Lớn lên nhờ cách mạng, ( Phần 6 – đoạn đầu )

Lê Quang Vinh
(Tapchivietduc.vn) - Tiếp tục chuỗi nội dung cuốn Hồi ký “ Lớn lên nhờ cách mạng” của cố Thượng Tướng Phùng Thế Tài. Tạp chí điện tử Việt – Đức tiếp tục gửi đến bạn đọc Phần 6: "Đi bảo vệ đồng chí Hoàng". Xin mời bạn đọc cùng khám phá nhân vật “ đồng chí Hoàng” này là ai? Và có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời của cố Thượng tướng. Tạp chí điện tử Việt – Đức sẽ chia phần này thành 2 bài đăng: đoạn đầu và đoạn sau để bạn đọc tiện theo dõi.

ĐI BẢO VỆ ĐỒNG CHÍ HOÀNG

- Đi bảo vệ đồng chí Hoàng !

Đồng chí Vũ Anh bảo tôi thế. Tôi nhìn đồng chí Vũ Anh. Vẻ mặt đồng chí vừa nghiêm nghị vừa ân cần. Tôi lim dim con mắt, cố nghĩ xem đồng chí Hoàng này là ai. Tôi lẩm bẩm: “Đồng chí Hoàng! Đồng chí Hoàng à? Ai vậy? Cán bộ ta mình biết tên cũng khá. Có ai tên là Hoàng đâu?” Tôi hỏi lại đồng chí Vũ Anh:

- Đồng chí Hoàng là người như thế nào ạ?

- Đồng chí Hoàng là một đồng chí cách mạng lão thành. - Đồng chí Vũ Anh đáp với một vẻ kính cẩn và trang trọng.

Tôi cố lục soát lại trong óc những điều tôi đã được học tập và nghe kể chuyện khi còn ở nước ngoài. Trong số những đồng chí Đảng có “uy tín vào loại quốc tế” chỉ có cụ Nguyễn Ái Quốc. Có anh bạn tôi nói đã được xem ảnh của Người ở trong những tờ báo ngoại quốc, tả lại nét mặt Người và chuyện Người… Tôi vỗ tay đánh đét, hấp tấp hỏi bố nuôi:

- Phải cụ Nguyễn Ái Quốc không, Bố?

Đồng chí Vũ Anh gạt đi:

- Không phải! Đồng chí Hoàng là một đồng chí cách mạng lão thành. Phải bảo vệ đến nơi đến chốn!

Tôi nghĩ bụng: “Phải bảo vệ đến nơi đến chốn à? Chắc đồng chí này phải to lắm!” Nghĩ mãi chẳng biết là ai, hỏi đồng chí Vũ Anh thì được trả lời như thế. “Một đồng chí cách mạng lão thành!” Thôi được! Đã giao Hữu Tài này bảo vệ cán bộ thì Hữu Tài này, nếu cần, sẽ hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đồng chí!

Sau hai đêm đi liền không nghỉ, chúng tôi đến một cơ quan gần biên giới. Chúng tôi không dám đi ban ngày vì sợ gặp địch. Dạo này địch tăng cường khủng bố, tăng cường quân tuần tra suốt suốt dọc đường lên biên giới.

Đêm, tối như hũ nút. Rừng cây lại rậm rạp. Không cẩn thận là đập trán vào cây. Giá quanh đây có lán, có nhà cũng không nhìn thấy được. Ở đây tôi gặp đồng chí Lê Quảng Ba. Đồng chí Ba là cán bộ địa phương, phụ trách huyện Sóc Giang, một huyện gần biên giới.

Đồng chí Ba giới thiệu:

- Đây là cụ Hoàng!

Tôi chớp chớp mắt rồi lại mở to, mắt căng ra đến đau nhói. Tôi chẳng nhìn thấy gì cả! Tôi nghĩ bụng: “Có ai đâu? Đồng chí ấy đứng đâu?” Tôi định hỏi đồng chí Lê Quảng Ba nhưng lại sợ đồng chí ấy bảo mắt thanh niên mà không quen nhìn trong đêm tối. Bực mình nhất là tôi chẳng được chỉ dẫn sẽ phải làm những gì, sẽ làm như thế nào, nhiệm vụ đến đâu? Hay là đồng chí Lê Quảng Ba giữ bí mật? Tôi thật bỡ ngỡ như chim chích lạc rừng.

Khi mắt tôi đã làm quen với bóng tối, tôi mới trông thấy “cụ Hoàng”. Gọi là trông thấy, nhưng thực ra chỉ trông thấy lờ mờ một cái bóng người… Tôi có nhiệm vụ bảo vệ người đó.

Đồng chí Lê Quảng Ba thân dẫn một tiểu đội du kích bảo vệ cụ Hoàng và đưa tôi lên biên giới.

Tối cứ như bưng lấy mắt. Đi toàn khe suối. Không lội suối thì đường lại trơn như mỡ. Những con vắt giắt vào kẽ chân, lầy nhầy, cắn đau buốt. Vắt lọt vào cổ áo, thò tay vào cổ vào gáy, tóm vứt ra từng chú một.

Bóng người đi trước tôi thoăn thoắt bước nhưng giữ hoàn toàn im lặng. Dọc đường, không thấy người ấy hé một lời, ho một tiếng. Hình như người ấy thuộc đường lắm. Mà đi cũng không ngã lần nào. Trong lúc đó chung quanh tôi thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng đánh “huỵch”: có đồng chí du kích trượt chân ngã!

Gió rừng biên giới lạnh ngắt. Lá khô xào xạc. Tôi theo sát bóng người đi trước, bén gót, một tay nắm chắc lấy báng khẩu Chí-chủi, tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tiếng nai giác ở khe suối nghe não ruột. Tiếng cú kêu trên đầu nghe ảm đạm. Đi đêm, khó mà lường trước được những con rắn xanh, nọc độc có tiếng, cắn chết người như chơi. Giá đi ban ngay thì đã thấy chúng nó vắt mình trên cành cây hoặc trườn qua những bụi rậm. Tôi định gợi chuyện ông cụ, nhưng thấy ông cụ không nói nên cũng không dám hỏi. Tôi biết ông cụ giữ bí mật trong khi đi đường, nhất là qua những chỗ gần đồn binh Pháp. Tiếng mõ cầm canh của các đồn binh gọi nhau trong đêm tối…

Chúng tôi đi suốt đêm.

