Ấn Độ muốn trở thành cường quốc bán dẫn toàn cầu; Trung Quốc phát minh thiết bị sản xuất hydro

Tran Huy
Giới chức Ấn Độ cho biết, nước này có tham vọng trở thành một trong 5 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới trong 5 năm tới.

Ấn Độ muốn trở thành cường quốc bán dẫn toàn cầu

Theo Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, ngành công nghiệp sản xuất chip là một thị trường rất phức tạp và ngay cả chuỗi giá trị toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu cũng cực kỳ phức tạp trong bối cảnh hiện nay. “Ấn Độ sẽ lọt vào top 5 nước sản xuất chất bán dẫn của thế giới trong 5 năm tới”, ông Vaishnaw nhấn mạnh.

An Do
Ấn Độ muốn có tên trong 5 cường quốc bán dẫn hàng đầu thế giới trong 5 năm tới. Ảnh: Shutterstock

Bên cạnh đó, ông Vaishnaw khẳng định Ấn Độ là “đối tác có chuỗi giá trị đáng tin cậy” đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử, trong đó có cả điện tử công nghiệp và quốc phòng, do hầu hết các lĩnh vực sản xuất này đều phải cần tới tới chất bán dẫn. “Chính phủ Ấn Độ hiện đang có kế hoạch đầu tư 21 tỷ USD cho ngành công nghiệp này”, Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ nói.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dự lễ khánh thành 3 nhà máy bán dẫn, trong đó có một nhà máy liên doanh giữa Tata Electronics và Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Powerchip của Đài Loan (Trung Quốc).

Hôm 14/3, tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Qualcomm của Mỹ đã khai trương một trung tâm thiết kế chip mới tại thành phố Chennai (Ấn Độ).

Vào tháng 11/2023, tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) công bố kế hoạch đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu hoạt động của tập đoàn. Chủ tịch Foxconn Young Liu khẳng định, với quy mô thị trường tiềm năng, thì khoản đầu tư vài tỷ USD của công ty vào Ấn Độ mới chỉ là bước khởi đầu.

Trung Quốc phát minh thiết bị sản xuất hydro

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa chế tạo một bộ màng và điện cực trao đổi ion hiệu suất cao lắp đặt tại các cửa sông để thu năng lượng thẩm thấu và thúc đẩy sản xuất hydro.

Theo nghiên cứu, thiết bị tích hợp này cho thấy tốc độ tạo ra hydro kiềm nhanh chóng và ổn định trong hơn 12 ngày dưới độ mặn nhân tạo.

Các nhà nghiên cứu cho hay, phát minh này mở ra lộ trình sản xuất hydro thông qua các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai. Hydro là nhiên liệu sạch được kỳ vọng là giải pháp đầy hứa hẹn nhằm giảm lượng khí thải carbon trong ngành năng lượng, hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2023, tập đoàn Sinopec thông báo dự án sản xuất hydro dựa trên quang điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc chính thức được đưa vào hoạt động.

Dự án hydro này là một phần trong sứ mệnh to lớn hơn của Sinopec để đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030, đạt mức trung hoà carbon vào năm 2050. Mục tiêu này sớm hơn 10 so với mốc 2060 của chính phủ Trung Quốc. Cơ sở hydro mới dự kiến giảm 485.000 tấn khí carbon dioxide/năm, đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực cắt giảm khí thải của Trung Quốc.

Thanh Bình