Lớn lên nhờ cách mạng, (Phần 7)

Tran Huy
(Tapchivietduc.vn) - Vậy là nội dung cuốn Hồi ký “ Lớn lên nhờ cách mạng” của cố Thượng tướng Phùng Thế Tài đã đi đến đoạn kết, Tạp chí điện tử Việt – Đức tiếp tục gửi đến bạn đọc Phần 7 và cũng là phần cuối: "Lên đường chiến đấu". Cuốn hồi ký này sẽ mãi là lời tri ân sâu sắc nhất của Tạp chí điện tử Việt – Đức đến Thượng tướng. Đây cũng sẽ là cột mốc đáng nhớ kỷ niệm 10 năm ngày mất của Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam – Phùng Thế Tài.
z5100939672637-5bb08414adcf6845c94bc8d4ba908e6f-1706067836.jpg
 

LÊN ĐƯỜNG CHIẾN ĐẤU

Tháng 5 năm 1945

Tiểu đội tôi lên đường. Tiểu đội gồm 11 đồng chí du kích địa phương. Tôi là tiểu đội trưởng. Khỏi phải nói niềm vui sướng, phấn khởi của tôi khi nhận nhiệm vụ này. Thế là nguyện vọng của tôi đã đạt.

Chúng tôi đang hành quân trên đường Sóc giang (1) về Mỏ sắt (2). Xuyên rừng mà đi. Tôi đi đầu tiểu đội. Vừa ra khỏi rừng, một quả đồi hiện ra ngay trước mặt. Con mắt “tình báo viên” của tôi thấy ngay mấy khẩu súng trung liên chĩa ra chung quanh và lố nhố mấy thằng Tây.

Trông thấy trung liên, tôi thích ghê lắm. Cái món này mà trang bị cho quân ta thì phải biết! Việt Nam giải phóng hồi ở Vân nam mỗi lần quyên được tiền mua súng gửi về, chỉ có tiểu liên đã là oai lắm rồi, còn toàn súng Dóp cả. “Lại có cả mấy thằng mũi lõ tóc quăn! Hà hà, kẻ thù đây rồi!” Tôi cho anh em dừng lại, bố trí. Một mình tôi đi trinh sát, sau khi giao lại quyền chỉ huy đơn vị cho đồng chí tiểu đội phó.

Tôi thấy tất cả có 40 lính khố đỏ (trong đó có 1 viên đội và 1 viên cai), 4 thằng Tây (trong đó có 1 thằng chánh mật thám tỉnh Cao Bằng). Súng ống có 6 trung liên, 6 súng lục và 35 khẩu súng trường. Chúng bị Nhật đánh ngày 9 tháng 3, chạy tan tác, lạc vào rừng và tập hợp lại được bấy nhiêu. Chúng định chạy sang Tàu, nương náu bên đó ít lâu, chờ dịp trở về chiếm lại đồn binh! Chúng đóng quân ở trên một cao điểm, có phòng ngự, đề phòng một cuộc đánh úp của một đội quân nào đó từ ngoài vào. Tụi Tây đóng sở chỉ huy ở đỉnh đồi. Sườn đồi là lính khố đỏ. Chúng cũng biết thừa là bọn Nhật không sục vào đây làm gì, vì Nhật cũng sợ bị Việt minh đánh úp. Nhưng chúng cũng không dám xuống làng, sợ gặp Nhật dưới làng. Thành thử chúng cứ loanh quanh trong khu rừng bao la và rối như canh hẹ này. Chúng đói khát lâu ngày, râu ria đâm ra tua tủa, nhất là mấy thằng Tây. Mấy chục lính khố đỏ thì mù tịt về rừng biên giới. Thằng Tây chánh mật thám Cao bằng cũng quá thằng thong manh, chẳng biết gì hơn tụi khố đỏ. Nó khủng bố nhân dân ta thì ra trò, sục ra sục, nhưng đến khi bị bọn Nhật đánh chạy tan tác thì chui rúc vào rừng, chờ một sự may mắn hiếm có!

Tôi ăn mặc như người nùng. Tôi lân la đến chỗ thằng chánh mật thám. Thằng này xưa nay quen thói khinh bỉ người dân miền núi rồi nên khi thấy một thanh niên Nùng tự nhiên lại đến nói với nó, nó vẫy vẫy ngón tay rất đểu, nói bằng tiếng Việt rất sõi:

- Ê ê! Lại đây! Đừng sợ! Quan lớn bảo! Quan lớn cho tiền! Cho nhiều tiền!