Trời rạng dần. Tiếng mõ ở các đồn binh khi bóng tối càng tan đi càng đuổi nhau, gọi nhau gấp gấp. Tiếng mõ nghe xa rồi. Tang tảng sáng, chúng tôi đến biên giới Việt - Trung. Cả đoàn dừng lại nghỉ, hút thuốc và trao đổi ý kiến với nhau.

Gà rừng gáy vang. Chim chóc đã trở dậy chào ánh sáng. Mấy chú chào mào giỡn nhau trên cành. Tôi nheo một mắt, ngắm. Đây là giang sơn của chim chóc, của thú rừng, nên chúng chẳng sợ người. Tôi nghĩ đến cái thuở đeo súng cao su vào cổ, ngày ngày đi bắn chim sẻ cải thiện cho các anh. Trịnh Đông Hải, Lý Quang Hoa v.v… ở ngoại ô thị xã Côn Minh năm nào. Ngày ấy, cứ điệu mấy chú chào mào này, tôi chỉ cần giương súng lên, “pách” một cái, hòn cuội bay đi, đập vào đầu chú chào mào. Chú rơi xuống đất. Tôi trói hai chân chú lại, xâu vào một xâu với bao nhiêu con chim sẻ khác! Mà thịt chim chào mào cũng thơm ngon không kém gì chim sẻ đâu nhé!... Tôi cười thầm về những ngày còn nhỏ ấy…

Bỗng tôi thấy cái gì nhun nhũn ở sống lưng, trong áo. Tôi lại cảm thấy có một cái gì lành lạnh chảy xuống thắt lưng. Ngón tay tôi, rồi cả bàn tay tôi sờ vào, quệt một cái , giở ra xem : máu còn tươi ! Tôi nhổ nước bọt vào đấy , luồn ra sau lưng, cấu “thằng Việt gian” ra! Đó là con vắt xanh đã no căng máu ở lưng tôi. Tôi bật lửa, “xử tử thằng Việt gian” ngay tại chỗ. Con vắt nổ đánh đốp!

Đồng Chí Lê Quảng Ba bảo tôi:

- Chú ý bảo vệ Cụ cẩn thận nhé!

Tôi nhìn đồng chí Ba, đáp:

- Cứ yên trí!

Cụ Hoàng bảo đồng chí Ba:

- Như vậy là chú đã hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ thì chú đi về, tiếp tục nhiệm vụ của chú ở nhà.

Rồi quay nhìn cả tiểu đội du kích ngồi nghỉ chung quanh, Cụ nói tiếp:

- Các chú về! Bác đi công tác!

Đồng chí Lê Quảng Ba dặn dò tôi thêm mấy câu rồi dẫn tiểu đội du kích trở về.

Tôi nhìn theo các đồng chí. Đêm qua đoạn đường đi bảo đảm, không xảy ra chuyện gì. Từ đây trở đi là nhiệm vụ của mình rồi. “Phải bảo vệ đến nơi đến chốn!” Đồng chí Vũ Anh đã bảo tôi như vậy…

Tôi đã nhìn được rất rõ ông cụ, cái bóng người đi rất khỏe đêm hôm qua. Ông cụ rất gầy. Cụ mặc một cái áo bông, một cái quần vải thường màu xám mà lính Tưởng thường mặc, đầu đội mũ, tay cầm cái gậy, chân đi dép rơm. Trông vẻ người thì ông cụ không được khỏe lắm, sau một đêm đi mệt nhọc. Nhưng đôi mắt ông cụ thì lại rất sáng. Chòm râu đen bay phất phơ.

Tôi nhìn ông cụ, chào “Cụ ạ!” Ông cụ gật đầu, vui vẻ:

- Bác cháu ta đi công tác!

Tôi thì lại cứ muốn hỏi: “Đi đến đâu? làm gì?” Ông cụ không nói ra, tôi cũng ngại không dám hỏi, sợ ông cụ cho là không hiểu nguyên tắc bí mật. Tôi “vâng” một tiếng rồi lại ngồi im, hết nhìn ông cụ lại nhìn ra chung quanh xem có gì đặc biệt xảy ra không.

Thấy tôi đeo khẩu Chí-chủi bên sườn, ông cụ nhìn tôi một lượt, hỏi:

- Súng chú có bao nhiêu đạn? Chú có biết bắn không?

Tôi thưa:

- Súng cháu có vài chục viên. Cháu bắn khá lắm.

Tôi dám nói là “bắn khá”, không phải là tự đề cao mình đâu. Tôi có khẩu Chi chủi này đã lâu. Nó là một khẩu súng lục ổ quay lắp được sáu viên đạn 12 ly như đạn súng Côn-bát. Tôi bắn rất tin. Ngày còn ở trong rừng, vốn tính hay nghịch, tôi thường vạch vôi vào gốc cây gốc cối làm bia, nhằm vào từng cành cây nhỏ trên cao, hoặc đứng trên núi ném đá xuống đường rồi rút súng bắn theo: bắn phát nào tin phát ấy. Những lúc ấy, tôi nghĩ: “Thằng địch đểu lắm. Bắn giỏi để diệt chúng nó!”

Đi công tác chuyến này tôi mặc một bộ quần áo bằng dạ của sĩ quan Tưởng Giới Thạch. Tôi nói được tiếng Trung Hoa, lại có sẵn giấy thông hành đặc biệt của chính quyền Tưởng cấp nên yên trí lắm. Nếu xét về giấy tờ, tôi có thể đi khắp nước Trung Hoa. Chúng mà giở trò. nếu cần, khẩu Chí-chủi của tôi không nể thằng nào cả!

Trông ông cụ và tôi mặc quần áo của quân đội Tưởng Giới Thạch, người ngoài chỉ có thể cho chúng tôi là một anh lính trẻ đi với một ông lính già.

