Hình ảnh ung thư tế bào hắc tố khi chụp phân tích bằng Dermoscopy. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp Ung thư tế bào hắc tố. Khi đến bệnh viện, người bệnh nhân có tổn thương dát tăng sắc tố vùng lòng bàn chân phải, không loét, không đau. Tổn thương này đã xuất hiện từ 10 năm trước, nhưng khoảng một năm gần đây tổn thương màu đen tăng dần về kích thước nên đã đến bệnh viện để khám.
Bệnh nhân được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm máu, siêu âm, chụp dermoscopy-một xét nghiệm đặc thù trong chuyên ngành Da liễu để có thể phát hiện sớm những dấu hiệu ung thư da. Sau quá trình khám và xét nghiệm, bác sĩ đã chẩn đoán sơ bộ theo dõi ung thư tế bào hắc tố ở da (Malignant melanoma-MM) gan bàn chân phải. Các bác sĩ cũng chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ khối ung thư và xét nghiệm mô bệnh học nhằm xác định chính xác mức độ xâm lấn, giai đoạn bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và kịp thời, giảm tỷ lệ di căn gần hay di căn xa của bệnh ung thư tế bào hắc tố.
Sau khi thực hiện sinh thiết toàn bộ tổn thương có kết quả, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật xử lý khối ung thư hắc tố lòng bàn chân phải, cắt rộng thêm 1 cm, tạo hình khuyết sau cắt ung thư bằng ghép da dầy vùng lòng bàn chân, sinh thiết hạch gác. Sau phẫu thuật 7 ngày da ghép liền thương tốt, hạch gác sinh thiết được là hạch viêm lành tính. Như vậy bệnh nhân này được chẩn đoán là Ung thư tế bào hắc tố T1aN0M0, giai đoạn 1A và sau phẫu thuật không cần điều trị bổ trợ (như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp đích), chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ trong 5 năm tiếp theo.
Các bác sĩ cho biết, đối với tổn thương ung thư hắc tố của da nếu được phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì cho kết quả tốt, giảm tỷ lệ di căn xa và tỷ lệ sống 5 năm rất cao.
Các dấu hiệu ban đầu của ung thư tế bào hắc tố có thể khá đa dạng. Trong thực tế, bệnh nhân có thể áp dụng quy tắc ABCDE để nhận biết những dấu hiệu sớm của ung thư tế bào hắc tố, để kiểm tra các tổn thương bất thường trên cơ thể. A (Asymmetry-Bất đối xứng): nốt ruồi hoặc vết tăng sắc tố không có hình dạng đối xứng; B (Border-Bờ tổn thương): bờ tổn thương không đều, lởm chởm hoặc mờ; C (Color-Màu sắc): màu sắc không đều, có thể bao gồm nhiều màu sắc khác nhau như đen, nâu và thậm chí đỏ hoặc xanh; D (Diameter-Đường kính): Đường kính lớn hơn 6 mm; E (Evolving-Tiến triển): tổn thương thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc theo thời gian.
Nếu tổn thương có một trong các đặc điểm trên cần đến khám ngay tại bệnh viện chuyên khoa để kịp thời chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ.