Phụ nữ dân tộc Dao thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn giới thiệu các sản phẩm cho du khách. (Ảnh HƯƠNG LIỄU) |
Áp lực từ cuộc sống hiện đại đã đe dọa nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Tuy nhiên, với nhiều người trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn, truyền thống văn hóa vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đang nỗ lực bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào Dao nơi đây.
Nỗ lực bảo tồn
Nói về độ đẹp, màu sắc và sự cầu kỳ thì khó có trang phục dân tộc nào vượt qua được trang phục của những phụ nữ dân tộc Dao. Ở Bản Cuôn cũng vậy, để hoàn thành một bộ trang phục phụ nữ Dao Đỏ phải mất gần một năm. Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong các công đoạn đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao Đỏ không lẫn với các dân tộc khác.
Chị Triệu Thị Sỉnh, Tổ trưởng tổ hợp tác phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp Bản Cuôn cho biết: "Từ nhỏ, chị em trong bản đã được các bà, các mẹ truyền lại nghề dệt, thêu, trang trí trang phục. Thấu hiểu giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc mình cần được trao truyền, lưu giữ, chúng tôi thành lập Tổ hợp tác, vận động, tập hợp chị em cùng duy trì, phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Từ bảy thành viên ban đầu, nay đã có 24 chị tham gia".
Không chỉ là trang phục, Tổ hợp tác thêu đã phát triển, đưa những hoa văn thêu truyền thống lên các sản phẩm, như: ví, túi, khăn, mũ, áo, vỏ gối trên vải tràm, thổ cẩm... Cứ thế từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm người Dao Đỏ được gìn giữ, những sắc màu thổ cẩm dần được hồi sinh.
Năm 2022, "Bộ sản phẩm thêu hoa văn trên gối, túi, khăn, mũ" của Tổ hợp tác đã đoạt giải nhì tại Hội thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch của huyện. Tác phẩm "Khăn dài ATK Chợ Đồn" đoạt Giải nhì Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Bắc Kạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn tổ chức.
Theo Phòng Văn hóa huyện Chợ Đồn, nhờ nỗ lực của những người trẻ như chị em ở Bản Cuôn mà người Dao Đỏ ở xã Ngọc Phái đã vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về "Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Những tín hiệu vui từ việc gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Chị Phạm Thị Tươi, Đội văn nghệ truyền thống thôn Bản Bung, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) chia sẻ, hát Páo Dung là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao nơi đây.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, thôn đã thành lập đội văn nghệ truyền thống. Hát Páo Dung nhờ đó được bảo tồn. Sau khi thành lập, đội đã đi biểu diễn tại phố đi bộ Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn). Chúng tôi kỳ vọng được tỉnh đầu tư phát triển điểm du lịch cộng đồng ở Bản Bung để có thể đưa hát Páo Dung đến với nhiều du khách hơn nữa.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn Lâm Ngọc Du, trung tâm mở các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể theo dự án số 6 (Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Các học viên được những nghệ nhân, báo cáo viên truyền dạy về nội dung trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những làn điệu then, then cổ, hát ru; điệu múa bát của người Tày và truyền dạy nghề dệt vải. Ngoài ra, các học viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng, cách thức tổ chức, biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thiện việc mua sắm, cấp sản phẩm văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, các xã khu vực III, các trường dân tộc nội trú thuộc Dự án tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cho 108 xã.
Toàn tỉnh đã thành lập 18 câu lạc bộ Văn hóa-Thể thao-Làng văn hóa; 30 đội văn nghệ cơ sở. Năm 2024, tỉnh đã xây dựng được sáu Câu lạc bộ hát Then-đàn tính cấp xã (dân tộc Tày, Nùng) và hỗ trợ, thành lập được 24 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, tỉnh có 29 Câu lạc bộ Hát then-đàn tính. Các Câu lạc bộ luôn nỗ lực để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp của làn điệu then độc đáo, tạo không khí vui tươi, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi các kỹ năng đàn, hát, biểu diễn.
Trình diễn múa Bát tại điểm du lịch cộng đồng ở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn. (Ảnh NÔNG VUI) |
Phát huy giá trị
Trên cơ sở các di sản được ghi danh, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Bắc Kạn đã hoàn thành các đề án, dự án như: Bảo tồn và phát huy di sản Then, hát Lượn cọi, Lượn Slương của người Tày; bảo tồn, phục dựng các lễ hội Chợ tình Xuân Dương, Lồng tồng (xuống đồng) Phủ Thông, Mù Là (Pác Nặm)...
Từ định hướng gắn bảo tồn giá trị văn hóa với phát triển du lịch, Bắc Kạn đã tạo nên những dấu ấn mới. Năm 2024, tỉnh đã tổ chức thành công Tuần Văn hóa-Du lịch Bắc Kạn gắn với ngày hội múa Bát của dân tộc Tày với quy mô 1.000 người, tạo ấn tượng sâu sắc trong nhân dân và du khách.
Để giúp người dân phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với du lịch, Bắc Kạn đã quyết định đầu tư từ ngân sách tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch cho thôn Khuân Bang, xã Như Cố (Chợ Mới); thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường (Chợ Đồn) và thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong (Bạch Thông). Đây là các thôn có tiềm năng về du lịch và vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc rất rõ nét.
Năm 2024, tỉnh hỗ trợ đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản, văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.
Tỉnh cũng thực hiện bảo tồn, phục dựng Lễ hội Mù Là, xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì); xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn), thị trấn Vân Tùng (huyện Ngân Sơn), xã Như Cố (huyện Chợ Mới); khảo sát địa điểm thực hiện hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống.
Nhờ phục dựng, bảo tồn bài bản các giá trị văn hóa, nhất là ở các khu, điểm du lịch, cho nên lượng khách du lịch đến Bắc Kạn đã tăng dần theo các năm. Chị Hoàng Thị Oanh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Bên cạnh việc ngắm cảnh, khách du lịch mong muốn được trải nghiệm, "đắm mình" trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa vốn có của các dân tộc. Đến với Bắc Kạn thời gian qua, tôi có thể cảm nhận được điều đó khi được chiêm ngưỡng hát Then, múa Bát… rất đặc sắc".
Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể Hoàng Ngọc Thấm: "Có thể khẳng định việc bảo tồn, trình diễn dân ca, dân vũ, trang phục của các dân tộc thiểu số là một trong những yếu tố giúp thu hút khách du lịch đến với Bắc Kạn. Chúng tôi luôn xác định, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc vùng hồ Ba Bể vừa thu hút khách du lịch vừa tạo thêm sinh kế cho người dân".
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên, tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các dự án bảo đảm hiệu quả, đúng hướng dẫn. Trong đó, tập trung vào các nội dung, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, tiến độ thực hiện chậm; xác định rõ nguồn vốn để bảo đảm không bị trùng lặp, lãng phí.
Các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả các điểm hỗ trợ đầu tư để bảo đảm không trùng lặp về nội dung, nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo sự đồng thuận quyết tâm thực hiện của người dân và phát huy tối đa tiềm năng tại mỗi điểm thực hiện dự án.