Thấy ông cụ đi suốt cả đêm không được ngủ, tôi định để ông cụ nghỉ lâu một chút cho lại sức, nhưng ông cụ đã nói:

- Bác cháu ta đi thôi!

- Cụ nghỉ tí đã! Cả đêm qua Cụ không được nghỉ rồi. - Tôi thưa.

Ông cụ lại nói:

- Hai bác cháu ta ra Tĩnh Tây công tác!

Thế là tôi đã biết rõ nơi sẽ phải đến. Đây là đất Trung Hoa đang nằm dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi đi ban ngày, không phải đi đêm như trên đất mình nữa. Trong người tôi có một số tiền dùng để ăn đường cho hai người.

Buổi trưa, hai ông cháu vào một tiệm ăn. Tôi muốn bồi dưỡng sức khỏe cho ông cụ, lại căn cứ vào sức ăn của mình nên gọi hai đĩa thức ăn, một bát canh và một đĩa cơm. Bữa cơm ngon quá. Mòn xào thơm phức. Đi đường đói ngấu, ăn càng khỏe.

Trong khi ăn, ông cụ bảo tôi:

- Các đồng chí trong nước bữa no bữa đói… Ta ăn thế này hoang quá!

Tôi suýt nghẹn, không nuốt nổi miếng cơm. Nghe ông cụ trách, đầu óc tôi nóng ran lên. “Chết bỏ mẹ! Ông cụ phê bình mình đây!” Tôi nghĩ như vậy. Lý do gì được nữa? Tôi lấy sự im lặng để tiếp thu phê bình.

Ăn xong, hai ông cháu lại tiếp tục đi cho đến tối. Trong đầu óc tôi nổi lên nhiều câu hỏi. Tôi nghĩ mãi, đoán già đoán non, không hiểu ông cụ đi Tĩnh Tây làm gì. Tôi gợi chuyện, cốt để ông cụ nói ra cái điều mình tò mò muốn biết. Tôi hỏi:

- Thưa Cụ, đi làm gì thế ạ?

Ông cụ nói, chắc nịch:

- Đi công tác!

Tôi lại hỏi:

- Tình hình thế giới độ này ra sao ạ? Mặt trận thứ hai ở Đức có mở không ạ? Nga có thắng được không ạ?

Ông cụ vừa đi vừa nói cho tôi biết về tình hình thế giới, về mặt trận thứ hai ở Đức. Tôi thấy sự hiểu biết của ông cụ rất rộng và rất sâu. Tôi nghe cứ mê đi. Tôi nghĩ: “Ông cụ này giỏi quá. Mình chỉ mới bằng cái móng tay ông cụ thôi!” Tôi nhìn ông cụ, vừa cảm phục vừa thấy kính mến lạ lùng:

- Nga có nhất định thắng không ạ?

Giọng ông cụ vẫn chắc nịch:

- Nhất định thắng!

Bấy giờ tôi mới hỏi đến một câu thường nung nấu đã từ lâu:

- Thưa cụ, bao giờ thì tổng khởi nghĩa ạ?

- Nếu cán bộ ta tích cực tuyên truyền giáo dục được nhanh, được tốt, ta sẽ tổng khởi nghĩa.

Đi với ông cụ, tôi học được nhiều điều bổ ích. Cái óc của tôi cứ sáng lần lần. Tôi hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, nghe ông cụ giải thích, quên cả đường dài, đi cả đêm. Hôm sau lại đi luôn. Tôi đang tuổi thanh niên cũng thấy bã người nữa là ông cụ, tuổi đã cao, người lại gầy gò, sức yếu. Tôi đề nghị:

- Cụ mệt thì ta hãy nghỉ lấy sức đã, rồi hãy đi…

Ông cụ nhìn tôi, cười bảo:

- Chú đã mệt rồi à? - Ông cụ dừng lại một giây, nói tiếp. - Chú thanh niên, chú đã mệt rồi à?

Tôi nói cứng:

- Cháu chưa mệt. Cháu là thanh niên. Cháu chỉ lo Cụ mệt. Cụ chưa mệt thì cụ cháu ta lại đi.

Ông cụ bảo tôi:

- Gọi tôi bằng bác! Tôi gọi chú bằng chú.

- Vâng ạ! - Tôi thưa.

Từ đó, tôi gọi ông cụ bằng “Bác” và xưng “cháu” rất là trìu mến. Nghe tiếng “Bác” có vẻ thân mật, ấm cúng. Tôi nghĩ bụng: “Bác già rồi mà hơn thanh niên!” lại càng kính yêu Bác.

Hai bác cháu đến một cái làng nằm giữa Cát Mà và Tĩnh Tây thì ngủ lại. Cát Mà là chợ biên giới, phía Trung Quốc.

Nghỉ lại, phải dùng cơm tối. Nghĩ lại bữa trước Bác phê bình là hoang, lần này tôi chỉ gọi một đĩa thức ăn, một bát canh và một đĩa cơm. Tôi lại cứ lấy cái bụng mình để đo cái bụng của Bác. Tôi nói với Bác:

- Thế này cháu sợ không đủ! Cháu còn tiền mà!

Bác bảo:

- Được rồi!

Trông Bác ăn ngon lành, tôi cũng thấy nở nang cả ruột. Tôi chỉ ăn cầm chừng, cốt để dành nhiều thức ăn cho Bác. Bác bảo tôi:

- Ăn đi chứ! Chú nhìn Bác mà no à? Tích cực lên chứ!

Tôi ăn xong, lau lại súng đạn. Dọc đường đi, súng tôi lúc nào cũng lên đạn, đề phòng bất trắc. Nhưng không xảy ra chuyện gì cả.

Tôi sửa soạn chỗ để Bác đi nghỉ. Bác có cái đồng hồ quả quít. Bác mở nắp, nhìn đồng hồ, dặn tôi:

- Sáng mai, bốn giờ đã đi. Chú nhớ dậy sớm, đánh thức Bác. Đi sớm cho được đường.

- Vâng ạ!

