Thoái vốn nhà nước chậm, "cánh chim đầu đàn" của ngành xây dựng bị đẩy đến bờ vực phá sản

Admin
Từng là "cánh chim đầu đàn" của ngành xây dựng cả nước gắn liền với các công trình xây dựng lớn như Nhà máy điện Việt Trì, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Apatit Lào Cai…nhưng Tổng công ty Cổ phần sông Hồng hiện lai đang thua lỗ chất chồng.
thoai-von-nha-nuoc-cham-canh-chim-dau-dan-cua-nganh-xay-dung-bi-day-den-bo-vuc-pha-san-1669779190.mp4

Trong khi đó, giải pháp cứu cánh là thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì sau 4 năm vẫn chưa được cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng quyết liệt triển khai thực hiện, mặc cho doanh nghiệp bị đẩy dần tới bờ vực phá sản. Phản ánh của phóng viên Truyền hình Quốc hội.

Dù rất buồn với thực trạng hiện tại của cơ quan cũ, Ông Nguyễn Quang Mẫn vẫn đầy tự hào khi nhắc lại truyền thống của đơn vị và sự kết tinh giá trị tại thời điểm đầu cổ phần hóa.

Ông NGUYỄN QUANG MẪN, Cựu cán bộ, cổ đông Tổng Công ty CP Sông Hồng: "Một tập thể trước đây đã tham gia xây dựng những công trình lớn của đất nước, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp về thăm năm 1959, niềm tự hào của Tổng Công ty. Khi cổ phần hóa, đã có nhà đầu tư tham gia với trên 30 nghìn/cổ phiếu – tức là gấp 3 lần. Đó là sự đánh giá của thị trường, đánh giá của nhà đầu tư, đánh giá của xã hội với công ty."

Trái ngược với truyền thống tự hào, kể từ giai đoạn sau cổ phần hóa 2010- Nhà nước nắm cổ phần chi phối, Sông Hồng liên tục thua lỗ, đến nay đã tiến sát bờ vực phá sản. Báo cáo tài chính mới nhất, doanh nghiệp đang nợ hơn 2100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 800 tỷ, tổng tài sản 1300 tỷ thì phần lớn là nợ không có khả năng thu hồi.

Ông TRẦN ANH TÀI, Phó TGĐ Tổng Công ty CP Sông Hồng: "Ngân hàng thì đang bị xếp loại nhóm 5 từ năm 2015, bất kể hồ sơ nào tham gia đấu thầu đều bị loại từ vòng gửi xe. Những người có năng lực nhất đều đã chuyển đi, chỉ còn số ít cán bộ làm công tác hồ sơ. Máy móc thiết bị không còn gì nữa, bị thi hành án hết thu hết rồi. Thực sự là bế tắc. Lãnh đạo Tổng công ty không có cách nào xử lý được."

Bộ Xây dựng – cơ quan chủ quản đã có nhiều kết luận chỉ ra nguyên nhân khiến Sông Hồng từ “cánh chim đầu đàn” đến bờ vực phá sản, cả khách quan lẫn chủ quan. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế, sau cổ phần hóa dưới sự quản lý điều hành của đại diện phần vốn Nhà nước, Sông Hồng một đường thua lỗ suốt 12 năm qua.

Trước thực tế này, năm 2018 rồi đến năm 2020, Thủ tướng đã có tới 2 quyết định phê duyệt thoái vốn tại Sông Hồng để tạo điều kiện cho cổ đông và nhà đầu tư tiếp vốn, đổi mới công tác quản lý, hồi sinh doanh nghiệp. Thế nhưng suốt 4 năm qua, Bộ Xây dựng vẫn dùng dằng không quyết định thoái vốn khiến cơ hội hồi sinh doanh nghiệp ngày càng mong manh.

Ông TRẦN ANH TÀI, Phó TGĐ Tổng Công ty Sông Hồng: "Nếu việc thoái vốn không được triển khai, chắc chắn Tổng công ty sẽ phải tuyên bố phá sản trong thời gian rất ngắn thôi. Tình trạng phá sản sẽ dẫn đến việc Nhà nước mất hết 123 tỷ vốn đầu tư ban đầu. Các cổ đông cũng sẽ mất hết tiền đầu tư. Đây là điều rất xót xa."

Luật sư LÊ NGỌC SƠN, Công Ty Luật Lavi: "Về mặt nguyên tắc, chương trình thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần sông Hồng đã được Thủ tướng phê duyệt thì tất cả cơ quan quản lý cấp dưới đều phải có trách nhiệm đôn đốc, chỉ đạo và thực hiện nghiêm quyết định đó của Thủ tướng. Trách nhiệm tôi cho rằng vẫn thuộc về Bộ Xây dựng, nơi chỉ đạo việc thoái vốn này đã không làm một cách quyết liệt."

Giống như chiếc điện thoại hết pin này, Tổng Công ty cổ phần xây dựng sông Hồng có thể hoạt động trở lại nếu được “tiếp điện” (tức là tiền, là nhân sự, là đơn hàng). Mà khi chiếc “ổ cắm Nhà nước” đã không còn “tiếp điện” được thì tìm một chiếc ổ cắm khác là điều tất yếu. Có điều phải làm ngay. Doanh nghiệp sắp phá sản rồi. Khi đó, việc truy trách nhiệm không còn nhiều ý nghĩa. Quan trọng là việc làm lúc này. Khi doanh nghiệp còn một đường sinh cơ.