Triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện để trí thức Quân đội sáng tạo, cống hiến

Vũ Xuân Kiên
Trong các giai đoạn cách mạng, đội ngũ trí thức Quân đội (TTQĐ) có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
quan-doi-1701997755.jpg
Ảnh minh họa: TCCS

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII (Nghị quyết 45) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; phải làm gì để thu hút nhân tài cũng như tạo điều kiện để đội ngũ trí thức Quân đội dấn thân, cống hiến? Đây là vấn đề cấp thiết, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.

TTQĐ là những quân nhân, người hoạt động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS, QP) lao động trí óc, có trình độ học vấn cao; có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng truyền thụ, giáo dục-đào tạo, tích lũy và làm giàu tri thức; tạo ra sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. TTQĐ là tài sản, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ trí thức, trong đó có TTQĐ. Người khẳng định, cách mạng rất cần trí thức và những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Với vai trò, vị trí quan trọng ấy, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đội ngũ trí thức nói chung, TTQĐ nói riêng.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ TTQĐ cả về số lượng và chất lượng, với nhiều chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực QS, QP.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X xác định: “Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng: Hải quân, phòng không-không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo. Điều đấy khẳng định, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới phải xây dựng được đội ngũ TTQĐ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

Thực tiễn cho thấy, trong các giai đoạn lịch sử, lực lượng TTQĐ không ngừng phát huy trí tuệ năng lực, nghiên cứu, sáng tạo, có nhiều công trình khoa học tầm cỡ, luôn xung kích đi đầu trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, phát minh, sáng chế, thiết kế, chế tạo và sản xuất vũ khí, trang bị quân sự, phục vụ tích cực, hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta đều biết, khẳng định và làm nên tên tuổi của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội hôm nay chính là từ quyết sách: Để giải quyết việc khó nhất, phải đi kiếm tìm, chiêu mộ và đào tạo nên những người giỏi nhất.

Với khẩu hiệu: “Đổi mới, đổi mới, đột phá, tiên phong”, từ trong thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều tấm gương, đặc biệt là những gương mặt trẻ tuổi biết cách giải quyết việc khó, việc mới, theo cách làm khác biệt, đạt hiệu quả cao; đóng góp được nhiều nhất cho tổ chức, đơn vị. Đó là một minh chứng về tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá đổi mới sáng tạo của đội ngũ TTQĐ.

Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội được triển khai từ năm 2000, tính đến nay đã qua 22 lần tổ chức, thu hút hơn 6.180 công trình, sáng kiến của hơn 10.000 lượt tác giả là các TTQĐ tham gia; tỷ lệ đoạt giải trung bình là 54,31%.

Theo đánh giá, số lượng công trình, sáng kiến năm sau tăng cao hơn năm trước; trong đó hơn 90% công trình được trao giải đã triển khai ứng dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị, làm lợi cho các cơ quan, đơn vị và Quân đội mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Kết quả đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội, cung cấp những luận cứ khoa học giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần thẳng thắn thấy rằng: Đội ngũ TTQĐ chưa thật tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nếu so với đội ngũ trí thức quốc gia thì hiện nay, đội ngũ TTQĐ còn khá khiêm tốn; độ tuổi trung bình cao; trình độ ngoại ngữ, tin học còn nhiều hạn chế.

Đội ngũ trí thức có trình độ tầm cỡ chuyên gia, có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú còn ít. Ngoài ra, lực lượng trí thức nữ, trí thức làm việc ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biển, đảo; trí thức trong doanh nghiệp quốc phòng, ở các đoàn kinh tế-quốc phòng còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Trí thức được đào tạo chuyên sâu và thành danh ở một chuyên ngành hẹp còn chưa nhiều...

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này có nhiều, song cơ bản nhất là bởi một số chủ trương, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với TTQĐ chưa thật phù hợp với đặc điểm, tình hình hoạt động QS, QP, hoặc chậm đi vào cuộc sống; có nơi, có lúc thực hiện chưa thật hiệu quả. Mặt khác, công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy vai trò đội ngũ TTQĐ chưa đồng bộ, toàn diện. Một bộ phận trí thức còn mang tư tưởng làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, ngại sáng tạo, đổi mới vì sợ đương đầu với khó khăn, thử thách. Đây chính là những rào cản kìm hãm sự phát triển của đội ngũ TTQĐ, cần sớm có nhiều chủ trương, biện pháp tháo gỡ.