Tôi đút khẩu Chí-chủi xuống dưới gối, ngả lưng xuống giường, duỗi thẳng cẳng. Các khớp xương được dịp kêu lắc rắc. Tôi ngáp một cái dài, đến gần sái cả quai hàm, hai mắt díu lại… Tôi ngủ biến lúc nào không biết. Tôi mê lung tung, hình ảnh này vừa hiện lên đã bị xóa đi vì những hình ảnh khác. Tôi đang mơ đến cảnh bữa cơm ở tiệm ăn. Bác bảo tôi: “Ta ăn thế này hoang quá!...” Tôi đang định nói lại câu gì thì bỗng cảm thấy như bị hẫng. Tôi mở choàng mắt: Bác đã đứng bên giường tôi:

- Dậy thôi! Bốn giờ rồi! Ta đi thôi!

Cha mẹ ơi! Tôi thẹn không để đâu cho hết. Tôi ngủ quên mất. Bác dặn tôi phải đánh thức Bác dậy thì lại chính là Bác đánh thức tôi! Ngược đời thay! Tôi phục Bác là giỏi. Không có chuông đồng hồ báo thức mà Bác dậy rất đúng giờ!

Hai bác cháu lại đi. Trời còn tối . Bác đi thoăn thoắt.

*

* *

Hai bác cháu tôi đến Tĩnh Tây vào buổi trưa.

Cơm nước xong, bác cháu tôi đi vào phía trong núi, cách huyện lỵ Tĩnh Tây hai cây số. Đó là trụ sở của Quốc dân đảng Tầu và là hành dinh của trung tướng Trần Bảo Thương (Trần Bảo Thương là chủ nhiệm chỉ huy sở của Đệ tứ chiến khu). Chỗ ở của Bác đã được bố trí từ trước. Tôi có nhiệm vụ gác ở ngoài.

Tối hôm đó, Bác ngủ ngay ở chỗ Bác làm việc. Tôi cũng ngủ ở trụ sở. Tôi nghi nghi hoặc hoặc không hiểu Bác liên lạc với bọn Trần Bảo Thương làm gì. Ở Tĩnh Tây có một số học sinh người mình, có bọn của Phục quốc, có bọn của Việt cách(1) . Bụng thì muốn hỏi Bác, nhưng nếu xét về nhiệm vụ của tôi, việc hỏi đó phạm vào nguyên tắc bí mật. “Người nào có nhiệm vụ người ấy. Tò mò xấu lắm!” Về sau, tôi mới được biết mục đích Bác ra Tĩnh Tây là để liên lạc với các đồng chí hoạt động ở ngoài.

Cách một hôm, sau hơn một ngày làm việc, Bác về. Vì phải bảo đảm bí mật, hai bác cháu đi qua khu vực Tĩnh Tây rất sớm… Chúng tôi đi rất nhanh để tránh sự theo dõi của địch và những người không tốt, những đảng phái nói trên. Tôi chắc Bác đã làm xong việc. Lòng tôi cũng vui lây.

Trong khi đi về, Bác có vẻ mệt. Tôi nhớ đến lời đồng chí Vũ Anh dặn: “Đồng chí Hoàng là một đồng chí cách mạng lão thành. Phải bảo vệ đến nơi đến chốn!” Là chiến sĩ bảo vệ của Bác, tôi phải làm gì đây để Bác đỡ vất vả trong khi đi đường? Tôi nghĩ: “Mình là thanh niên đang sức trai trẻ mà còn vã mồ hôi ra, huống hồ là một ông lão!” Làng xóm cũng không xa con đường chúng tôi đi. Tôi nảy ra một ý kiến, cho là thế nào Bác cũng đồng ý. Tôi nói:

- Thưa Bác, cháu trông Bác mệt rồi mà đường về còn xa. Cháu vào thôn kia lấy ngựa Bác đi ạ! - Tôi chỉ về phía thôn trước mặt.

Bác lắc đầu:

- Không! Bác cháu ta đi bộ thôi - Bác hỏi tôi - Chú đã mệt rồi à?

- Thưa Bác, không ạ! - Tôi đáp - Cháu thương Bác mỏi!

Bác xua tay:

- Chú không thương dân ư?

Tôi nghĩ bụng: “Thôi chết rồi, mình là ở dân mà ra, không thương dân sao được? Nhưng… đây có phải là dân mình đâu? Dân Tầu đấy chứ! Bao giờ về nước mình, mình thương dân mình…” Hình như Bác đoán được ý nghĩ của tôi, Bác bảo:

- Chú thử xem xem! Người dân người ta chỉ có con ngựa để kiếm ăn. Chú lấy đi, được việc cho chú. Nhưng người ta lấy gì nuôi vợ nuôi con? Nhân dân Tầu cũng khổ như dân mình thôi.

Lúc bấy giờ tôi còn nhom nhem lắm, không thấy được quan điểm toàn diện. Nghe Bác nói, tôi bỗng thấy mình ích kỷ và thiếu tình thương yêu giai cấp. Và trái với cái nhìn chủ quan của tôi, Bác đi rất khỏe. Ngày hôm đó, Bác đi được 80 lý, tức là vào khoảng bốn chục cây số.

Tôi đi theo Bác, có lúc đi ngang, có lúc lại chạy lên trước để dò đường. Tôi vui sướng như một đứa trẻ chạy lăng xăng bên một người cha kính mến. Tai tôi nghe từng tiếng động nhỏ chung quanh. Mắt tôi quắc lên tôi tin chắc rằng nếu có kẻ nào bất chính xuất hiện, tôi sẽ trông thấy ngay và sẵn sàng tiêu diệt nó trước khi nó kịp xông tới hai bác cháu tôi.

Chúng tôi về nhà đồng chí Đại Lâm. Sau đó, Bác về chỗ cơ quan riêng ở hang Pắc-bó. Tôi chờ ở gần đấy.

Một hôm, cách hôm về đây chừng nửa tháng - Bác gọi tôi đến, dặn:

- Chú chuẩn bị lấy nửa cân thịt, nửa cân muối và một ít ớt. Mang xào lên, cho vào ống tre, chuẩn bị đi công tác xa.

