Những phận người mưu sinh nơi bãi rác

Tran Huy
Bãi rác Tân Lập 1 thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước có diện tích hơn 13ha và tiếp nhận hơn 500 tấn rác/ngày, đêm của 7/11 huyện, thị xã của tỉnh Tiền Giang. Nơi đây là bãi rác lớn nhất và được quy hoạch là bãi rác tập trung để xử lý rác thải sinh hoạt cho các địa phương trong tỉnh từ năm 2009 đến nay.
Bà Nguyễn Thị Quyên nhặt rác hằng ngày để nuôi sống bản thân và gia đình.
Bà Nguyễn Thị Quyên nhặt rác hằng ngày để nuôi sống bản thân và gia đình.

Mỗi ngày, bãi rác có trên 80 người đến mưu sinh bằng cách nhặt các loại rác bán được để nuôi sống bản thân và gia đình. Có những trường hợp, 2-3 thế hệ bám trụ vào đây để cầu mong đổi đời. Mỗi người mỗi số phận. Song, người mưu sinh nơi đây có cùng hy vọng một ngày nào đó sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng…

Nhiều đời bám trụ mưu sinh

6 giờ 30 sáng, nhiều xe chuyên dụng bắt đầu chở đầy rác lần lượt đưa về bãi rác Tân Lập 1. Đây cũng là thời điểm, những người mưu sinh từ rác tập trung tại miệng xe để chờ đổ xuống và bươi mót những gì có thể bán được, sử dụng được. Người thì chuyên nhặt chai nhựa, người thì tranh thủ lấy bao mủ, người thì kiếm tìm những vật dụng mà người ta “lỡ tay” vứt đi…

Thấy người lạ đi vào bãi rác, một người đàn ông lớn tuổi, quần áo lấm lem chất bẩn bước ra thẹn thùng chào hỏi. Người đàn ông ấy tên là Lê Văn Thái, sinh năm 1970, quê ở xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang).

Sau một lúc trao đổi, ông Thái cũng nghỉ tay đóng các bao chai nhựa mà mình nhặt được và bộc bạch: “Đường cùng, chúng tôi mới vào đây để mưu sinh. Nghề này hôi thối, dơ bẩn lắm chú ạ! Cực nhọc là vậy nhưng mỗi ngày chỉ được 100.000-150.000 đồng. Gia đình quá nghèo, lớn tuổi và cũng không được học hành nên mới vào đây bới móc rác để tìm “chén cơm manh áo”. 30 năm gắn bó với công việc này, vậy mà cuộc sống cũng không khá hơn”.

Trước đây, cha ông Lê Văn Thái đã từng nhặt rác tại bãi rác tập trung của xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Không nghề nghiệp, gia đình nghèo nên ông Thái theo cha nhặt rác để có thêm tiền trang trải cho gia đình có đến 5 miệng ăn. Sau này, bãi rác ở xã Mỹ Phong giải tỏa và di dời về xã Tân Lập 1. Cha ông Thái lớn tuổi, không còn sức khỏe đi nhặt ở bãi rác nữa. Ông Thái đến dựng một căn lều bằng bạc nhựa cạnh bãi rác để sinh sống và hằng ngày ra nhặt rác mưu sinh.

Những phận người mưu sinh nơi bãi rác ảnh 2

Người dân nhặt rác mưu sinh tại bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, sinh năm 1967, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có 3 đời hiện đang nhặt rác tại bãi rác Tân Lập 1. Đời bà, rồi đứa con 40 tuổi và đứa cháu 16 tuổi cũng bám víu vào bãi rác để mưu sinh. Sáng sớm hằng ngày, người con trai lấy xe đưa mẹ và con lên bãi rác để nhặt, chiều tối bán lấy tiền rồi ra về.

Các xe chở rác thưa dần, bà Nguyễn Thị Quyên tranh thủ ăn vội hộp cơm vừa được một đơn vị từ thiện cho. Vừa ăn, bà vừa tâm sự: “Tôi nhặt ve chai ở các bãi rác trên 21 năm. 6 giờ sáng là có mặt và nhặt đến 18 giờ chiều. Chỉ từ thời gian ăn cơm trưa thôi. Tất cả thời gian còn lại đều tranh thủ đi tìm rác để nhặt. Làm cực nhọc vậy mà không thay đổi được cuộc sống gia đình. Nhà nghèo quá, các con, rồi cháu của tôi cũng lần lượt vào đây để mưu sinh. Cuộc đời làm mẹ không lo được cho con, cho cháu, tôi cũng buồn và tủi thẹn lắm”.

Nói tới đây, hai hàng nước mắt của bà chảy dài trên mặt. Bỏ lại phần cơm ăn dang dở, gạt đi những nỗi buồn, bà lại tiếp tục ra nhặt khi xe rác vừa đến.

Một cuộc đời, một số phận khác cũng bám víu vào bãi rác mà lo cho gia đình đó là bà Văn Thị Cúc, sinh năm 1957, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Những phận người mưu sinh nơi bãi rác ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Quyên gom từng thứ bỏ đi để bán lấy tiền mưu sinh.

