Các tỉnh Bắc Trung Bộ dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt

Nguyễn Ánh Hiền
Ðợt mưa lớn vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Hiện, công tác cứu trợ, hỗ trợ và khắc phục hậu quả ngập lụt đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh tiến hành khẩn trương với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”.
Ðơn vị thi công xử lý sạt lở để thông tuyến Quốc lộ 9C đoạn qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Ðơn vị thi công xử lý sạt lở để thông tuyến Quốc lộ 9C đoạn qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Dù các địa phương và người dân đã chủ động ứng phó nhưng hậu quả của thiên tai là rất lớn, nhất là tỉnh Quảng Bình có gần 33 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu. Hiện, các địa phương nỗ lực khắc phục thiệt hại để ổn định đời sống người dân.

Chạy đua với nước rút

Ðến chiều tối 31/10, nước lũ ở hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình rút rất chậm, nước trên sông Kiến Giang vẫn ở mức cao, trên báo động 2. Toàn tỉnh còn 3.800 ngôi nhà, nhiều tuyến đường bị ngập. Tại những nơi nước đã rút, công tác dọn vệ sinh nhà cửa, đường sá, trường học, trạm y tế đang được tiến hành khẩn trương bất kể ngày đêm.

Anh Nguyễn Ðình Thiện ở thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy (huyện Lê Thủy) cho biết, nhà anh bị nước ngập gần 2 m. Từ chiều 30/10, nước rút dần, anh và các thành viên trong gia đình nhanh chóng đẩy bùn lầy ra khỏi nhà bởi nếu không thực hiện nhanh thì bùn sẽ kết khô lại, khó vệ sinh. Không chỉ anh Thiện mà người dân nhiều nơi ở huyện Lệ Thủy đều tất bật dọn nhà. Nhà neo người thì làm đổi công nhau để vừa xong nhà này, chuyển sang ngay nhà khác trước khi nước lũ rút.

Không ít gia đình ở thành phố Ðồng Hới thuê thuyền về quê để hỗ trợ người già dọn vệ sinh nhà cửa. “Vệ sinh, dọn bùn khi có nước vừa nhanh, lại nhẹ nhàng chứ chậm chút là rất mệt, không có nước để bơm, vừa mất công sức”-anh Nam, một viên chức ở Ðồng Hới về quê hỗ trợ dọn nhà, nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Thủy Dương Ðức Phố cho biết, hơn 1.600 hộ nhà dân ở xã đều bị ngập lụt, nhiều nơi ngập sâu từ 1 m trở lên. Tuy nhiên, với kinh nghiệm “sống chung” với lũ lụt hàng chục năm qua, người dân rất chủ động thực hiện khắc phục hậu quả, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết, địa phương nhanh chóng thành lập tổ tiếp nhận hàng cứu trợ tại hai khu vực là ngã tư Cam Liên, xã Cam Thủy và chợ Ðộng, xã Mai Thủy. Tất cả nhu yếu phẩm của các cá nhân, tổ chức sau khi địa phương tiếp nhận sẽ được vận chuyển bằng thuyền của ngư dân vùng biển Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc vào tiếp tế.

Huyện khẩn trương chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh, khắc phục những đoạn đường giao thông bị sạt lở, cầu cống bị hư hỏng bảo đảm các phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn; chỉ đạo cố gắng cấp điện, nước sớm nhất phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Lực lượng vũ trang là nòng cốt khắc phục hậu quả bão

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn làm hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu từ 0,5 đến 2 m. Ngay khi nước lũ bắt đầu rút, các địa phương, lực lượng vũ trang chủ động giúp người dân khắc phục hậu quả. Tại Ðiểm trường mầm non Dương Ðại Thuận, thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, nhiều chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Trị tập trung cào, xúc hàng tấn bùn non, dùng nước bơm rửa, làm sạch ở các phòng học và sân trường giúp học sinh trở lại học khi thời tiết cho phép.

Huyện Triệu Phong có hơn 10 điểm trường bị ngập lũ nặng, được lực lượng công an giúp dọn dẹp sạch sẽ. Công an Quảng Trị không chỉ giúp dọn vệ sinh bùn đất cho các trường học, mà còn giúp dọn vệ sinh cho nhiều nhà dân tại các thôn, bản. Trong những ngày lũ vừa qua, tỉnh Quảng Trị có 78 điểm trường bị ngập sâu, khiến gần 27 nghìn học sinh phải nghỉ học. Dự kiến sau khi được các lực lượng vũ trang giúp dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, từ hôm nay 1/11, học sinh trở lại trường học.