Mấy hôm không được trông thấy Bác, không được nghe tiếng Bác, thấy nhớ nhớ. Nay được Bác giao cho nhiệm vụ mới, tôi vui mừng hết sức, nhận lệnh ngay. Tôi nhờ một đồng chí ở cơ sở đi chợ mua hộ thịt và muối, ớt, rồi tự làm lấy như lời Bác dặn. Mùi thịt xào muối ớt thơm ngào ngạt. Rang xong, tôi để nguội, rồi đi chặt một ống vầu to, cặm cụi đẽo và gọt rất đẹp. Sau đó đẵn một mẩu cây thật chắc, bóc vỏ đi, gọt nhẵn nhụi làm cái nút. Tôi tọng thịt xào vào ống vầu, nút kín lại, đợi lệnh mới…

Đồng chí Vũ Anh đến chỗ tôi, bảo:

- Chuyến này đồng chí Hoàng đi công tác xa. Chú phải bảo vệ cho chu đáo. Đường lắm thổ phỉ đấy. Phải hết sức cẩn thận. Chú phải chịu hoàn toàn trách nhiệm!

Mấy hôm nằm khàn ở trạm chờ, tôi suy nghĩ nhiều về hành tung của ông già mà tôi tôi gọi là Bác này. Tôi đặt nhiều dấu hỏi lắm. Tôi thấy Bác là một người tích cực và chịu khó. Tôi rất mến Bác. Rồi mỗi khi lên giường nằm, vắt tay lên trán, tôi khẳng định: “Đúng ông già này là cụ Nguyễn Ái Quốc!” Nhưng cứ đến sáng hôm sau, khi tôi hỏi những người xung quanh về đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người thì nói đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiện nay ở bên Nga, người thì nói đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiện nay ở bên Pháp v.v…, tôi lại không dám khẳng định “đồng chí Hoàng là cụ Nguyễn Ái Quốc” nữa.

Lần này lại nhận nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Hoàng, tôi rất lo. Đi có một mình, trấn được mặt trước thì lộ mặt sau. Bảo vệ được phía sau thì lộ phía trước và “hở sườn”. Tôi nói ý ấy với đồng chí Vũ Anh và tiếp:

- Có thể cho thêm một người nữa cùng đi không ạ?

Đồng chí Vũ Anh gật đầu khen phải, và cử đồng chí Minh cùng đi với tôi.

Đồng chí Minh người dân tộc Tày, hơn tôi đến chục tuổi, hiền lành, thật thà, tốt. Nhưng phải cái hơi chậm. Tôi lúc ấy mới 23 tuổi, nặng 67 ki-lô, cao hơn đồng chí Minh mười phân mét, người thì to gấp rưỡi. Tôi phải cái tính ngang bướng, nóng nảy, - cái tính ngang bướng này là hậu quả của nửa năm trời theo học trường quân chính tình báo ở Khai Hóa của bọn Tưởng, hàng ngày phải đương đầu với bọn Quốc dân đảng – nay có đồng chí Minh, tính tình điềm đạm, đi cùng bảo vệ đồng chí Hoàng thì tốt quá. Cái nọ bổ sung cái kia.

Trước khi đi có cuộc họp do Bác làm chủ tịch. Đây là buổi sinh hoạt đầu tiên của ba bác cháu. Chúng tôi kiểm điểm tình hình chuẩn bị: về quần áo thì Bác có một cái áo bông khoác ngoài màu gio, đã sờn cả vai, quần dài và áo đều là của Quốc dân đảng; tôi có một cái áo dạ và một cái quần màu gio; đồng chí Minh cũng mặc một bộ quần áo của Quốc dân đảng, đội mũ Quốc dân đảng. Về giày dép thì Bác đi dép rơm, tôi đi giày cao su, còn đồng chí Minh đi giày vải. Mỗi người như vậy có “nhất bộ”, một bộ lót và một cái chăn dạ. Tôi báo cáo với Bác về việc chuẩn bị lương khô. Bác nói:

- Đi đường xa, cần phải chuẩn bị lương khô chu đáo. Bác đã có kinh nghiệm. Làm thế này vừa tiết kiệm vừa để được lâu, vừa ngon: Nửa cân thịt xào với nửa cân muối và ớt thành một cân. Ta mua rau nấu canh ăn thêm. Như vậy là ta có đủ chất đạm, chất mỡ, cả vi-ta-min A là ớt.

Bác quy định cho tôi mỗi bữa chỉ được lấy ra một thìa thịt rang mặn. Bác nói tiếp:

- Thịt rang dùng cho cả đi lẫn về!

Bác đưa cho tôi một số tiền là năm nghìn đồng (tiền Quốc dân đảng). Tôi nhớ lần trước đi Vân Nam có một mình, tôi tiêu veo hết năm nghìn đồng. Lần này cũng chỉ bấy nhiêu tiền mà những ba người!

Bác bảo chúng tôi:

- Ngày đi, tối sinh hoạt, kiểm điểm và đề ra kế hoạch ngày hôm sau. Các chú cứ như thế mà làm!

Tôi hỏi dò, biết lần này sẽ đi Vân Nam. Tôi thuộc đường đi lắm. Vì tôi đã có dịp được đi đường này khi trở về Tổ quốc và từ Bảo Lạc nhận lệnh sang Vân Nam chuyên chở súng về. Đường từ Quảng Tây sáng Vân Nam đi bộ mất mười một ngày. Muốn vậy, trung bình mỗi ngày phải đi từ 35 đến 40 cây số.

Ba bác cháu bắt đầu đi…

Mới chớm vào mùa đông, nhưng ở biên giới đã lạnh nhiều. Thấy Bác mặc áo bông, tôi cũng yên tâm đôi chút. Bác đi như một chàng thanh niên. Lúc vượt đèo, lúc lội suối, nhanh nhẹn hơn cả đồng chí Minh.

Tôi bảo đồng chí Minh:

- Hai chúng mình đi với Bác, chúng mình phải bảo vệ Bác. Đi, về phải an toàn.

