Cùng với đó, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp để xóa bỏ các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt.
Theo Thượng tá Vũ Sỹ Chính, cán bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), thực hiện kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), từ ngày 15-8 đến 31-12-2024, lực lượng chức năng tổ chức ra quân xử lý vi phạm trên toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam, đồng thời tích cực tuyên truyền về ATGT cho người dân sinh sống dọc tuyến đường sắt.
Tại Hà Nội, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) và Công an huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp cùng Cục CSGT tổ chức tuyên truyền quy định về ATGT đường sắt cho người dân. Để đạt hiệu quả tuyên truyền, Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đã hoàn thiện, làm mới tờ rơi với nội dung thiết thực, phù hợp thực tiễn, trong đó nhấn mạnh việc cần thiết phải tuân thủ các quy định về hành lang an toàn đường sắt, phòng tránh tai nạn...
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân bảo đảm hành lang an toàn đường sắt. |
Trung tá Trần Minh Kiên, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị không chỉ phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền cho người dân sinh sống dọc đường sắt Bắc-Nam mà còn tổ chức tuyên truyền cho học sinh tại các trường học trên địa bàn, nơi có lối đi giao cắt với đường sắt.
Đại úy Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Công an thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, qua khảo sát, trên địa bàn có hàng chục đường ngang giao cắt với đường sắt Bắc-Nam. Đơn vị đã đề xuất bịt 9 lối đi do người dân tự mở, thiếu các thiết bị cảnh báo. Trên tuyến đường sắt Bắc-Nam qua địa bàn huyện Thanh Trì, tổ công tác liên ngành cũng đã ra quân kiểm tra, lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm về mua, bán hàng hóa hoặc họp chợ trên đường sắt.
Cục CSGT thống kê, với khoảng 40km đường sắt qua địa bàn Hà Nội thì có khoảng 1.000 lối đi giao cắt với đường sắt, chủ yếu qua khu dân cư, giao cắt với các tuyến quốc lộ, đường nội đô, đường liên huyện... Trong đó, “điểm đen” hay xảy ra tai nạn giao thông hoặc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đều là những đoạn đường chạy qua khu dân cư đông đúc. Ngành đường sắt đã bàn giao hồ sơ các lối đi ngang, đi tắt cho địa phương quản lý.
Với các lối đi tự mở có bề rộng hơn 3m, đi qua khu dân cư, đã được yêu cầu lắp cảnh báo. Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, cảnh báo, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương để ứng trực và tổ chức tập huấn cho nhân viên ngành đường sắt cũng như người dân về các biện pháp phòng ngừa tai nạn, rủi ro khi tham gia giao thông.