Trưởng Ban Kiểm soát VPBank Nguyễn Thị Mai Trinh xin từ nhiệm

Admin
Ngày 26/12, bà Nguyễn Thị Mai Trinh – Trưởng Ban Kiểm soát chuyên trách VPBank nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ vì lí do cá nhân gia đình.

Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE – mã chứng khoán VPB) vừa thông báo đơn từ nhiệm của bà Nguyễn Thị Mai Trinh - Trưởng Ban Kiểm soát chuyên trách VPBank, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cụ thể, bà Trinh xin được từ nhiệm chức danh Trưởng Ban Kiểm soát và rút khỏi thành viên Ban kiểm soát VPBank từ ngày 26/12/2022 vì lý do cá nhân gia đình.

truong-ban-kiem-soat-vpbank-xin-nghi-pld-1672146829.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Trinh, Trưởng Ban Kiểm soát chuyên trách VPBank nhiệm kỳ 2020 – 2025

Theo tìm hiểu, Bà Nguyễn Thị Mai Trinh sinh năm 1972, có trình độ Tiến sĩ kinh tế - Học viện thăm dò địa chất Quốc gia - Matxcova, Liên Bang Nga.

Bà từng trải qua nhiều vị trí công tác ở Matxcova như Kế toán tại Công ty Doninanta Service từ năm 1995 đến tháng 9/1998 và tại Công ty King Lion từ tháng 10/1998 đến tháng 12/2002. Giai đoạn 2008 – 2011, bà là Giám đốc Tài chính tại Tập đoàn KBG, Matxcova, Liên Bang Nga.

Bà Trinh đảm nhiệm cương vị Thành viên Ban Kiểm soát VPBank trong thời gian 2012 – 2017 và giữ vai trò cố vấn Hội đồng Quản trị VPBank từ năm 2017 đến nay.

Sau khi bà Trinh từ nhiệm, Ban Kiểm soát của VPBank sẽ còn lại 3 thành viên là bà Trịnh Thị Thanh Hằng, bà Kim Ly Huyền và ông Vũ Hồng Cao.

Trong một diễn biến mới nhất, VPBank vừa công bố thông tin về việc giải tỏa 35% đợt 3 cổ phần hạn chế chuyển nhượng phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2019 (ESOP 2019) và giải tỏa 35% đợt 2 cổ phần ESOP 2020.

Theo đó, VPBank dự kiến giải tỏa 4,35 triệu cổ phiếu (tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành ESOP2019) và 3,5 triệu cổ phiếu (tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành ESOP2020). Thời gian dự kiến giải tỏa là 20/12 đến 26/12/2022.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 19.800 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ, hoàn thành 67% kế hoạch năm.

Tính tới ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu của VPBank đạt mức 20.191 tỷ đồng, tăng 24,3% kể từ đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn giảm nhẹ 4%, đạt mức 6.394 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt, đạt mức 5.679 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với thời điểm đầu năm.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, vốn điều lệ trong Giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank được sửa đổi thành hơn 67.434 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ trên, VPBank chính thức trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Tiên Tiên