Đồng chí Minh gật đầu. Tôi và Minh phân công nhau hàng ngày như sau: sáng sớm dậy thì đồng chí Minh thổi cơm; Cơm chín, nắm lấy ba nắm bằng nắm tay để dành đến trưa. Tôi nấu thức ăn. Dọc đường, gặp rau mua một bó độ vài đồng, rồi xúc một thìa thịt trong ống vầu đổ vào nồi rau, nấu lên. Sáng thì được ăn cơm nóng với canh thịt. Đến trưa, gặp quán thì dừng lại nghỉ, giở cơm nắm ra ăn với thịt mặn. Tối mới lại thổi cơm, ăn sốt.

Bác bảo chúng tôi:

- Đi như vậy, vừa tiết kiệm, vừa no bụng, lại được đường.

Tôi cũng thấy là chí lý.

Đường đã xa, lại mấp mô. Bác đi dép rơm, phồng cả chân. Tôi tính mua giày Bác đi. Bác không cho mua. Bác bảo:

- Không đi! Chú có mua, Bác cũng không đi!

Chúng tôi thấy Bác nói thế cũng không dám mua nữa. Bác gật đầu bảo hai đứa chúng tôi:

- Dép này có hỏng thì mua dép rơm vẫn tốt hơn.

Bác quấn giẻ vào quai dép để đi cho đỡ phồng chân.

Đi bộ mới đầu còn vui chân, đi miết. Nhưng càng đi càng mỏi, càng về sau lại càng mỏi tợn: cái gót chân, mắt cá chân, cổ chân cứ như là từng bộ phận cắt rời nhau ra… Đến chỗ nghỉ, đồng chí Minh chẳng thiết gì ăn uống nữa, cứ ngồi bóp chân bóp cẳng hoài. Tôi không đến nỗi như đồng chí Minh nhưng cũng cứ phải lấy hai tay ấn xuống hai đầu gối. Hai đầu gối và hai cái xương bánh chè tưởng như không còn là của tôi nữa! Bác đi mượn cái chậu giặt, đái vào để ngâm chân. Bác bảo hai đứa chúng tôi:

- Các chú làm thử xem! Ngâm chân tốt nhất. Mai đi lại thoải mái như thường.

Tôi nghe theo, cũng làm thử. Nước đái mình có khai thật - càng khai càng tốt - nhưng ngâm cái chân vào, cái mỏi rã đi lúc nào không biết. Đồng chí Minh cũng ngồi dậy làm theo.

Sáng hôm sau dậy sớm, tôi và đồng chí Minh người nào việc ấy đã có phân công từ trước, cứ thế mà làm. Đồng chí Minh bảo tôi:

- Đồng chí Tài à! Đồng chí Hoàng nói đúng lắm lố. Tôi không mỏi cái chân nữa lố…

Tôi cũng quên bẵng mất cái chân mỏi từ lúc nào rồi.

Ăn cơm sáng xong, ba bác cháu lại lên đường. Hôm nay Bác quy định cho chúng tôi đi đường cũng phải học: học hai buổi, buổi sáng và buổi chiều. Bác thực hiện luôn.

Vừa đi đường, Bác vừa giảng cho chúng tôi nghe về cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc. Bác nói, tôi chỉ nhớ đại ý: Chủ nghĩa tam dân(2) của ông Tôn Trung Sơn là tiến bộ nhiều so với đời Mãn Thanh…Nhưng có những vấn đề ông Tôn Trung Sơn bắt mạch chưa tin và chữa bệnh chưa đúng. Cách mạng của ta theo kiểu Cách mạng tháng Mười Nga. Mục đích cách mạng của ta là đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập. Chủ nghĩa tam dân là cách mạng tư sản, có những vấn đề không triệt để… Cách mạng của ta do giai cấp công nhân lãnh đạo, triệt để… Bác nói cả về vấn đề cải cách nông thôn, về tương lai công nghiệp, về điện khí, nông trường… Bác vừa đi vừa nói, phân tích tỉ mỉ. Bác nói rất dễ hiểu nên nghe đến đâu nhớ đến đấy, thấm thía lắm. Học một mình thường chóng mỏi, nhưng học với Bác thì lại vui, vì giờ nghỉ có xen kẽ văn nghệ. Bài học trên đường với những kiến thức mới mà Bác vừa truyền thụ cho chúng tôi làm tôi càng kính mến Bác. Ba bác cháu chuyện trò vui vẻ. Tôi tò mò hỏi:

- Bác đã sang Nga bao giờ chưa mà biết tình hình rõ thế? Bác có biết tiếng Nga không ạ?

Bác nhìn tôi bằng đôi mắt trong suốt, sáng long lanh như bảo: “Chú hóm lắm”. Bác đáp:

- Chưa sang Nga. Tiếng Nga học khó lắm!

Dạo ấy tôi cũng ít đọc sách báo, lại cũng vào loại mù tịt tình hình nên cũng cho như vậy là thật. Tôi không biết rằng Bác chính là Nguyễn Ái Quốc. Bác đã sang Nga ngay từ hồi 1924, khi Lê-nin mất, và Bác nói tiếng Nga như người Nga. Thì ra Bác khiêm tốn và giữ bí mật nên nói như vậy (Sau này, tôi biết Bác chẳng những biết tiếng Nga mà còn biết rất nhiều thứ tiếng khác nên càng đỏ mặt về cái ấu trĩ của mình ngày ấy).

Hết bài Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Trung Quốc, bác lại giảng sang bài Cách mạng tháng Mười. Hết bài Cách mạng tháng Mười, Bác lại chuyển sang giảng về những thuận lợi và khó khăn của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Lớp học trên đường có tác dụng tốt. Không những chúng tôi nhớ những điều Bác dạy mà cũng quên cả mệt nhọc, đi được xa, được nhiều.

Đường chúng tôi đi có nhiều dốc, nhiều đèo, có cái dốc cao gần ba ngàn mét gọi là dốc Tùng cảng, buổi sáng sớm ở chân dốc bên này, buổi trưa mới lên tới đỉnh dốc. Xuống đến chân dốc bên kia là vừa tối. Những lúc mệt hoặc lúc lên dốc, xuống dốc - xuống dốc cũng vất vả không kém gì lên dốc - là Bác lại dạy chúng tôi ngâm thơ. Bác chỉ dạy có một bài là bài “Chinh phụ ngâm”. Bác bảo:

- Bác cháu ta ngâm một bài!

