Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm chính ngạch quả chanh leo Việt Nam, bắt đầu từ tháng 7/2022.
Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre). (Ảnh HÀ AN) |
Theo đó, tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói sầu riêng và chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Nông dân và doanh nghiệp đã sẵn sàng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Long Trung Tâm cho biết: Cây chanh leo được huyện Mộc Châu đánh giá là cây trồng cho thu nhập cao, có đầu ra ổn định do đã có các nhà máy thu mua tại tỉnh. Hiện, huyện đang tập trung trồng chanh leo tại các xã vùng cao và tiếp tục duy trì những diện tích đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Lê Hoài Hưng thông tin: Từ 5ha cây chanh leo trồng thử nghiệm năm 2015, đến năm 2019, Nafoods Tây Bắc đã mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu lên gần 4.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên... Khi đó, đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 50 hợp tác xã, tổ hợp tác. Hiện, nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả Nafoods Tây Bắc có công suất thiết kế 120 tấn nguyên liệu/ngày.
Chanh leo được đưa về chế biến với các sản phẩm quả tươi, quả đông lạnh, dịch cô đặc xuất khẩu. Hiện, các sản phẩm chanh leo của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu sang các nước: Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc. Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chính ngạch quả chanh leo Việt Nam là cơ hội lớn cho loại quả này gia tăng thị phần tại một thị trường lớn như Trung Quốc; đồng thời cũng là cơ hội để nông dân trồng chanh leo gia tăng thu nhập.
Đối với quả sầu riêng, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Ngô Tường Vy, thì khoảng hai tuần nữa sẽ vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk, cho nên công ty mong muốn nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để trái sầu riêng có thể vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch sớm nhất. “Công ty đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc để bảo đảm sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng, gồm thông tin ngày chế biến, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước nhập khẩu, số container và các thông tin khác… Chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt là các sản phẩm sẽ sẵn sàng đi đường chính ngạch sang thị trường này”, bà Ngô Tường Vy cho biết thêm.
Nắm chắc quy định để phát huy lợi thế
Chanh leo và sầu riêng là hai loại trái cây có giá trị kinh tế cao và cũng là hai cây trồng có lợi thế phát triển tại một số vùng của Việt Nam. Chanh leo đang là loại trái cây được rất nhiều thị trường quan tâm, cả ở dạng tươi cũng như sản phẩm chế biến. Với trái sầu riêng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam. Riêng tỉnh Đắk Lắk, bình quân mỗi năm có đến hơn 70% sản lượng sầu riêng xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Chính vì vậy, con đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang rộng mở chính là cơ hội lớn để hai mặt hàng này phát huy lợi thế. Tuy nhiên, điều quan trọng là các địa phương, người trồng, doanh nghiệp phải nắm chắc thông tin, yêu cầu từ phía Trung Quốc để đáp ứng một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngay sau lễ công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Cục sẽ tổ chức lớp tập huấn các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu cho các đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, xây dựng bộ tài liệu đầy đủ, toàn diện về các yêu cầu liên quan từ phía Trung Quốc và cách thức triển khai thực hiện những yêu cầu đó trong điều kiện thực tế của Việt Nam để các địa phương có thông tin tham khảo. Về phía Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam -
Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS) thông tin thêm: Thời gian tới, Trung Quốc sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định trong Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam bảo đảm thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp nắm chắc yêu cầu từ phía Trung Quốc để triển khai đúng, đủ các nội dung liên quan, không chỉ đối với chanh leo và sầu riêng mà còn nhiều loại nông sản khác.
TIẾN ANH và NGỌC TUẤN