Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại phường Tân An, thị xã Quảng Yên bị thiệt hại nặng nề vì bão số 3. |
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng đề án "Khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão", với quyết tâm cao nhất xây dựng tỉnh Quảng Ninh sau bão phát triển hơn, khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh, phấn đấu giữ vững đà tăng trưởng.
Bão đã qua nhiều ngày, nhưng sự tàn phá vẫn hiện hữu rõ ràng nơi khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Bến Giang, phường Tân An, thị xã Quảng Yên. Đây là nơi để các tàu thuyền tránh trú nhưng thực tế không còn con thuyền to nào lành lặn, không một bè nuôi trồng hải sản nào còn nguyên vẹn. Ở dưới đáy biển, còn rất nhiều bè cá, khung nuôi trồng hàu đang nằm chờ trục vớt.
Buổi sáng, ông Nguyễn Văn Hùng, khu Thống Nhất 2, phường Tân An, đã ra biển kéo lưới, mót nốt chỗ cá song còn sót mắc lại trong lưới, cũng để tìm cách trục vớt vài chục ô lồng bè. Hơn 30 ô nuôi cá song để chờ đến gần Tết Nguyên đán thì bán, đã bị bão cuốn đi. Trước đó, giá cá song rẻ, gia đình tiếc không muốn bán.
Giờ đây, tất cả những gì ông tìm lại được trong cả buổi chỉ là một con cá to hơn 4 kg bị mắc kẹt vào lưới, giờ đang nằm nghiêng trong thùng. Số cá song bị mất khoảng 3.000 con, nhẩm tính khoảng 3 tỷ đồng. Mới đây, nhà ông cũng vừa xuống giống khoảng 50 nghìn con cá song, tiền vốn cỡ 2 tỷ đồng. Tất cả khoảng 5 tỷ đồng đã theo con sóng ra khơi. Những gì còn sót lại là ngư cụ chìm dưới đáy biển phải thuê người trục vớt, và những khoản nợ chưa biết cách nào chi trả.
Trên khuôn mặt dạn dày sóng gió của Giám đốc Ngô Hùng Dũng, một người nuôi trồng thủy sản nổi tiếng đất Quảng Ninh đầy ưu tư. Vừa qua, trước cơn thịnh nộ của cuồng phong, cơ sở sản xuất của công ty không giữ lại được gì.
Hơn 100 tấn tôm chuẩn bị thu hoạch, giá trị ước tính khoảng 19 tỷ đồng giờ được chế biến khẩn cấp để làm thức ăn cho cá trê. Ông tâm sự: Nuôi tôm vùng ven biển, việc đầu tiên nghĩ đến là điện, việc thứ hai là thiên tai. Toàn bộ nhà xưởng, máy móc được đầu tư để nuôi trồng tôm của Công ty cổ phần Thủy sản Tân An (phường Tân An) được thiết kế để chống chịu bão cấp 12. Nhưng bão số 3 lên cấp 13-14, giật cấp 17, quần thảo ở Quảng Ninh nửa ngày, nên không nhà xưởng nào chịu nổi. Bão lớn cũng quật ngã hàng loạt cột điện, làm tê liệt hệ thống điện của cả vùng.
Sau bão khoảng 6 giờ đồng hồ, toàn bộ hơn 100 tấn tôm thẻ chân trắng của công ty đều chết vì ngạt khí. Tôm không chết vì bão, vì trong bão gió cuộn, sóng nổi, tôm sẽ được sục khí oxy tự nhiên. Nhưng sau bão, điện mất, sục oxy trên đầm không chạy thì tôm không sống nổi.
Điều mà nhiều người nuôi trồng thủy sản đất Quảng Ninh ưu tư, trăn trở hiện giờ là không còn phương tiện sản xuất, không có kinh phí để xử lý môi trường và vốn để đầu tư con giống vực lại kinh tế gia đình. Nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Nuôi trồng thủy sản phải tính đến thời điểm xuống giống và tháng 9 này chính là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống vụ mới, khi nhiệt độ còn mát. Chậm hơn, nước lạnh, hải sản sẽ không chóng lớn, hiệu quả kinh tế sẽ giảm đi.
Sau khi bão tan, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho biết, cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, thông tin và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó, hạn chế tác động và khắc phục hậu quả bão số 3. Nhờ đó, đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra.
Hiện nay, đơn vị đang chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, để tổng hợp trình lên cấp trên nhằm hỗ trợ người dân trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, nghiên cứu kế hoạch sản xuất linh hoạt và các giải pháp hiệu quả khôi phục sản xuất ngay sau bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đã cử bốn đoàn công tác tới các địa phương để tập trung thực hiện các nhiệm vụ cấp bách: Hướng dẫn người dân thống kê thiệt hại, khôi phục sản xuất và hỗ trợ xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống bảo đảm ung ứng đủ nguồn giống chất lượng với giá thành hợp lý và phối hợp ngành tài nguyên và môi trường triển khai nhanh công tác giao vùng biển nuôi cho người dân sớm tái sản xuất.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết, cấp bách để dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau cơn bão trên địa bàn tỉnh.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định, quy mô thiệt hại do bão số 3 gây ra lớn và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những đợt thiên tai trước, cho nên chính sách hỗ trợ và trách nhiệm đồng hành của các ngân hàng với khách hàng vay vốn cũng đòi hỏi phải lớn hơn nhiều. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo nguồn vốn hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão lũ.
Đồng thời, nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế về trích lập dự phòng rủi ro, làm căn cứ xây dựng chính sách riêng cho việc giãn, hoãn nợ cho những đối tượng bị thiệt hại do bão. Việc này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa giúp các ngân hàng thương mại có hành lang pháp lý phù hợp, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và quản lý được rủi ro.
Tại hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 vừa qua, tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chỉ đạo các ngành tham mưu cho tỉnh các đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Để sớm khôi phục nền kinh tế, tỉnh báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn.
Bài, ảnh: QUANG THỌ và LÊ QUÂN