Rồi Bác cất tiếng âm ấm của miền Trung:

…Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

Tiếng ngâm của Bác thấm vào lòng tôi, phơi phới niềm lạc quan cách mạng.

Bác bảo chúng tôi:

- Đây là văn cổ. Nó có ý nghĩa. Văn chương nó hay. Các chú nên học thuộc lòng.

Tôi phục Bác quá. Bác chẳng giở quyển sách, quyển sổ nào ra cả mà cái gì Bác cũng biết, hỏi Bác cái gì Bác cũng nói được. Một bài văn cổ như “Chinh phụ ngâm” hàng mấy trăm câu thơ mà Bác nhớ không sai một chữ.

Bác cho chúng tôi học từng đoạn một. Bác thường khen tôi: “Chú nhớ khá!” Bác khen cả đồng chí Minh.

Hôm sau đi đường, Bác hỏi:

- Hôm qua học được những cái gì?

Chúng tôi nhắc lại được. Đó là một phương pháp giảng dạy có kiểm tra, có biểu dương của Bác. Càng mến phục Bác, tôi càng thương Bác đã có tuổi rồi mà cũng phải “cuốc bộ” như chúng tôi. Lần trước sang Tĩnh Tây, đường gần hơn nhiều. Bác không đi ngựa đã đành. Lần này đi xa hơn, mệt nhọc hơn, đường lại lắm thổ phỉ, Bác đi ngựa sẽ dễ cho tôi và Minh chiến đấu chống phỉ, bảo vệ lãnh tụ. Tôi có một cái giấy của Quốc dân đảng cấp, vào trưởng thôn có thể lấy được ngựa và cáng. Ngựa thì có một người theo. Còn cáng thì có hai người khiêng. Lúc ấy tôi chỉ có một ý nghĩ là làm sao giảm bớt sự mệt nhọc của Bác trong khi đi đường. Tôi đề nghị với Bác cho tôi được vào trưởng thôn lấy ngựa, vì tôi nghĩ bụng chắc Bác chả chịu đi cáng.

Cũng như lần đi Tĩnh Tây, Bác bảo Bác không đi ngựa, tôi thắc mắc:

- Tại sao thế ạ! Cháu lấy ngựa ở trưởng thôn, người có ngựa được trả tiền, có bị thiệt thòi gì đâu ạ?

Bác giải thích:

- Cả nhà người ta có con ngựa. Mình lấy đi là gây thêm khó khăn cho người ta, người ta phải theo ngựa, không lao động được. Người ta đã khổ vì bọn thống trị, lại khổ thêm vì ý kiến của chú.

Rồi Bác hỏi tôi:

- Chú có thích đi ngựa không?

Tôi cụt hứng, nuốt nước miếng, chẳng còn biết trả lời Bác ra sao… Tôi tự trách mình sao sống bên Bác mà tiến bộ còn chậm. Nhưng khốn khổ, cái lập trường tư tưởng non nớt của tôi còn thể hiện ra một lần nữa. Số là đến chỗ nghỉ buổi chiều, tôi muốn vào trưởng thôn mua con gà. Lòng tôi xuất phát từ chỗ thương Bác, không muốn Bác bữa nào cũng phải ăn thứ thịt lợn rang muối mặn chát ấy. Tôi định bụng tìm một con gà giò, nấu bát nước xuýt Bác húp cho mát ruột. Tôi không nói cho Bác biết, sợ Bác gàn, lại không cho mua. Đồng chí Minh thổi cơm chiều. Tôi vào nhà trưởng thôn.

Trưởng thôn ở Trung Quốc cũng vào loại giàu có trong làng. Đàn gà của hắn rất đông, đang gọi nhau dáo dác lên chuồng. Tôi hỏi trưởng thôn mua con gà. Hắn không bán. Tôi tức quá. “Mình mua bằng tiền chứ mình có ăn cướp của nó như tụi lính Quốc dân đảng đâu!” Chẳng cần vận động vận điếc gì, tôi bảo hắn: “Không bán thì tôi đập chết!” Trưởng thôn nhìn tôi lấm lét. Chừng thấy tôi “sát khí đằng đằng” với đường gân nổi lên ở quai hàm và bàn tay nắm lại, hắng lặng đi một lát. Rồi hắn bằng lòng bán cho tôi con gà.

Hôm ấy Bác ăn được cơm. Tôi nhìn Bác, mà nở nang từng khúc ruột. Nhân bữa cơm vui vẻ, vui miệng tôi kể chuyện vào trưởng thôn mua gà và tài tháo vát của mình cho Bác và đồng chí Minh nghe. Nghe xong câu chuyện, Bác tỏ ý không vui. Tôi lo quá. Bác có ý kiến ngay:

- Chú làm như bọn lính của quân phiệt Tưởng Giới Thạch!

Tôi ngượng chín cả người. Đồng chí Minh thì nhìn tôi, im lặng. Đồng chí ấy vốn tính ít nói. Tôi cũng biết là đồng chí ấy không đồng tình với tôi.

(Sau này, trong Hội nghị quân chính năm 1955 họp tại Hà Nội, Bác có đến thăm hội nghị. Trông thấy tôi, Bác trỏ tôi, nói với mấy đồng chí cán bộ cao cấp đứng gần đấy: “Chú này hay quật gà nhà người ta”. Rồi Bác cười , hỏi tôi: “Bây giờ chú còn hay đánh gà không?” Tôi cười thẹn: “Thưa Bác không ạ!” Ra Bác nhớ dai thật, chuyện từ năm xửa năm xưa…)

Chuyến đi công tác với Bác lần này, chúng tôi học tập ở Bác rất nhiều điều. Chúng tôi chăm lo cho Bác, nhưng quyết không để Bác phải phiền lòng nữa. Chúng tôi mua rau, thay đổi các loại rau để Bác lạ miệng ăn được nhiều cơm. Thấy Bác ăn thấy ngon là chúng tôi sung sướng. Rau mỗi ngày đường có thể khác nhau, nhưng vẫn lấy thịt rang muối làm nòng cốt. Tôi là một đầu bếp được Bác ưa thích.

