Dự lễ công bố có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ, các công ty đối tác trong và nước ngoài…
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk nhấn mạnh: Sự kiện Lễ công bố doanh nghiệp tiên phong xây dựng vùng sản xuất cà phê tuân thủ EUDR thể hiện cam kết mạnh mẽ của Simexco Đắk Lắk trong việc bảo đảm sản xuất cà phê bền vững, tuân thủ theo Quy định về sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu. Điều này không chỉ góp phần vào việc bảo vệ môi trường mà còn nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Đắk Lắk trên trường quốc tế. Yêu cầu EUDR là một cảnh báo mạnh cho việc thị trường tiêu thụ rất xem trọng những hành động bảo vệ môi trường của nước sản xuất. Sản phẩm hiện nay được sản xuất ra không những phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải bảo đảm được yếu tố cảnh quan, bảo vệ môi trường…
Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Châu Âu là thị trường tiêu thụ đến 40% sản lượng cà phê của Việt Nam. Simexco Đắk Lắk là công ty xuất khẩu lớn của Việt Nam nên rất tập trung để chứng minh ngành cà phê Việt Nam đáp ứng tốt với tiêu chuẩn EUDR.
Với nhiều nỗ lực của Simexco Đắk Lắk và sự hỗ trợ của chính quyền, đối tác, tổ chức, đến nay Simexco Đắk Lắk được trao 2 chứng nhận của tổ chức 4C về 2 vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EUDR với tổng số gần 8.000 nông dân tham gia, diện tích 9.500 ha và sản lượng trên 35.000 tấn.
Ngoài 2 chứng nhận được trao, Simexco Đắk Lắk đang khẩn trương cùng với các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột mở rộng với tổng số gần 80.000 nông hộ, 100.000 ha với sản lượng 300.000 tấn đã kiểm tra việc tuân thủ theo quy định EUDR trong quý III năm 2024.
Ngoài ra, Simexco Đắk Lắk đã và đang chủ động triển khai các biện pháp giảm thiểu carbon trong toàn bộ quy trình sản xuất. Simexco Đắk Lắk cam kết tiếp tục nỗ lực cùng các hộ sản xuất sẽ tiên phong về những sáng kiến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hiện Simexco Đắk Lắk đã xây dựng vùng nguyên liệu đến năm 2030 là 5.000 ha sẽ cân bằng phát khí thải và 1.000 ha có thể bán chứng chỉ carbon…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, Lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, Simexco Đắk Lắk đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng vùng trồng cà phê không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn EUDR mà tất cả các thị trường trên thế giới. Bởi việc làm này không chỉ nâng cao chất lượng, giá trị của ngành hàng cà phê Việt Nam mà còn xây dựng và khẳng định uy tín của thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế nông nghiệp thịnh vượng trên thế giới…
Quy định về sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) là một bộ quy định quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào châu Âu (EU), đảm bảo các sản phẩm không liên quan đến việc phá rừng hoặc suy thoái rừng. Việc tuân thủ EUDR không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mở rộng cánh cửa thị trường, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cà phê trên toàn cầu.
Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Dự luật “Chống mất rừng và Suy thoái rừng’’, với những quy định nghiêm ngặt về quản lý việc nhập khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng, áp dụng từ tháng 12/2024. Dự luật này đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc đối với các công ty muốn đưa các sản phẩm thuộc 7 ngành hàng gồm: đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao, cà phê và cao su vào thị trường châu Âu sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không liên quan đến gây mất và suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020 và phải tuân thủ tất cả các luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất. Dự luật cũng yêu cầu các công ty phải thu thập thông tin địa lý, định vị GPS chính xác trên thửa đất nông nghiệp nơi các loại hàng hóa mà họ sản xuất, để có thể được kiểm tra về sự tuân thủ các quy định được nêu trong dự luật...
Simexco Đắk Lắk định hướng không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp thương mại mà là trụ cột vững chắc trong nền kinh tế nông nghiệp của Tây Nguyên. Từ 15 năm trước (năm 2009), Simexco Đắk Lắk đã tiên phong trong việc không ngừng phát triển các vùng nguyên liệu cà phê canh tác bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, liên kết, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Hiện nay, vùng nguyên liệu của Simexco Đắk Lắk đã có trên 50.000 ha, hợp tác với 40.000 hộ nông dân sản xuất được trên 100.000 tấn cà phê bền vững.