6 giờ sáng hằng ngày, bệnh nhân Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Lào Cai xếp hàng chờ uống thuốc Methadone. |
Theo Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Lào Cai Nguyễn Thị Thắng, ngay sau khi được thành lập và đi vào hoạt động (năm 2013), Cơ sở đã tập trung triển khai quyết liệt, sâu rộng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tác hại của nghiện ma túy, lợi ích của điều trị bằng thuốc Methadone đến người nghiện và gia đình người nghiện, người dân và chính quyền cấp xã, phường trên địa bàn thành phố Lào Cai; thường xuyên phối hợp các cơ quan truyền thông địa phương và trung ương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của điều trị bằng thuốc Methadone, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại các cơ sở xã, phường, khu dân cư, tập trung vào nhóm đối tượng là người nghiện ma túy, gia đình người nghiện…
Ngoài ra, cơ sở đã triển khai tuyên truyền, tư vấn chuyển giao các kỹ năng dự phòng tái nghiện, phòng tránh các tình huống nguy cơ cao cho 350 người đang cai nghiện tự nguyện tại các nhà cai nghiện xã, phường trên địa bàn thành phố Lào Cai; phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai 3 điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại phường Lào Cai, Kim Tân, xã Cam Đường…
Bác sĩ đang khám đánh giá điều trị cho bệnh nhân tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Lào Cai. |
Cơ sở hiện tư vấn cá nhân cho hơn 25.000 lượt bệnh nhân, tư vấn nhóm 499 buổi cho 19.881 lượt bệnh nhân và người nhà tham gia; tổ chức các buổi tọa đàm, gặp mặt bệnh nhân và gia đình; hằng năm tổ chức biểu dương, tặng quà các bệnh nhân có kết quả điều trị tốt. Thông qua các hoạt động đó đã tuyên truyền đến các bệnh nhân lợi ích và hiệu quả mà chương trình điều trị Methadone đem lại đối với bản thân người bệnh, qua đó chính những người bệnh là những người tuyên truyền viên đến bạn bè và người thân của mình đang sử dụng ma túy mà chưa đi tham gia điều trị Methadone và cung cấp kỹ năng dự phòng tái nghiện.
Giai đoạn 2013-2024, cơ sở đã tiếp nhận và điều trị cho 2.326 bệnh nhân, thực hiện 176.134 lượt khám bệnh, 49.752 lượt xét nghiệm, 27.467 lượt tư vấn cá nhân, 1.528 lượt tư vấn nhóm và hiện đang điều trị cho 430 bệnh nhân…
Cùng với công tác điều trị, cơ sở đã triển khai chính sách vay vốn tạo việc làm cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã có 20 bệnh nhân và gia đình bệnh nhân được vay vốn tạo việc làm với tổng số tiền được vay là 600 triệu đồng, có 413 bệnh nhân có việc làm tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình góp phần cải thiện và ổn định cuộc sống, thực hiện chính sách miễn đóng phí cho 99 lượt bệnh nhân thuộc đối tượng hộ nghèo.
Bác sĩ Phạm Quang Thành, Phụ trách Phòng điều trị phục hồi thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Lào Cai cho rằng: những kết quả đạt được trên cho thấy chất lượng điều trị tại Cơ sở đã đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, góp phần vào việc làm giảm tỷ lệ tái nghiện ma túy bất hợp pháp và một số bệnh liên quan trong nhóm người nghiện chất dạng thuốc phiện, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời giảm sử dụng heroin, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tình hình tội phạm liên quan đến ma túy, ổn định an ninh trật tự xã hội.
Bệnh nhân uống thuốc Methadone tại Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Lào Cai. |
Đánh giá quá trình hoạt động, đồng chí Nguyễn Thị Thắng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện tự nguyện Lào Cai cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình điều trị, cơ sở luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh Lào Cai, các sở, ngành chức năng như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Công an, sự phối hợp của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân.
Tuy vậy, trong thực tiễn hoạt động cơ sở vẫn gặp một số vướng mắc và khó khăn nhất định. Trước hết, bệnh nhân là người nghiện ma túy lâu năm, có nhiều tiền án tiền sự, 35-40% bệnh nhân bị rối loạn tâm trí, hành động bất thường manh động có thể gây nguy hiểm cho cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở điều trị; mang nhiều bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan B, C, lao phổi.
Một số bệnh nhân không có việc làm, gia đình gặp khó khăn, nhưng không thuộc diện hộ nghèo, do đó không được miễn giảm tiền phí điều trị, nhiều bệnh nhân phải dừng điều trị. Trong khi việc tìm kiếm việc làm cho bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Methadone còn gặp nhiều khó khăn, do có sự phân biệt kỳ thị của cộng đồng xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Thắng cho biết thêm, đơn vị đã hoạt động được tròn 11 năm, mang lại hiệu quả rõ rệt đối với công tác an sinh xã hội, là đơn vị đặc thù xã hội, nhưng đến nay vẫn chưa có trụ sở cố định.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lào Cai, từ ngày 16/5/2024, cơ sở tạm nhận bàn giao và triển khai hoạt động tại Trụ sở cũ của Công an phường Bình Minh, thành phố Lào Cai (số 179, đường Bình Minh, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng này đã xuống cấp, số lượng phòng làm việc lại không đủ để thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện...
Vì vậy, thời gian tới đơn vị rất mong được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các sở, ban, ngành quan tâm tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục giao đất cho đơn vị, quan tâm đầu tư, xây dựng thêm cơ sở vật chất như khu điều trị cai nguyện tự nguyện nội trú, các phòng trị liệu, phục hồi chức năng, tạo điều kiện để Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thực hiện đầy đủ các chức năng theo quy định; tạo điều thuận lợi cho người nghiện ma túy áp dụng hình thức cai nghiện tự nguyện, tạo sự thuận lợi trong kết nối điều trị và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tự nguyện, góp phần ổn định xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Lào Cai.