Bà Cúc tuổi đã cao, sức đã yếu nên lủi thủi đi nhặt từng miếng rác ở xa các xe vừa đổ xuống. Lụm cụm sắp xếp lại từng đồ vật đã nhặt được, bà Cúc chia sẻ: “Tôi già rồi. Nhanh tay không bằng mấy người trẻ nên phải đi lượm lặt những gì còn sót lại ở xa các xe đổ rác. Mỗi ngày, tôi chỉ có thể kiếm được 50.000-70.000 đồng. Vậy mà số tiền ấy phải nuôi đứa con trai mất sức lao động và đứa cháu nội đang tuổi ăn, tuổi học. Cuộc đời tôi xem như đã hết. Cầu mong tôi còn khỏe một thời gian nữa để cố gắng nhặt rác bán lấy tiền nuôi đứa cháu ăn học đến nơi đến chốn. Chỉ có vậy, tôi nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng”.

Trời càng về chiều, các xe chở rác cũng ít dần đi, những người nhặt rác sau một ngày miệt mài với công việc cũng đã đuối sức. Hoàng hôn buông xuống, họ lầm lũi lê từng bước chân từ bãi rác đi ra rồi ngồi bệt xuống ven đường nhìn về xa xăm…

Cuộc đời sẽ về đâu?

Tỉnh Tiền Giang cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và sớm mở thầu dự án nhà máy xử lý rác tập trung, quy mô lớn tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước. Quy mô của dự án khoảng 640 tỷ. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 150-200 tấn rác hiện hữu và tất cả rác mới. Trong đó, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác mới phải áp dụng công nghệ hiện đại để đốt và phát điện.

Khi nghe thông tin, bãi rác Tân Lập 1 chuẩn bị có nhà máy xử lý khép kín, người nhặt rác mưu sinh nơi đây ai nấy đều buồn. Bà Nguyễn Thị Quyên cho biết, nhặt rác để mưu sinh không phải là nghề gì tốt đẹp.

Những phận người mưu sinh nơi bãi rác ảnh 4

Bà Văn Thị Cúc đã lớn tuổi nhưng vẫn mưu sinh bằng việc nhặt rác để nuôi con, nuôi cháu.

Hằng ngày, chúng tôi phải tiếp xúc với mùi hôi thối, ruồi nhặng và nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhưng, không có bãi rác này, tôi, con tôi và đứa cháu không biết phải tìm công việc gì và cũng không biết bám víu vào đâu để nuôi sống bản thân, gia đình.

Gần đó, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh năm 1977, cư ngụ xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước (Tiền Giang) tiếp lời: “Bãi rác này đóng cửa để nhà máy xử lý, những người nhặt rác như chúng tôi nơi đây rồi không biết sẽ ra sao. Không đất đai, nhà cửa, sống tạm bợ vào đây. Nhặt được ngày nào đều bán lấy tiền trang trải hết cho gia đình. Nhặt rác một thời gian dài cũng không dành dụm được gì, chỉ thấy sức khỏe ngày một đi xuống, bệnh tật liên miên”.

Bãi rác Tân Lập 1 do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình đô thị Mỹ Tho quản lý. Giám đốc Công ty Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Ở bãi rác Tân Lập 1, chúng tôi không có chủ trương cho những người dân vào để nhặt rác. Bởi, các xe vận chuyển rác từ nhiều nơi về đây liên tục. Khi họ nhặt rác không chú ý, các xe lui vào để đổ rác xuống có thể gây ra tai nạn.

Ngoài ra, những người nhặt rác cũng đi sâu và đi trên các đóng rác cao sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra sụp lún, cháy nổ. Ngoài ra, một số hộ ở đây còn tranh giành khu vực, tranh giành nơi để nhặt làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Tuy nhiên, những người mưu sinh ở đây nghèo và khó khăn quá nên không cho ngày trước thì ngày sau cũng xuất hiện”.

Những phận người mưu sinh nơi bãi rác ảnh 5

Một người đàn ông nhặt được rác và chuẩn bị mang đi bán.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lập 1 Phan Chí Linh cho biết, những người nhặt ở bãi rác này đều đến nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngành chức năng tỉnh, huyện phối hợp với địa phương giải tỏa, không cho họ vào đây để sinh sống và nhặt rác nhưng không thành công. Mỗi năm vào các dịp lễ, tết hay có các đơn vị tài trợ nhu yếu phẩm, Ủy ban Mặt trận tổ quốc của xã cũng có lập danh sách hộ nghèo, khó khăn đang mưu sinh nơi đây để mời họ đến nhận”.

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khẳng định rằng không cho người dân vào đây sinh sống và mưu sinh trên bãi rác này. Việc họ vào đây là vi phạm. Vì vậy, tỉnh, huyện hay xã cũng không có chính sách hay giải pháp nào để giải quyết công ăn việc làm cho họ.

Mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận nhưng những người nhặt rác nơi đây đều có điểm chung là… nghèo, không nghề nghiệp, không có đất sản xuất. Khó khăn là vậy nhưng những con người ấy vẫn lạc quan, yêu đời và nỗ lực lao động, hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho con em mình.

NGUYỄN SỰ