Thúc đẩy hợp tác Việt-Hàn trong lĩnh vực đầu tư và đổi mới sáng tạo

Vũ Xuân Kiên

Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.288 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 79 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Nâng cao hiệu quả hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong lĩnh vực đầu tư và đổi mới sáng tạo là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội nghị “Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 17/6.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Một điểm nhấn đáng chú ý là các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ (5 tháng năm 2021 tăng 6,7%) cho thấy, nhu cầu đẩy mạnh đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; trong đó, sản xuất công nghiệp có sự phục hồi tích cực.

Những kết quả trên là nhờ những năm vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã, đang có nhiều thay đổi tích cực theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các nhà đầu tư. Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài như có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á là khu vực phát triển năng động của thế giới; chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào, duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 6-7% trong 2 thập niên trở lại đây.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Việt Nam xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, Việt Nam đang ưu tiên hợp tác thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, chia sẻ hiệu quả phát triển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam...

Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế triển khai những dự án phát triển cơ sở hạ tầng thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP). Đồng thời, nhanh chóng kiện toàn các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm phát triển kinh tế một cách đột phá, bền vững dựa vào nền tảng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, hạ tầng số là không hề dễ dàng, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Hàn Quốc hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với 9.288 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 79 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, công nghệ cao, logistic, xây dựng... Hàn Quốc hiện đã có đầu tư tại 59/63 tỉnh thành phố của Việt Nam.

“Trước hết, Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nên việc khảo sát, làm các thủ tục đầu tư hay kết nối, lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Việt Nam sẵn sàng đón nhận những nguồn đầu tư cho đổi mới sáng tạo từ nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Hàn Quốc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư và các địa phương trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam,” ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ông Lim Hankyu, Phó Chủ tịch Cơ quan Hợp tác cơ sở hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) chia sẻ KIND là cơ quan đại diện cho Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, chuyên trách thúc đẩy các dự án hợp tác công tư (PPP) tại nước ngoài. KIND tham gia đầu tư vào hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, điện lực và năng lượng, hoá dầu, môi trường…

Tại Việt Nam, KIND đã đầu tư phát triển Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt-Hàn tại Hưng Yên theo hình thức thiết lập khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với thời gian vận hành 50 năm.

Theo ông Lim Hankyu, Việt Nam-Hàn Quốc còn nhiều cơ hội để thúc đẩy hợp tác công tư trong các phát triển hạ tầng giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, cầu cảng giúp kết nối, tận dụng năng lực kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm của doanh nghiệp; đầu tư phát triển các công trình đô thị giúp gia tăng giá trị cho các khu đô thị mới…

Để nâng cao hiệu quả hợp tác, Việt Nam có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và dự án hỗn hợp PPP thông qua hợp tác giữa chính phủ với chính phủ điện tử (G2G); sử dụng vốn ODA cho cơ sở hạ tầng liên kết hoặc một phần cơ sở hạ tầng để nâng cao tính khả thi của các dự án quy mô lớn.

Thông tin về tình hình thu hút đầu tư tại địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết tính tới nay Đồng Nai thu hút được hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD; trong đó, riêng các nhà đầu tư Hàn Quốc có 426 dự án với số vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử cho chuỗi cung ứng.

Hiện Đồng Nai có 32 khu công nghiệp với diện tích 10.000ha; trong đó, có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai tiếp tục quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 8.000ha, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho biết Long An hiện còn quỹ đất lớn dành cho phát triển các khu công nghiệp và tỉnh mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng quan tâm hợp tác đầu tư. Để thu hút được các nguồn vốn đầu tư FDI cũng như trong nước Long An đang tích cực khôi phục lại nền kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…

Về định hướng lâu dài, Long An tập trung đầu tư về hạ tầng giao thông, kết nối liên kết vùng, miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ kể và Thành phố Hồ Chí Minh. Song song đó, Long An cũng tập trung phát triển, thu hút nguồn lao động nhằm đáp ứng tốt nhất nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư trong các khu cụm công nghiệp thời gian tới./.

Xuân Anh (theo TTXVN/Vietnam+)