Tại khu vực biên giới miền núi, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp chính quyền địa phương huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp vệ sinh, khôi phục lại các ngầm trên đường liên thôn, bản bị nước lũ phá hỏng để giao thông thông suốt; giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Bão số 6 làm nhiều ngôi nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế hư hỏng. Ông Phạm Vui, ở tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc cho biết, sau bão chỉ hai ngày, ngôi nhà của gia đình bị tốc mái hoàn toàn đã được các cán bộ, chiến sĩ quân đội, biên phòng đến giúp lợp lại.

Tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nước lũ đang rút dần song khá chậm. Giáo viên các trường học trên địa bàn tận dụng nước lũ để dọn vệ sinh trong các lớp học và khuôn viên trường. Ở Trường tiểu học xã Võ Ninh những ngày qua, các bàn ghế, đồ dùng học tập, lớp học đều chìm trong nước lũ với nhiều bùn đất. Sau khi nước bắt đầu rút, nhà trường đã huy động các giáo viên và cha mẹ học sinh tổng vệ sinh trong lớp học.

Cô Hoàng Thị Ngoan, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Võ Ninh cho biết, khi nước trong sân trường còn 0,3 m, các giáo viên trong trường đã lội lụt đến thau rửa, vệ sinh trong các lớp học, lau chùi bàn ghế. Khi nước rút hết hẳn, nhà trường tập trung tổng dọn vệ sinh trong sân trường, không để bùn đóng váng lại.

Ðại úy Dương Quốc Khánh, Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, từ sáng 30/10, 70 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và Công an huyện Quảng Ninh đã có mặt tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để hỗ trợ giáo viên khắc phục hậu quả mưa lũ. Trường học nào nước vừa rút là các nhóm đoàn viên công an tỉnh có mặt cùng với giáo viên và cha mẹ học sinh dọn vệ sinh trường lớp. Các nhóm làm xuyên buổi, xuyên tối trước khi nước lũ rút hẳn.

Tại huyện Lệ Thủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình huy động 150 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ cán bộ, giáo viên dọn dẹp vệ sinh lớp học, bàn ghế, đồ dùng dạy học và khuôn viên trường để có thể đón học sinh quay trở lại trường. Lực lượng quân y được Quân khu 4 tăng cường, phối hợp Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy thăm, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân vùng ngập lụt nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Ðại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, đội ngũ cán bộ quân y đơn vị cũng phối hợp lực lượng y tế địa phương kiểm tra vệ sinh phòng dịch tại các địa điểm bị úng ngập, tư vấn người dân phòng tránh dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Những ngày qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế huy động hơn 2.500 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân, tự vệ giúp người dân các địa phương khắc phục hậu quả bão số 6. Riêng đối với huyện Phú Lộc, địa phương bị thiệt hại nặng nề, lực lượng vũ trang tỉnh hỗ trợ người dân lợp lại nhà cửa, nhất là những gia đình neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Trong ngày 31/10, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục huy động cán bộ, chiến sĩ để giúp nhân dân thị trấn Lăng Cô khắc phục hậu quả bão, sớm ổn định cuộc sống. Thiếu tá Nguyễn Hải Nam, Tham mưu trưởng Trung đoàn 6 cho biết, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được lệnh hành quân tham gia giúp người dân dọn dẹp, vệ sinh đường sá, trường học và lợp nhà cho các hộ gia đình bị hư hỏng.

Trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ, hệ thống lưới điện ở Quảng Bình bị thiệt hại do thiên tai nặng nhất, với gần 181 nghìn khách hàng mất điện, tập trung nhiều tại các huyện phía nam tỉnh. Ðể tăng cường nhân lực và đẩy nhanh tiến độ khôi phục điện bị ảnh hưởng do bão, từ ngày 29/10 đến nay, Công ty Ðiện lực Quảng Bình đã huy động hơn 50 công nhân cùng nhiều vật tư, thiết bị hỗ trợ điện lực hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Hiện, lực lượng này đã được phân bổ về các khu vực trọng điểm, sẵn sàng xử lý ngay khi nước lũ bắt đầu rút để khôi phục điện nhanh chóng, an toàn. Ðến chiều 31/10, Ðơn vị quản lý điện lực ở Quảng Bình đã cấp điện trở lại cho hàng nghìn khách hàng. Tuy nhiên, tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, nước rút chậm đã gây nhiều khó khăn khi tiếp cận và khôi phục lưới điện tại các khu vực ngập sâu. Hiện còn hơn 44 nghìn khách hàng (chiếm 14,9%) vẫn chưa được đóng điện trở lại.

Lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ cho rằng, mùa mưa lũ trên địa bàn dự kiến còn kéo dài cho nên các ngành, địa phương cần tiếp tục có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, chủ động di dời người dân ở vùng thấp trũng, nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt, lở núi, đến nơi an toàn. Phương châm “4 tại chỗ” cần được vận dụng chủ động hơn nữa, trong đó lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt. Các địa phương phải bảo đảm nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc chữa bệnh cho người dân vùng lũ.