Tôi nóng gáy định lia cho nó một phát vào mồm, cho vỡ nát cái mồm quen nói láo! Nhưng để xem thế nào đã. Tôi nghĩ đến 6 khẩu súng trung liên, nghĩ đến quân số chúng đông hơn mình và có thể thiện chiến hơn cả anh em du kích, tôi lại sờ tay lên trán. Đó là thói quen của tôi khi phải suy nghĩ. “Chú ở với Quốc dân đảng nên ngang bướng và nóng nảy...”. Bác Hồ đã bảo tôi như vậy. Cũng may mà Bác không ở đây để nhìn thấy cái thằng Tài này đang sắp sửa làm một việc không đúng...

Tôi làm ra bộ ngây ngô. Thằng Tây chánh mật thám vẫy lại:

- Lại đây! Đây!... Nói cho quan lớn biết đường sang Tàu...

Tôi làm ra bộ hiểu ý nó nói, gật đầu luôn. Tôi trỏ tay ra bốn phía, nhằm những con đường lớn dẫn lên biên giới, những con đường tôi biết đều có quân Nhật đóng cả rồi. Thằng Tây lắc đầu lịa lịa. Trong bước đường cùng, nó đành thú thật với tôi là nó chỉ biết những con đường lớn, những con đường chính thôi. Mà những con đường chính nó biết thì đều bị Nhật chặn cả rồi. Chúng nó muốn chạy sang cả Tàu, nhưng không biết đường nhỏ.

Tôi bảo nó:

- Muốn ra biên giới à? Chờ đấy! Tôi vừa ở biên giới về.

Mấy thằng Tây nhìn tôi, không nghi ngờ gì cả, “ mét-xi” (3) luôn miệng. Chúng nó hứa thưởng cho tôi tiền và đồng hồ. Nghe những lời trịch thượng kiểu quan cai trị của nó, tôi cứ phải dằn lòng xuống. Cái tính nóng nảy của tôi cứ rinh rinh bật ra. Tôi muốn chửi vào mặt chúng nó: “Tiên sư chúng mày! Cà cuống chết đến đít còn cay! Tao sẽ cho chúng mày ra biên giới bằng đường…âm phủ!”

Viên đội cũng đứng gần đấy. Tôi gọi viên đội đi ra một chỗ. Viên đội này vào loại lính già, tuổi cũng phải đến hơn bốn chục cái xuân xanh. “Hắn có lẽ đi lính từ cái hồi đại chiến 14-18 (4)”, tôi nghĩ thế. Tôi bảo hắn:

- Các anh cứ ở đây! Tôi đi lấy nước cho các anh uống!

Tôi bảo thế để gây cảm tình và lấy cớ quay về bàn bạc với anh em trong tiểu đội. Tôi nghĩ bụng: “Hỏa lực của chúng mạnh hơn mình gấp bội. Nếu mình đương đầu bằng sức lực thì lực lượng mình sứt mẻ ngay. Mình phải loại bọn lính khố đỏ ra ngoài vòng chiến mới được”.

Anh em trong tiểu đội thấy tôi về mồ hôi mồ kê ướt đẫm cả áo, xúm vào hỏi chuyện. Tôi nói lại tỉ mỉ tình hình và dự kiến tiến đánh bọn này của tôi. Một đồng chí du kích tán thành ngay:

- Bọn chúng không có tinh thần chiến đấu đâu. Đánh đi!

Có một đồng chí giơ tay ngăn lại:

- Không được! Làm thế là sai chủ trương của ta. Trái với sách lược đấy! Học rồi mà còn làm sai à?

Anh em chủ chiến – trong đó có tôi – như bị một gáo nước nóng giội vào đầu (vì lúc ấy đang là mùa hè). Tôi cũng chột dạ: không ngờ trong tiểu đội lại có một tay “chính trị cừ”. Đồng chí ấy nói tiếp:

- Ta còn có chủ trương hợp tác với nó để đánh Nhật. Nếu nó chịu…sao các đồng chí lại định…

Tôi cáu tiết, cắt ngang:

- Không hợp tác hợp tiếc gì cả! Tôi chủ trương đánh bỏ mẹ nó đi! Các đồng chí không thấy chúng nó đã giết bao nhiêu đồng bào đồng chí chúng ta rồi ư? Phong trào cánh mạng bao nhiêu lần bị xẹp xuống, có lúc đến tan vỡ cũng vì có những thằng Tây đồn và Tây mật thám này. – Tôi dằn mạnh. – Chúng nó là kẻ thù của chúng ta! Không thể đội trời chung được!

