính của các nhiếp ảnh gia đa dạng quốc tịch, độ tuổi, như: "Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh", "Hà Nội 1985-2015: Những năm tháng bị lãng quên", "Mười năm phơi sáng", "Xưa và Nay: Ðổi thay đường phố Hà Nội"...

Bên cạnh đó, những hình ảnh giàu tính nghệ thuật về các quốc gia, nền văn hóa khác cũng mang tới công chúng Thủ đô nhiều trải nghiệm và hiểu biết mới mẻ. Có thể kể đến triển lãm "Robert Doisneau" giới thiệu tác phẩm của một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất nước Pháp; triển lãm "50 năm - 50 bức ảnh" về đất nước Argentina; triển lãm "Những mẩu chuyện nhỏ ở Nhật Bản" về cuộc sống và con người xứ sở hoa anh đào; triển lãm "Teatros" về những rạp chiếu phim cổ ở Havana (Cuba)...

Ngoài ra, nếu như triển lãm "Nhiếp ảnh thời trang" làm nổi bật sự độc đáo của loại hình nhiếp ảnh đặc thù gắn với một xu hướng văn hóa của xã hội, thì triển lãm "Ðường tới Olympics 2024" tôn vinh các màn trình diễn và tinh thần của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh qua góc nhìn của các phóng viên hãng thông tấn AFP...

Từ không gian đa dạng sắc màu của các triển lãm, giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp Việt Nam và quốc tế có sự "đối thoại" thú vị thông qua nhiều tác phẩm điển hình, các kỹ thuật độc đáo, qua cách thức trưng bày và quảng bá.

Ðối với những người trẻ đang theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh ở Việt Nam, Photo Hanoi ’23 mang đến cái nhìn tổng thể về một môi trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tiệm cận với thế giới.

Còn đối với người dân Thủ đô và du khách, đây là cơ hội khám phá nhiều khía cạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh, thưởng lãm các tác phẩm của nhiều tên tuổi nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

Ðáng chú ý, Photo Hanoi ’23 còn mang đến các buổi tọa đàm, thảo luận chuyên môn đề cập nhiều vấn đề cốt lõi hiện nay của nhiếp ảnh, như: "Nhiếp ảnh: Các festival quốc tế và cơ hội thị trường", "Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao", "Kỹ thuật nhiếp ảnh và ứng dụng trong đời sống", "Những tiếng nói mới của nhiếp ảnh Việt Nam",...

Trên thực tế, nhiếp ảnh là một phần của mỹ thuật (cũng như hội họa, điêu khắc, đồ họa...) và đã len lỏi vào mọi hoạt động của đời sống, và sáng tạo hình ảnh cũng đang góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, nhiếp ảnh tại Việt Nam chỉ phổ biến hai thể loại là nhiếp ảnh tư liệu và nhiếp ảnh thương mại chứ chưa được chú trọng phát triển, đào tạo như một bộ môn nghệ thuật.

Qua các tọa đàm, các nhà quản lý, nghệ sĩ, nhà giáo dục đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cho việc xây dựng thị trường nhiếp ảnh, tận dụng hiệu ứng từ các sự kiện văn hóa-nghệ thuật, tăng cường hợp tác giữa nghệ sĩ trong nước và quốc tế, mở rộng nghiên cứu và giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật...

Mặc dù chưa thể đánh giá toàn diện ngay những tác động từ sự kiện Photo Hanoi ’23, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, đây là một kênh hiệu quả để quảng bá rộng rãi và tăng sức hấp dẫn cho hình ảnh địa phương.

Trên thế giới, một số liên hoan phim hàng đầu đã tạo dựng thương hiệu cho thành phố chủ nhà, thí dụ như: Cannes (Pháp), Venice (Ý), Busan (Hàn Quốc)...

Tương tự, các biennale (liên hoan nghệ thuật quốc tế định kỳ hai năm một lần) nổi tiếng cũng gắn liền với các thành phố tổ chức như: Berlin (Ðức), Sydney (Australia), Paris (Pháp)...

Với nhiếp ảnh, chỉ riêng châu Á đã có 3 biennale uy tín là Kyotographie (Nhật Bản), Objectifs (Singapore) và Photo PhnomPenh (Campuchia).

Nhiếp ảnh gia giàu kinh nghiệm người Pháp Philippe Marinig, một tác giả có triển lãm cá nhân tại Photo Hanoi ’23 cho rằng: "Trong khoảng thời gian kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, các nghệ sĩ, giám tuyển, nhà sưu tập, khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới sẽ quy tụ về thành phố nơi tổ chức biennale. Hiển nhiên là địa phương đó sẽ có doanh thu về mua sắm, tiêu dùng. Biennale là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa, con người, đất nước".

Hành trình Photo Hanoi ’23 khép lại nhưng dư âm đẹp vẫn kéo dài qua việc các địa chỉ văn hóa-sáng tạo ở Thủ đô được chú ý nhiều hơn, các tài năng trẻ trong lĩnh vực nhiếp ảnh được truyền cảm hứng và thêm cơ hội nghề nghiệp.

Hệ sinh thái cho nhiếp ảnh cũng hình thành rõ nét với nghệ sĩ, gallery, giám tuyển, nhà sưu tập, nhà phê bình, công chúng...

Nếu phát huy được những thành công từ lần này, sự kiện Photo Hanoi ’25 chắc chắn sẽ đáng chờ đợi với những ý tưởng, diện mạo mới của nhiếp ảnh ■