Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao. |
Ngày 9/9, thông tin về vỡ đê ở các huyện: Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng và thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội, thu hút rất nhiều người xem và để lại bình luận bày tỏ sự lo lắng, bất an. Một tài khoản Facebook còn livestream (phát trực tuyến) lũ trên sông Thương kèm dòng tin: “Đêm nay TP Bắc Giang không ngủ rồi”...
Ngay sau khi clip, thông tin được đăng tải, gây hoang mang dư luận, Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Chi cục Đê điều tỉnh Bắc Giang tiến hành xác minh. Chi cục Đê điều tỉnh Bắc Giang khẳng định, thông tin vỡ đê là sai sự thật, còn lũ trên sông Thương vẫn cách đỉnh bờ khoảng 4m. Cùng ngày, Công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã triệu tập Lê Như P. (trú tại xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng) vì hành vi đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội về vỡ đê.
Trên Fanpage “Hóng biến Hải Dương”, tài khoản Facebook Nguyễn Quỳnh (Quỳnh) đã bình luận với nội dung: “Phượng Hoàng vỡ đê rồi”, gây hoang mang cho người dân. Ngày 10/9, Công an huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã xác minh chủ tài khoản Facebook trên là chị Nguyễn Thị Q., trú tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà. Tại cơ quan công an, chị Q. trình bày, biết được thông tin “Phượng Hoàng vỡ đê” trên mạng xã hội, dù chưa kiểm chứng nhưng Q. đã đăng nội dung này dưới dạng bình luận trên trang fanpage.
Cũng trong ngày 10/9, tài khoản Facebook Ngô Quý (Thanh) đăng bài viết với nội dung “An Thanh vỡ đê nhé. Mọi người chuẩn bị xuồng và áo phao”. Công an huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng làm việc với chính quyền địa phương để xác minh thông tin, đồng thời xác minh chủ tài khoản Facebook. Đại diện UBND xã Thanh An khẳng định không có việc đê bị vỡ như thông tin đã đăng tải. Ngay sau đó, Công an huyện Tứ Kỳ đã xử lý theo quy định đối với anh Ngô Văn Q., trú tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, chủ tài khoản Facebook Ngô Quý (Thanh).
Luật sư Bùi Đình Hiến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân. Việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, mỗi người cần kiểm chứng tính xác thực của các thông tin trước khi chia sẻ để tránh những vi phạm pháp luật không đáng có.
Những diễn biến phức tạp và khó lường của bão, lũ đã và đang gây hậu quả rất nặng nề. Những ngày qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã phát động các chiến dịch tình nguyện quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, thuốc men, phương tiện thiết yếu và tiền mặt để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ. Hàng trăm các chuyến hàng cứu trợ đã khởi hành bất kể ngày đêm để kịp thời cứu nạn, cứu trợ đồng bào. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình này, một số đối tượng xấu đã giả mạo các cơ quan, tổ chức đăng thông tin lừa đảo, kêu gọi từ thiện để trục lợi.
Ngày 9/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã phát đi cảnh báo về tình trạng mạo danh Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh để lừa đảo, kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão. Bằng thủ đoạn sử dụng các hình ảnh, thông tin như trang chính thống, đối tượng đã tạo các fanpage trên Facebook, giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, hòng chiếm đoạt.
Ngày 10/9, cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đăng thông tin cảnh giác với việc kêu gọi ủng hộ người dân vùng mưa lũ tại Thái Nguyên trên mạng xã hội. Nội dung cho biết, trong những ngày qua, đã xuất hiện tình trạng một số hội nhóm, cá nhân đăng các thông tin chưa chính xác lên các nền tảng mạng xã hội về tình hình ảnh hưởng của mưa, lũ tới đời sống nhân dân tại một số xã, phường của thành phố Thái Nguyên để kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ tiền và hàng hóa.
Tuy nhiên, phần lớn các tài khoản ngân hàng cung cấp trên các trang mạng xã hội này để kêu gọi ủng hộ đều là tài khoản cá nhân, không được chính quyền hoặc tổ chức nào bảo trợ thông tin. Việc lợi dụng thiên tai, lũ lụt để thực hiện các hành vi lừa đảo không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho những nhà hảo tâm, mà còn làm giảm lòng tin của xã hội đối với các hoạt động từ thiện chính đáng.
Thiên tai, lũ lụt gây nhiều hậu quả mất mát, đau thương. Đây là thời điểm cần phát huy cao độ tinh thần tương thân, tương ái nhưng cũng là dịp các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chỉ nên tin tưởng những nguồn thông tin chính thức từ chính quyền, báo chí và các tổ chức có thẩm quyền, không lan truyền các tin tức không rõ nguồn gốc.
Trước khi ủng hộ, cần kiểm tra kỹ thông tin về tổ chức hoặc cá nhân kêu gọi quyên góp. Nên lựa chọn những tổ chức từ thiện có uy tín, công khai và minh bạch về hoạt động; không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ danh tính. Nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý kịp thời, đồng thời chia sẻ thông tin cảnh báo với người thân, bạn bè để cùng nâng cao ý thức cảnh giác.
Thư Minh