19 đơn vị và tổ chức đoạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024

Nguyễn Ánh Hiền
Chiều 3/12, đã diễn ra Lễ công bố và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024. Đà Nẵng giữ vị trí tiên phong trong xây dựng thành phố thông minh.

Tôn vinh những địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tiên phong

Chiều 3/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ công bố và trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 (diễn ra trong 2 ngày 2 - 3/12 tại Hà Nội).

19 đơn vị và tổ chức đạt giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2024​​​​​​

Các tỉnh, thành phố nhận giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024. Ảnh: Q.N

Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Đô thị hóa đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Việt Nam đang vươn mình trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà quản lý đang định hướng: Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; số lượng đô thị từ 1.000 - 1.200 đô thị. Đến năm 2045, hệ thống đô thị có mức liên kết, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng cao và đặc biệt là xanh, hiện đại, thông minh.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ, giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 2020 và được định vị là hoạt động thường niên của VINASA, nhằm tôn vinh những địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tiên phong, tiêu biểu trong hành trình xây dựng đô thị thông minh.

Qua đó, góp phần ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp / tổ chức… trên cả nước trong công tác xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.

Năm 2024, giải thưởng đã nhận được 70 đề cử. Sau các vòng sơ tuyển, thuyết trình thẩm định và chung tuyển, Hội đồng Giám khảo do tiến sỹ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ là chủ tịch, đã quyết định trao 19 giải thưởng Smart City Việt Nam lần thứ 5, bao gồm: 10 đề cử từ các thành phố; 9 giải pháp công nghệ. Hội đồng cũng quyết định khen thưởng nỗ lực phát triển của 1 thành phố.

Đánh giá chung về các đề cử tham gia năm nay, Ban tổ chức nhận thấy, các tỉnh triển khai tốt đô thị thông minh qua mỗi năm đều có sự tiến bộ, có sự thay đổi rõ rệt như TP. Đà Nẵng, TP. Thủ Đức, TP. Tây Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Trong đó, Đà Nẵng luôn giữ vững vị trí tiên phong trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh, tích cực, chủ động tham gia giải thưởng từ năm đầu tổ chức.

TS. Nguyễn Quân cho biết, năm nay các đề cử có chất lượng tốt, hội đồng sơ tuyển đã lựa chọn và bình chọn các đề cử rất xứng đáng. Ban tổ chức đã có những điều chỉnh kịp thời, đưa thêm tiêu chí “xanh” vào chương trình để phù hợp với mục tiêu kép của công cuộc Chuyển đổi số quốc gia - “Số đi cùng xanh”. Các đề cử đều được đánh giá dựa trên các tiêu chí toàn diện: Thông minh - Bền vững - Đổi mới sáng tạo.

Quá trình chuyển đổi số, thông minh hóa của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên; trong những năm tới Ban tổ chức sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chí, sức lan tỏa và giá trị của giải thưởng, để các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… có thể thấy rõ hơn “sức nóng” của lĩnh vực thành phố thông minh và hào hứng tham gia với nhiều thành tựu nổi bật hơn nữa.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thông minh hóa đô thị

Năm nay, các thành phố đoạt giải đã mang đến những bước tiến vượt bậc như: TP. Hà Nội được ghi nhận về sự tiên phong đổi mới dịch vụ công và hạ tầng thông minh với danh hiệu Thành phố dịch vụ công thông minh; Thành phố hạ tầng thông minh.

19 đơn vị và tổ chức đạt giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2024
Nhóm các giải pháp công nghệ được vinh danh tại giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024. Ảnh: Q.N

Hà Nội đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố, đạt 99,99%. Mạng di động 4G và hạ tầng cáp quang đã triển khai đến 100% tại các xã/phường/thị trấn; tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 90%; số thuê bao di động là băng rộng đạt tỷ lệ 121%. Về 5G, dự kiến đến hết năm 2024 các doanh nghiệp triển khai lắp đặt khoảng 2.000 trạm 5G trên địa bàn Hà Nội.

TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế năng động của cả nước và TP. Thủ Đức, TP. Tây Ninh là những “ngôi sao đang lên” được vinh danh tại hạng mục: Thành phố điều hành, quản lý thông minh (IOC).

Đây là các thành phố đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái đô thị thông minh, khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phục vụ mọi mặt đời sống cho hơn 11 triệu dân cư.

Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị thực thi trên các nền tảng số, giúp các cơ quan nhà nước quản trị và vận hành dựa trên dữ liệu như nền tảng số giải quyết thủ tục hành chính với 100% thủ tục hành chính được số hóa và cung cấp trực tuyến; nền tảng giải quyết kiến nghị người dân, doanh nghiệp qua cổng 1022.

Hay, nền tảng lắng nghe mạng xã hội đến các nền tảng lĩnh vực chuyên ngành như y tế với hồ sơ sức khỏe điện tử, giáo dục với Hệ thống Tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; giao thông như giám sát giao thông, điều khiển tín hiệu đèn, hỗ trợ xử lý vi phạm; nền tảng bản đồ số thành phố và tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hệ thống quản trị, thực thi số đã giúp thành phố quản trị, điều hành tốt hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

TP. Cao Lãnh trong năm đầu tiên tham gia giải thưởng đã đạt danh hiệu Thành phố giáo dục thông minh khi triển khai thành công Nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; trên 80% cuộc họp của phòng giáo dục và đào tạo với các cơ sở giáo dục được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến.

TP. Đà Nẵng một lần nữa khẳng định danh hiệu Thành phố đáng sống, đáng đến của thế giới đã nhận danh hiệu Thành phố điều hành, quản lý thông minh (IOC); Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch

Không chỉ dẫn đầu trong việc quản lý và điều hành thông minh với Trung tâm IOC với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cao nhất cả nước đạt 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%); Đà Nẵng còn là hình mẫu trong quản lý mội trường thông minh với 36 trạm quan trắc kết nối trực tiếp đến thiết bị di động, hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 33.700 m3/ngày đêm.

Trong đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp với gần 9.000 doanh nghiệp mới thành lập từ 2022 - 2023; tổ chức thành công Hội thảo quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng năm 2024 - DAVAS 2024, thu hút 30 dự án tham gia gọi vốn và kết nối 1:1 với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.

Đặc biệt, TP. Đà Nẵng cũng vinh dự nhận giải thưởng cao nhất giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024. Giải thưởng là kết quả nghiên cứu, phát triển tiến bộ không ngừng nghỉ của Ban lãnh đạo thành phố, thể hiện qua các thành tựu xuyên suốt lịch sử phát triển công nghệ thông tin của địa phương: 3 lần nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam vinh danh (năm 2020, 2022 và 2023); được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”, được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá là một trong những địa phương có đóng góp nổi bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024 cũng diễn ra Lễ trao giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture) - Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho các sinh viên và Triển lãm bên lề các giải pháp cho thành phố thông minh.