Phần lớn anh em tán thành ý kiến của tôi, vì anh em nào cũng đều có bà con bị Tây, Nhật khủng bố cả. Tôi bàn với tiểu đội:

- Để cho nó chạy thì tiếc lắm, các đồng chí ạ! Phải tiêu diệt chúng nó mà chiếm số súng hiếm có này! Muốn thế, trước tiên phải khử bốn thằng Tây! Để chúng nó dễ sinh chuyện. Sức đề kháng của bọn khố đỏ là ở mấy thằng thực dân này…

Tôi trình bày kế hoạch tiến đánh. Anh em đồng ý để tôi đi một mình vào trận địa địch, anh em sẽ bố trí ngoài, đề phòng bất trắc xảy ra. Bàn xong, ra đi. Lúc này trán tôi đã bớt nóng, lòng bình tĩnh trở lại. Nghĩ đến ý kiến của đồng chí nói về sách lược, tôi không khỏi đắn đo… À, nếu vậy thì ta thuyết hàng trước đã. Yên tâm hơn, tôi mạnh bước…

Nắng hè giội lửa xuống quả đồi.

Tôi phanh vạt áo Nùng ra, để hở cả nửa ngực mà vẫn còn cảm thấy cái nóng thấm vào da vào thịt, phát ngốt lên. Tôi nghĩ đến “bọn nó” chúng nó đồn từ mồng 9 tháng 3, vào cái lúc còn rét, còn phải mặc quần áo dạ. Bây giờ mà phải đóng bộ ấy thì bằng đốt lửa trong người, quần áo hôi bằng chuột chù. Nước suối mát lịm tôi đem đến là món quà quý cho cả đội quân nửa người nửa ngợm này.

Tôi lại gọi viên đội ra một chỗ. Tôi bảo hắn ta:

- Tình hình này mà các anh còn theo Tây chạy ra Tàu à?... Sao không quay về với Việt minh mà đánh Nhật?

Hắn nhìn tôi bằng đôi mắt lạ lùng. Chắc hẳn không ngờ là tôi có thể nói như thế. Thấy tôi trẻ măng, lại đi đứng đàng hoàng, hiên ngang, không còn cái vẻ ngây ngô như lúc nãy, hắn chợt hiểu. Hắn khúm núm:

- Thưa quan, chúng cháu cũng muốn về, nhưng bị nó bắt buộc phải đi. Quan có cách gì giúp cháu không ạ?

Tôi nhìn chằm chằm vào mặt hắn, làm hắn không dám nhìn tôi lắm. Tôi nói rành rọt:

- Nếu các anh thật tâm, chúng tôi sẽ tiêu diệt mấy thằng tây này. Chúng tôi sẽ bảo đảm cho các anh về với vợ với con, nếu các anh không muốn đi theo chúng tôi.

Đội Liên nói, giọng cảm động (Liên là tên hắn ta):

- Chúng con thật tình không đi theo Tây.

Thấy viên đội cứ gọi tôi bằng “quan” và xưng “chúng con”, tôi thấy ngượng quá. Tôi bảo hắn ta, không quá cứng rắn nữa:

- Không nên gọi tôi là “quan” và xưng “con” nữa! Cứ gọi tôi là cán bộ.

Đội Liên nhìn tôi, rồi cúi xuống:

- Vâng! Thưa cán bộ, vâng!

Không để cho viên đội kịp suy nghĩ về tôi, tôi bắt đầu tiến công:

- Nếu anh thật tâm, cho tôi mượn khẩu trung liên và hai băng đạn.

Đội Liên vừa quay đi được mấy bước, tôi đã gọi giật lại. Đội Liên sợ tái mặt. Tôi hỏi:

- Chúng nó có bản đồ không ?

- Dạ có!...Có ạ! – Viên đội trả lời, giọng run run.

Biết hắn sợ, tôi nói ngay:

- Anh cứ yên trí! Đi lấy cho tôi mượn! – Tôi trỏ về phía gốc cây, cách chỗ bọn Tây ngồi khoảng năm chục mét. – Anh mang trung liên ra đấy!