Chúng tôi đi nhiều nên có kinh nghiệm thêm: dậy sớm, ăn sớm, đi sớm thì lợi đường. Đến tối, nghỉ sớm một chút, vào khoảng bốn giờ chiều, cơm nước xong, sinh hoạt, ngâm chân rồi đi ngủ.

Sinh hoạt hàng ngày trở thành nền nếp. Học tập cũng trở thành nền nếp.

Chỗ nào tôi biết thường có thổ phỉ, tôi chạy xuống điều tra tình hình rồi đi trước mở đường: Bác đi giữa, đồng chí Minh đi sau.

Có cái chăn, Bác cũng đeo lấy. Tôi đề nghị Bác đưa tôi đeo vì tôi là thanh niên. Bác nói:

- Bác đủ sức khỏe để đeo chăn này. Các chú không nên quan tâm về Bác nhiều quá.

Tôi trao đổi với Minh về ý kiến của Bác:

- Ta là thanh niên khỏe mạnh, lại để cho ông lão đeo chăn! Không đúng!

Đồng chí Minh bảo tôi:

- Nhưng mà Bác không đồng ý vớ!

Tôi đập tay vào vai Minh, thì thầm:

- Phải họp lại và quyết nghị chứ! Chúng mình là đa số.

Đồng chí Minh gật gù khen tôi có sáng kiến. Tối hôm ấy, vào giờ sinh hoạt thường lệ, tôi đề ra vấn đề đeo chăn của Bác. Tôi nói lý lẽ rất là “đanh thép”. Bác bác bỏ ý kiến ấy vì cho rằng đeo cái chăn chẳng nặng nhọc gì. Đến lúc biểu quyết bằng giơ tay, ý kiến để Bác đeo lấy chăn chỉ có một người đồng ý: đó là Bác. Tôi và Minh chiếm đa số, thế là Bác phải lột chăn để chúng tôi đeo. Cái chăn dạ lính vừa dài vừa rộng, nắng thì hấp hơi nóng hầm hập, Mưa thì ngấm nước, nặng vít vai xuống. Hồi ấy, đâu có ni-lông, áo mưa như bây giờ!

Đồng chí Minh và tôi chia nhau mỗi người đeo chăn của Bác một vài tiếng đồng hồ, để Bác đi không. Trời nắng cũng như trời mưa, ngày nào ba bác cháu cũng ở trên đường. Mưa xuống thì lạnh, ướt cả ngày. Chiều tối đến chỗ nghỉ lại cởi quần áo ra hong trên bếp lửa. Hơi nước ở quần áo bốc lên mù cả bếp.

Có ngày chúng tôi gặp bọn lính Quốc dân đảng. Thấy chúng tôi đi có ba người, chúng chặn lại khám xét. Bác để bộ râu, lại mặc như quân lính Quốc dân đảng. Bọn lính gác bảo Bác phải cạo râu đi. Bác đáp: “Để rồi cạo!” Sau đó, Bác lấy cái khăn phu-la quàng chùm kín bộ râu, từ đấy qua các trạm gác, lính Tưởng không biết, cho đi.

Minh đi bí mật nên phải ăn mặc như kiểu quân đội nó để đi. Một hôm, một hôm chúng tôi gặp một thằng sĩ quan Quốc dân đảng. Nó nheo mắt nhìn Bác như dò xét, rồi hỏi như quát:

- Đi đâu?

Bác trả lời nhẹ nhàng:

- Tôi đi Vân Nam có việc.

Thằng sĩ quan lại hỏi:

- Đến Vân Nam làm gì?

Bác nói tiếng Trung Hoa rất là nghiêm trang:

- Bàn vấn đề thống nhất các đoàn thể ở Vân Nam với Cách mệnh đồng minh hội. Tôi đi gặp các đồng hương của tôi ở Vân Nam.

Thấy thằng sĩ quan Quốc dân đảng có ý định làm khó dễ, tôi tiến lên hai bước, chìa chứng minh thư của Quốc dân đảng ra trước mặt nó, hất hàm về phía Bác, nói dằn từng tiếng:

- Bố tôi đấy!

Thằng sĩ quan Quốc dân đảng chỉ liếc nhìn cái chứng minh thư đặc biệt đó cũng đã biết tôi là ai. Nó dập gót chào , nghe “oách”, nhường lối cho ba bác cháu tôi đi!

*

* *

Sau 11 ngày đi bộ, ngày đi đêm nghỉ, chúng tôi đến ga Bi-xi-chai.

Tối hôm đó, tôi đưa Bác vào nhà một Việt kiều, cơ sở của ta, trước làm công nhân nấu bếp cho một thằng chủ Tây ở Công ty xe lửa Vân Nam. Gia đình đồng chí công nhân này rất nghèo, buôn bán lăng nhăng kiếm sống.

Tôi giới thiệu:

- Đây là cụ Hồ(3) , một đại biểu cách mạng lão thành của ta.

Đồng chí công nhân rất vui sướng. Đồng chí hỏi:

- Từ đâu đến đây anh?

- Ở bên Quảng Tây đến - Tôi đáp.

- Ăn cơm chưa?

Tôi thật thà trả lời

- Chưa!

Đồng chí công nhân giới thiệu Bác với cả gia đình. Mọi người rất xúc động và ái ngại cho Bác đã già rồi mà còn đi vất vả như thế. Cả gia đình có cảm tình ngay với Bác.

Tối hôm đó, đồng chí công nhân làm một bữa cơm rất ngon thiết Bác và hai đứa chúng tôi.

Đến giờ sinh hoạt hàng tối, tôi báo cáo về tình hình lương khô của đoàn: Ống thịt còn đúng một nửa! Bác gật đầu bảo:

- Đi như thế là hoàn thành kế hoạch, tiết kiệm tốt. Chú phải cất cẩn thận để đến lượt về bác cháu ta dùng.

*

**

(1) Phục quốc tức Việt nam phục quốc hội, Việt cách tức Việt Nam cách mạng đồng minh hội, là hai tổ chức chính trị phản động.

(2) Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc

(3) Tên công khai của Bác trên giấy tờ khi bác giao thiệp

Bảo Thơ