Khi quán triệt Nghị quyết 45 tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khái quát rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển đội ngũ trí thức, trong đó tập trung: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài; tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức; tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức.

Trên cơ sở các chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 45, để xây dựng đội ngũ TTQĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, vấn đề trước tiên là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng đội ngũ TTQĐ hiện nay. Nhận thức, ý thức quyết định hành động; do vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải đặc biệt quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các lực lượng trong đơn vị nhận thức đúng vai trò của TTQĐ đối với việc thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong đó cần bám sát những giải pháp: Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường đồng thuận của đội ngũ trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng đề cao tinh thần cống hiến, trách nhiệm của trí thức đối với Tổ quốc và dân tộc.

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm đào tạo, tuyển chọn, bố trí sử dụng đội ngũ TTQĐ chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, việc xây dựng quy hoạch đội ngũ trí thức phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với các học viện, nhà trường Quân đội cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục-đào tạo trong tình hình mới.

Cụ thể là phải căn cứ vào nội dung, yêu cầu, lĩnh vực đào tạo cần tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng đi vào chiều sâu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong dạy học. Mở rộng quy mô, loại hình đưa cán bộ, TTQĐ đi học tập, nghiên cứu ở các trường dân sự và nước ngoài với một số ngành mà Quân đội chưa có điều kiện đào tạo. Có chính sách tuyển dụng với các trí thức tài năng được đào tạo ở các trường ngoài Quân đội vào công tác trong những lĩnh vực đặc thù mà Quân đội ít đào tạo, hoặc chưa được đào tạo sâu. Đối với các đơn vị, cần chủ động đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, trí thức; coi trọng bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho đội ngũ trí thức trẻ.

Một yêu cầu cấp thiết hiện nay là các cơ quan, đơn vị trong Quân đội phải coi trọng, chủ động hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ bảo đảm trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức. Để hiện thực hóa phần việc này cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Theo đó, cần có sự hoàn thiện, đồng bộ hơn nữa về hệ thống pháp luật, chính sách đặc thù liên quan, cụ thể là: Phát huy dân chủ, sức sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức. Quan tâm, lắng nghe ý kiến phản biện có trách nhiệm của trí thức. Cùng với tăng cường huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội, tạo môi trường làm việc, có những chính sách đặc thù cho từng ngành, lĩnh vực để thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh TTQĐ, nhất là những trí thức bậc cao, có nhiều đóng góp quan trọng.

Đây là cơ sở thực tiễn để tránh việc áp dụng máy móc, cứng nhắc quy trình, cách quản lý hành chính, tạo mọi điều kiện để “cởi trói” tư duy, tạo môi trường thuận lợi để TTQĐ mang hết tài năng, trí tuệ sáng tạo, cống hiến vì lợi ích chung; tránh tình trạng "chảy máu chất xám" như lâu nay. Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc, thực hiện triệt để các nhóm giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội nói chung, TTQĐ nói riêng theo tinh thần "7 dám" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương là: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Ở phương diện khác, vấn đề cốt lõi là bản thân từng TTQĐ phải thường xuyên phát huy tinh thần tích cực, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm; gắn công tác nghiên cứu với hoạt động thực tiễn; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực rèn luyện bản lĩnh khoa học, nâng cao tính phát hiện, chủ động phát hiện, đề xuất nghiên cứu những vấn đề mới, đột phá vào các công trình, các lĩnh vực mũi nhọn, các chương trình, đề án phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội đất nước cũng như thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thiết nghĩ không phải là việc gì xa vời, cao siêu mà mỗi TTQĐ nên bám vào thực tiễn công tác của cơ quan, đơn vị để đề xuất cái mới, sáng kiến phục vụ nâng cao hiệu quả công tác của đơn vị. Đó cũng là một phương thức tự tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ QS QP nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước nói chung.