Đội Liên đi rồi, tôi “tập trung” bốn thằng Tây lại một chỗ. Bọn này đã được uống nước no nê , lại thấy tôi nhận đưa đường nên tin ngay. Tôi bảo chúng nó giở bản đồ ra. Mấy cái đầu thực dân chụm cả lại, ghé mắt cố nhìn vào những chấm đen và vòng “ba sắc” (5) trên bản đồ quân sự. Tôi dùng những ngón tay giữa gi từng điểm một trên bản đồ, tự đặt ra Nhật đóng quân chỗ này chỗ nọ. Mấy thằng Tây hốt quá. Một thằng ngẩng lên nhìn tôi, ngơ ngác:

- Níp-pông tú(6)?

Tôi gật đầu bảo:

- Ừ! Chứ sao! – Gia-păng (7) … tuốt…tuốt!

Rồi tôi xòe bàn tay đặt lên những chỗ tôi vừa chỉ, nói như ra lệnh:

- Nghiên cứu đi!...Tôi đi lấy người dẫn các ông đi!

Chúng nó lại châu đầu vào, xì xồ nói tiếng Tây với nhau, cốt không cho tôi hiểu được chúng nói gì.

Tôi ra gốc cây, nơi hẹn viên đội: khẩu trung liên đã sẵn sàng ở đấy. Đội Liên đang đợi tôi có ý sốt ruột. Tôi hỏi hắn cách bắn trung liên. Đội Liên chỉ dẫn cho tôi rất tỉ mỉ. Thạo rồi, tôi đứng phắt dậy, nói to về phía bọn Tây:

- Các anh thua trận rồi! Hàng đi, theo Việt minh chúng tôi thì sẽ bảo toàn tính mệnh. Không thì…

Mới nói đến đây, tôi thấy bọn Tây chạy túa ra chỗ đặt súng, lên đạn lạch xạch định kháng cự. Không thể trù trừ nữa, tôi nằm rạp xuống, nghiến răng, bóp cò…súng nổ liên hồi…làm thật gọn, hết nhẵn bọn Tây ngoan cố. Nghe tiếng súng trung liên nổ giòn giã, bọn lính khố đỏ đứng ngồi chung quanh nhổm cả dậy. Tôi huơ súng, thét lớn:

- Tất cả đứng im tại chỗ! Không ai được nhúc nhích!

Bọn lính mất tinh thần chiến đấu từ ngày bị Nhật đánh chạy tan tác, nay lại thấy bọn sĩ quan chỉ huy chết thẳng cẳng trên đồi thì rụng rời cả chân tay. Trong lúc đó, tiểu đội tôi, ào ào xông lên…

Tôi tập trung bọn lính khố đỏ lại, còn anh em trong tiểu đội thì đi khám xét từng thằng Tây một. Chúng tôi thu được hơn năm trăm đồng tiền Đông dương, bốn cái đồng hồ và mấy trăm tấm bản đồ khu Cao bằng, Sóc giang. Thì ra bọn chúng đã chuẩn bị sẵn sàng các thứ để vượt biên giới nhưng vì tinh thần quá bạc nhược nên nằm “chờ sung” ở quả đồi chết tiệt này! Tôi tập trung số súng trường lại, bó thành từng bó. Súng lục, tôi giao cho các đồng chí du kích tạm đeo. Trung liên thì hai người giữ một khẩu. Sau đó chúng tôi phải làm hai việc thật khẩn trương. Chúng tôi phân công cho một vài anh du kích cất tụi đã chết. Số anh em còn lại giữ súng và chiến lợi phẩm.

Tôi tập hợp tất cả bốn chục lính khố đỏ lại, nói cho họ hiểu rõ chính sách của của Mặt trận Việt minh đấu tranh chống phát xít Nhật, giành độc lập. Tôi nói tiếp:

- Anh em phải đi lính cho Tây, một phần vì bị bắt buộc, một phần vì sinh kế. Gia đình các anh ở quê hương cũng sống nheo nhóc, khổ cực…Thằng Tây đã chạy dài trước bọn Nhật. Chúng nó lại còn muốn bắt các anh bỏ nước, bỏ nhà cùng với chúng chạy sang Tàu. Thật là dã man hết sức. Chúng nó muốn các anh phải làm tôi tớ cho chúng, chết cho túi tham của chúng…Các anh cũng như chúng tôi đều là người Việt nam cả. Chúng ta phải đoàn kết nhau lại mà đánh đuổi kẻ thù chung. Giờ, Việt nam ta đã có tổ chức quân đội đánh Nhật. Anh em ở lại cùng với chúng tôi tham gia đánh Nhật, chúng tôi rất hoan nghênh. Ai muốn về gia đình, chúng tôi cũng hoan nghênh…

Tôi dừng lại. Thật tôi cũng không ngờ hôm nay mình lại nói hăng thế. Trong bọn họ có tiếng xì xào, hình như bàn nhau về chính sách của Mặt trận Việt minh và cử chỉ đại lượng của du kích quân Việt minh. Tôi lại nói to, to hơn lúc nãy:

- Bây giờ biểu quyết!... Ai muốn về gia đình thì giơ tay!

Những cánh tay rụt rè giơ lên. Mặt họ nhìn tôi như sờ sợ. Tôi nhắc lại:

- Ai muốn về gia đình, không muốn ở lại với chúng tôi, cứ thẳng thắn giơ tay! Không sợ gì cả! Việt minh nói một là một, hai là hai. Việt minh không nói dối ai bao giờ, không đánh lừa ai bao giờ!

Khoảng 15 người giơ tay xin về, còn thì tình nguyện ở lại.

Số xin về đều quê Hải dương, Thái bình, Nam định. Họ xa đồng bằng, lên ở rừng núi không quen. Chúng tôi cấp cho mỗi người mười đồng làm tiền ăn đường từ đây về đến quê quán. Tôi nó rõ thêm về chính sách khoan hồng và chính sách đoàn kết của Mặt trận. Anh em lính khố đỏ đều cảm động. Có người cầm tiền mà nước mắt rưng rưng. Viên đội xin về quê làm ăn, còn viên cai thì xin ở lại (anh này còn trẻ, sau này làm đến tiểu đoàn trưởng của ta).

Người xin về quê làm ăn đã ra đi.

Tiểu đội du kích của chúng tôi thêm người: đó là 25 anh lính mới vừa tự nguyện đứng trong hàng ngũ cách mạng. Chúng tôi tổ chức thành một trung đội. Súng kíp, chúng tôi trang bị du kích Mỏ sắt. Rồi tất cả hành quân về Nước hai.

Tổng bộ Việt minh đóng ở Nước hai. Tôi gặp đồng chí Vũ Anh là đại biểu của tổng bộ ở ngay đây. Tôi giao số người, súng và tài sản lấy được của giặc Pháp cho tổng bộ Việt minh và báo cáo lại sự việc.

Nghe xong, đồng chi Vũ Anh nghiêm sắc mặt bảo tôi:

- Tại sao chú lại đánh nó? Trước khi đánh, chú có xin chỉ thị không?

Tôi cãi:

- Có ai đâu mà xin! Thấy Tây là tôi… nện!

- Chú có biết sách lược của mình lúc này là đoàn kết đánh Nhật không?

Tôi giở bướng:

- Đoàn kết với ai thì được, chứ đoàn kết với Tây thì chỉ…nện, nó mới chịu thôi!

Đồng chí Vũ Anh cũng phải cười:

- Chú làm thế, tinh thần thì tốt nhưng… chú là chúa tự do!

Tôi hỏi lại:

- Như thế căn bản là ưu điểm?

Đồng chí Vũ Anh nghiêm nghị:

- Ừ, căn bản sẽ là… khuyết điểm, nếu vừa rồi Tổng đội không nhận được báo cáo của địa phương nói bọn này là những tên khét tiếng gian ác và ngoan cố, đến phút cuối cùng còn có những hành động phá hoại cách mạng… Nhưng chú phải cẩn thận từ đây về sau. Nghe không?

Nghe đồng chí Vũ Anh nói, tôi mừng không để đâu cho hết. Lát sau, tôi nói với đồng chí Vũ Anh, như em út tâm sự với người anh cả:

- Đảng và đoàn thể bảo là diệt Tây! Em ghét Tây là em nện thôi…

Từ ngày ấy đến nay, thấm thoắt đã hai mươi nhăm năm trời! Nghĩ lại thời kỳ tuổi trẻ liều lĩnh của mình, tôi không khỏi buồn cười cho cái anh chàng Hữu Tài… gà tồ kia. Anh ta đúng là còn nhom nhem thật. Anh ta mới chỉ có cái hăng say của tuổi trẻ mà chưa có cái chín chắn, già dặn của một đảng viên cộng sản. Anh ta say mê đánh Tây hơn là thích học tập chính trị bên một lãnh tụ cộng sản quốc tế. Anh ta chỉ nhìn thấy cái trước mắt mà không nhìn thấy cái lâu dài.

