Đến dự chương trình có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Chương trình nghệ thuật chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử” do PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghệ thuật; kịch bản và tổng đạo diễn: NSND Trần Bình; tổ chức thực hiện: Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam. Chương trình gồm 3 chương: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi; Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa; Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam được coi như Cương lĩnh của Đảng về văn hóa; là nền tảng tư tưởng, lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đàn bản sắc dân tộc, khoa học, đại chúng, cách mạng và hội nhập quốc tế. Chương trình này càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố anh hùng đúng vào thời điểm đẹp nhất của mùa xuân.
“Văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. 80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2-1943, là Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về văn hóa. Đề cương thể hiện tầm vóc tư tưởng chính trị của Đảng trong việc xác định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong cuộc đấu tranh “phản đế”, “phản phong”, đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát-xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức bất công, giành chính quyền về tay nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân, môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo, khác biệt của văn hóa dân tộc; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Tiếp theo thành công của Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Phim tài liệu và Tuần phim kỷ niệm, hôm nay, tại thủ đô Hà Nội - “nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan long trọng tổ chức hoạt động kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử”.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng khẳng định: 80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương - bản “Tuyên ngôn về văn hóa” đầu tiên này vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa, đó là vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; các nguyên tắc vận động của văn hóa; quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng cho tới các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.
Liên khúc hát múa: Ngọn đuốc soi đường, Lá cờ Đảng, Đoàn Lữ nhạc đã thể hiện hình ảnh văn hóa Việt Nam được kết tinh từ thành quả lao động, sáng tạo, gìn giữ qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc nhưng có sự thống nhất cao và là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, nhân dân nô lệ, lầm than… Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đã trở thành ngọn đuốc soi đường, đánh thức các giá trị văn hóa tiềm ẩn trong trí tuệ và tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tinh thần đoàn kết, đức hy sinh, lòng nhân ái, tính cộng đồng của mọi tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hun đúc nên sức mạnh Việt Nam, tạo nên những cơn sóng trào dâng, quyết tâm quét sạch xiềng xích thống trị của thực dân, đế quốc với khát vọng độc lập dân tộc và tự do dân chủ.
Sự sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc nằm trong sự sống còn của mỗi nền văn hóa. Nắm rõ quy luật này, kẻ thù của dân tộc là thực dân, đế quốc và các thế lực phản động đã tìm mọi thủ đoạn để xâm lăng, đồng hóa, nhằm xóa nhòa các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trước tình hình đó, năm 1943, Đảng ta đã cho ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam”.
Chia sẻ cảm xúc khi có tác phẩm “Việt Nam ơi ta bước tiếp” tham dự chương trình, nhạc sĩ Kiên Ninh bày tỏ: "Tôi cảm thấy rất vinh dự khi tác phẩm âm nhạc của mình được chọn để biểu diễn trong chương trình này. Trong thâm tâm của tôi luôn muốn viết một tác phẩm về đất nước Việt Nam mang tính chất tráng ca chứa đựng hơi thở của thời đại mới. Một tác phẩm nói lên tiếng nói và tư tưởng của thế hệ trẻ nước nhà, kế thừa, tiếp thu và phát huy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông đi trước. Tác phẩm này đã ra đời, nói lên tư tưởng đầy khát vọng và niềm tin vào một thời kỳ mới của đất nước Việt Nam đang vươn mình lớn dậy, với khát khao bay lên, vươn mình toả sáng, một đất nước sẽ viết tiếp những chương sử vàng chói lọi".
Các tiết mục ca múa nhạc trong chương trình thể hiện đậm nét hình ảnh Đảng, Bác Hồ và sứ mệnh khai thông những mạch nguồn văn hoá của dân tộc của Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943.