Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu

Nguyễn Ánh Hiền
Ngày 25/10, tại Ninh Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch”.

Hội thảo với sự tham gia của các đại biểu đến từ các cục, vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và những người quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa gắn với giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, du lịch ở Trung ương và địa phương.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu ảnh 1

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu, thảo luận làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban, ngành, địa phương hiện nay.

Đồng thời, những vấn đề được đề cập và phân tích, các đề xuất giải pháp qua các tham luận tại Hội thảo sẽ đem lại kết quả quan trọng và hữu ích cho định hướng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình, có ý nghĩa sâu sắc cho công tác phát triển bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ vào năm 2035 theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu ảnh 2

Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Trần Quốc Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Trần Quốc Tuấn, tính đến giữa năm 2024, Việt Nam có 8 Di sản được công nhận di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử-văn hóa của dân tộc đã, đang được Nhà nước, cộng đồng nhân dân và nhiều tầng lớp, tổ chức xã hội hết sức quan tâm.

Tuy nhiên, quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển văn hóa-du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập. Những bất cập đó có thể thấy ở nhiều khâu như các chính sách quản lý về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa; công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các di tích; chất lượng nguồn nhân lực tham gia, vai trò của các bên liên quan...

Đặc biệt, là vai trò của cộng đồng chưa có cơ chế rõ ràng xác định trách nhiệm gắn với lợi ích nên chưa tạo ra hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển văn hóa-du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa…

Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu ảnh 3

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ về các khái niệm, chức năng cơ bản của hoạt động bảo tồn di tích; các quan điểm tiếp cận về bảo tồn di tích trên thế giới; vấn đề áp dụng văn bản quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di tích ở Việt Nam; các mô hình thực hiện thực tiễn trong và ngoài nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Trên cơ sở các căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn được bàn luận, các đại biểu đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp và kiến nghị, định hướng liên kết, hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm thực hiện điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Điển hình là các giải pháp, mô hình trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa tiêu biểu, gắn với phát triển kinh tế, du lịch như bảo tồn các di tích Quốc gia đặc biệt, bảo tồn di sản ngôi chùa Việt thời Lê Trung Hưng, bảo tồn khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), khu di tích Núi Sam (An Giang), Đô thị cổ Hội An (Quảnh Nam), chiến khu D (Đồng Nai); các bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa ở các nước trong khu vực Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar; việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như sử dụng công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ GIS, trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa di sản vào công tác bảo tồn,…

Thông qua Hội thảo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.