Từ đó, từ sau khi anh ta từ giã lãnh tụ mà anh ta nói rằng bố đẻ ra anh cũng không yêu thương anh bằng Người, đi làm công tác, đi chiến đấu, mỗi khi gặp khó khăn, anh ta cứ tiếc mãi cái thời kỳ ở với lãnh tụ ít quá, ngắn quá! Và cái mà anh ta không thích trước kia, những lúc ấy anh ta mới thấy thật là vô cùng cần thiết. Có cái đó, học tập chính trị và có lập trường quan điểm của giai cấp công nhân - cái yêu và cái ghét mới có cơ sở vững chắc.

Anh ta không quên những ngày cực khổ ở quê nhà khi đất nước còn bị thực dân Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến thống trị.

Anh ta cũng không quên những ngày lang bạt trên đất Côn Minh để tìm lấy một cuộc đời lao động trong sạch khi mới có mười ba tuổi đầu…

Anh ta nhớ như in người cộng sản đã ra tay đỡ lấy bé Nghĩa và dẫn dắt đi vào con đường cách mạng. Và, rồi anh ta trở thành một thanh niên công nhân, một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương…

Là chiến sĩ cận vệ của Bác Hồ những năm Bác còn hoạt động bí mật, ngày hôm nay anh ta lại cùng đơn bị bảo vệ bầu trời miền Bắc.

Các em thấy không? Bầu trời miền Bắc trong xanh và đẹp lắm, nhất là trong những ngày tháng Năm này. Dưới bầu trời trong xanh đó, Bác Hồ của chúng ta đã suốt đời làm việc cho ấm no và hạnh phúc của toàn dân. Anh ta và cả đơn vị vừa xây dựng vừa chiến đấu, cùng với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã giáng trả bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai những đòn đích đáng: hơn 3000 máy bay giặc Mỹ đã bị bắn rơi trên miền Bắc…

Ngày 19 tháng 5 năm 1967 – anh nhớ lắm – giặc Mỹ xâm lược trắng trợn cho máy bay hai lần ném bom,

Tại thành Hà nội, thủ đô ta, gây thêm nhiều tội ác cực kì man rợn đối với nhân dân Việt nam. Sôi sục căm thù giặc Mỹ xâm lược nêu cao truyền thống anh hùng của thủ đô Hà nội, thi đua lập thành tích Hồ Chủ tịch, các chiến sỹ không quân, bộ đội tên lửa và pháo cao xạ ta phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và đồng bào thủ đô đã chiến đấu dũng cảm, nổ súng mãnh liệt, trừng trị đích đáng giặc Mỹ, bắn rơi 10 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều chiếc rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc Mỹ lái máy bay. Anh đã được Bác Hồ thưởng huy hiệu của Người. Đây là chiếc huy hiệu thứ hai. (Chiếc thứ nhất anh được Bác thưởng năm 1953, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.) Anh phấn khởi lắm. Anh mang trong tim hình ảnh của Người, sự chăm sóc đặc biệt của Người. Đó là điều vinh dự nhất từ sau lần anh được đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản Đông dương, tiền thân của Đảng lao động Việt nam ngày nay. Các anh biết rằng bảo vệ bầu trời là bảo vệ Trung ương Đảng, bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần giải phóng miền Nam, tiến lên thống nhất Tổ quốc.

Tuy không đi sát bên Bác như những ngày xưa, anh và cả đơn vị của anh vẫn là những chiến sĩ cận vệ của Bác Hồ.

1965-1970

Những ngày tháng năm lịch sử

(1) (2) Thuộc tỉnh Cao Bằng

(3) Cảm ơn

(4) Chiến tranh thế giới lần thứ nhất ( 1914 – 1918 )

(5) Cờ ba màu của Pháp ta thường gọi là cờ tam tài

(6) Nhật tất cả à ?

(7) Cũng có nghĩa là Nhật

Bảo Thơ