Dự Hội nghị có Đại tá Hà Huy Khánh, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh; Đại tá Giang Công Báu, Phó Tổng Giám đốc VNMAC; đại diện Văn phòng 701, đại diện cơ quan Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; đại diện Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) và đại biểu chỉ huy các phòng, ban chức năng Bộ Tư lệnh Công binh và VNMAC cùng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Báo cáo tổng kết các hoạt động truyền thông hưởng ứng nhân Ngày Quốc tế nhận thức và hỗ trợ hành động bom mìn 4/4/2024, Đại tá Giang Công Báu, Phó Tổng Giám đốc VNMAC cho biết: VNMAC đã chủ động xin ý kiến Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thông cáo, báo chí cho các báo, đài về kết quả thực hiện chương trình 504 trong năm 2023 và quý I/2024; nhiệm vụ và giải pháp triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn tiếp theo. Đồng loạt các phương tiện thông tin đã đưa tin về công tác khắc phục quả bom mìn sau chiến tranh và đặc biệt là đưa tin cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam” thông qua đó đã góp phần tạo sức lan tỏa cao trong cộng đồng. Chuỗi sự kiện truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn hưởng ứng Ngày Quốc tế nhận thức và hỗ trợ hành động mìn đã tạo ra được tiếng tích cực trên phạm vi toàn quốc cũng như gửi một thông điệp đến cộng đồng thế giới về nổ lực của Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Cuộc thi “Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam” năm 2024 được tổ chức từ ngày 4/4/2024 đến ngày 4/5/2024 trên phạm vi toàn quốc theo hình thức trực tuyến. Sau 01 tháng triển khai (từ ngày 04/4/2024 đến 04/5/2024) Cuộc thi đã thu hút được 1.471.905 lượt người tham gia cuộc thi. Số thí sinh trải đều trên 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó địa phương có người tham gia thi đông nhất là: Thanh Hóa 147.674 lượt người; Đà Nẵng 118.705 lượt người; Quảng Nam 115.194 lượt người; Hà Nội 100.969 lượt người...; số lượng tham gia thi tăng 18% so với năm 2023.
Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn trong những năm qua đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm kết hợp với việc xây dựng phầm mềm thi trực tuyến trực quan, đơn giản, dễ sử dụng cũng góp phần thu hút người dân tham gia. Cuộc thi đã sử dụng phầm mềm chấm điểm tự động kết hợp với dự đoán số người tham gia thi đã làm tăng thêm tính minh bạch, khách quan cho cuộc thi.
Triển khai đồng bộ các công cụ truyền thông như báo in, báo mạng; Phát thanh - Truyền hình và mạng xã hội, cuộc thi đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Các bài viết giới thiệu về cuộc thi trên website và Fanpage VNMAC tại địa chỉ http://vnmac.gov.vn và Fanpage https://www.facebook.com/vnmac.gov.vn/ đã thu hút được hàng triệu lượt người truy cập và tương tác, đưa ra phản hồi tích cực về cuộc thi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đại tá Hà Huy Khánh, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh biểu dương những kết quả tuyên truyền mà VNMAC đã đạt được trong thời gian qua và gửi lời chúc mừng các thí sinh đạt giải trong cuộc thi trực tuyến năm nay. Đại tá Hà Huy Khánh nhấn mạnh VNMAC cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị đổi mới công tác tuyên truyền để tổ chức tốt các hoạt động đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng cho các cá nhân đạt giải gồm: 01 giải Nhất (Bằng khen và phần thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu đồng); 02 giải Nhì (Bằng khen và phần thưởng tiền mặt trị giá 5 triệu đồng/mỗi giải); 03 giải Ba (Bằng khen và phần thưởng tiền mặt trị giá 3 triệu đồng/mỗi giải); 10 giải Khuyến khích (Bằng khen và phần thưởng tiền mặt trị giá 1 triệu đồng/mỗi giải).
Thay mặt các thí sinh đạt giải phát biểu sau khi nhận được bằng khen và phần thưởng của cuộc thi, cô giáo Nguyễn Thị Ngân, giáo viên Trường THPT Anh Sơn 3, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Bản thân tôi là giáo viên đến từ huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Quê tôi cũng như nhiều vùng quê khác. Bom mìn, vật nổ tồn lưu sau chiến tranh vẫn đang là một hiểm họa khó lường. Cuộc thi trực tuyến nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ vừa qua do Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam tổ chức là một hoạt động đầy ý nghĩa, có tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Cuộc thi đã giúp cho rất nhiều người có thêm kiến thức về hiểm họa bom mìn, cách phòng tránh. Hoạt động này sẽ giúp cho mọi người dân có thể sống an toàn trên những vùng đất còn ô nhiễm bom mìn.”
Thời gian tới, VNMAC tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các Sở: Giáo dục & Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Lao động Thương binh và Xã hội, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Cao Bằng, Bình Phước, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA), các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan thống tấn báo chí triển khai công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại, hỗ trợ những nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 02 tỉnh Cao Bằng và Bình Phước./.