Để thị trường xuất bản phẩm điện tử thực sự bứt phá

Vũ Xuân Kiên
Xuất bản điện tử đang là xu hướng trên thế giới và đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngành xuất bản. Tại Việt Nam, xuất bản điện tử được đánh giá là có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, tuy nhiên, thị trường này lại chưa thực sự tạo được bứt phá, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhiều dư địa phát triển

Thị trường xuất bản phẩm điện tử gần đây có sự tăng trưởng, phát triển với các loại hình sản phẩm đa dạng hơn. Nếu năm 2015 chỉ có khoảng 1.163 xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu thì đến năm 2022, con số này đã là hơn 2.300 xuất bản phẩm.

Năm 2018 mới chỉ có 2 nhà xuất bản tham gia thị trường xuất bản điện tử thì hiện nay đã có tới 19/57 nhà xuất bản phát hành sách trên các nền tảng số, 13 doanh nghiệp phát hành tham gia phát hành xuất bản phẩm điện tử với các loại hình sản phẩm đa dạng.

anh1-8635-1681029685.png
Xuất bản điện tử sẽ là phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản trên thế giới. (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, số lượng xuất bản phẩm điện tử ước đạt con số 3.200, với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so năm 2021.

Trong tương lai gần, xuất bản điện tử sẽ là phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản trên thế giới. Các quốc gia có nền xuất bản phát triển hiện đại đều là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử như: Anh, Mỹ, Pháp, Đức...

Tại Việt Nam, xuất bản nội dung số đang là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất hiện nay bởi nhiều yếu tố thuận lợi.

Tính đến tháng 9/2022, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 73,2% dân số, đứng thứ 12 về lượng người dùng internet trên toàn cầu.

Thói quen tiêu thụ các nội dung số đang dần hình thành, nhất là ở lớp độc giả trẻ. Hành vi đọc, xem, nghe của người trẻ cũng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang môi trường số, trên các nền tảng số.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện về pháp lý và môi trường công nghệ cho sự phát triển của hoạt động xuất bản phẩm điện tử và kinh doanh sách điện tử trên môi trường internet.

Điều này được thể hiện rõ ở Luật Xuất bản năm 2012 và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử.

Cụ thể, Luật Xuất bản năm 2012 đã dành một chương với 8 điều, khoản quy định về xuất bản điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển.

Với nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi nhưng thị trường xuất bản phẩm điện tử của Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn nên còn nhiều dư địa để phát triển. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nhà xuất bản để đổi mới mô hình kinh doanh và các sản phẩm phục vụ công chúng.

anh2-889-1681029685.png
Có nhiều rào cản trong quá trình chuyển dịch qua xuất bản trên nền tảng số. (Ảnh internet)

Nhiều rào cản cần vượt qua

Thực tế cho thấy thị trường xuất bản phẩm điện tử chưa tạo được bứt phá, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ. Các nhà xuất bản cũng chưa thực sự mặn mà với việc đầu tư, phát triển các sản phẩm số, vẫn tiếp cận người dùng theo cách truyền thống.

Mặt khác, việc phát triển sách điện tử vẫn còn gặp khó khăn do rào cản về nền tảng công nghệ của các nhà xuất bản, vấn đề thiếu nhân lực, tình trạng vi phạm bản quyền phức tạp và một số hạn chế về chính sách...

Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản, chưa có nhiều hình thức mới như: ebook, audiobook, VRbook (sách thực tế ảo), sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản.

Trước thực tế này, để thị trường xuất bản phẩm điện tử thực sự bứt phá, ngành xuất bản không có cách nào khác là phải nhận thức nghiêm túc hơn về chuyển đổi số, xác định rõ chuyển đổi số không phải là lựa chọn mà là tồn tại.

Từ đó, thay vì do dự trong việc lựa chọn hướng đầu tư, phát triển sản phẩm mới có sự kết hợp của công nghệ số, các nhà xuất bản cần nỗ lực chuyển mình, tìm các giải pháp công nghệ đáp ứng được các yêu cầu về bảo mật dữ liệu, tăng cường trải nghiệm và tiện ích cho người đọc... Đồng thời, cần có cách tiếp cận mới, hướng tới đối tượng độc giả trẻ.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, thói quen của thế hệ người đọc trẻ đang thay đổi, do đó, cần đánh giá đúng hơn nhu cầu đọc hiện tại và tiếp cận được đối tượng độc giả trẻ.

Trong một hội thảo của ngành xuất bản, ông cũng đề xuất một số giải pháp liên quan việc gắn các sản phẩm của ngành với những thói quen, sự chuyển đổi thói quen thanh toán của thế hệ trẻ.

Thay vì cách tiếp cận với người dùng truyền thống, các nhà xuất bản cần vượt qua các rào cản về thanh toán, kết nối sản phẩm số của ngành với hệ sinh thái ngân hàng và hệ sinh thái viễn thông để tiếp cận được tệp khách hàng lớn hơn.

Sự tăng trưởng của thị trường xuất bản phẩm điện tử phần nào cho thấy chuyển đổi số đã và đang là hướng đi tất yếu của ngành xuất bản hiện nay. Vì thế, xuất bản điện tử cũng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong năm 2023. Dĩ nhiên, đây không chỉ là bài toán của các nhà xuất mà còn là bài toán của nhà quản lý.

Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để sớm tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử; hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản; sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử (là các loại sách dựa trên nền tảng công nghệ như: ebook, audiobook, VRbook...

Song song với đó, có thêm nhiều giải pháp trong việc quản lý và bảo vệ quyền tác giả; mạnh tay dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook trên mạng, YouTube, mạng xã hội...