Đại biểu Quốc hội: Bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi cần bảo đảm quốc phòng, an ninh

Nguyễn Ánh Hiền
Chiều 7-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Công khai toàn bộ cơ cấu giá điện, cách thức tính giá điện

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý, dự thảo luật đã có quy định về các loại giá điện, vai trò của Chính phủ trong điều tiết giá điện nhưng chưa làm rõ được cơ chế xử lý giá điện thay đổi nhanh, hoặc không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá. Mặt khác, dự luật đã nêu ra cơ chế giá điện bình quân nhưng không quy định rõ về tần suất điều chỉnh giá điện, cách thức thực hiện.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng kiến nghị trong dự luật sửa đổi lần này cần quy định, Chính phủ thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng có thể dự đoán, điều chỉnh chi tiêu của mình. Ngoài ra, cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện, cách thức tính, yếu tố chi phối hoặc tác động tới giá điện.

Đại biểu Quốc hội: Bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi cần bảo đảm quốc phòng, an ninh
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết thêm, dự luật chưa có quy định bảo vệ người tiêu dùng trước biến động giá điện, nhất là người thu nhập thấp hay ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điện. Vì vậy, cần bổ sung cơ chế bảo vệ người tiêu dùng bằng cách thiết lập trần giá điện cho hộ gia đình thu nhập thấp hoặc trợ giá cho các công ty, doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) thì quan tâm đến vấn đề độc quyền của ngành điện lực. Đại biểu dẫn chứng, Khoản 2 Điều 5 dự luật quy định: “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện, trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng”.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này lại mâu thuẫn với chính Khoản 5 Điều 5: “Xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác, sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện”.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phân tích, lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do nhà nước đầu tư, như vậy, không thể xã hội hóa. Đại biểu kiến nghị chỉ quy định: “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Cà Mau còn chỉ ra, nhu cầu về điện ngày càng tăng cao nhưng dự thảo lại thắt chặt, kiểm soát nguồn cung điện; cụ thể như quy định nhiều giấy phép tại dự thảo luật - điều này sẽ đẩy giá điện tăng cao, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện

Quan tâm đến việc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) dẫn lại Khoản 3 Điều 31 quy định: “Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện và sử dụng điện.”

Đại biểu Quốc hội: Bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi cần bảo đảm quốc phòng, an ninh
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật hiện đã đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ điện, tuy nhiên cần cụ thể hóa hơn vai trò của các công nghệ lưu trữ năng lượng trong việc bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió có tính gián đoạn thì các hệ thống lưu trữ như pin, hệ thống lưu trữ khí hydro sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế khuyến khích đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện để kích thích phát triển thị trường mới này, khuyến khích phát triển công nghệ lưu trữ điện.

Đáng chú ý, về quy định về phát triển điện gió ngoài khơi (từ Điều 38 đến Điều 46, Mục 2), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để bảo đảm tính thống nhất pháp luật, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền. Đồng thời, cần có quy định minh bạch về điện gió gần bờ và trên bờ.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, việc bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo luật.

“Do vậy, việc bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi là việc hết sức cần thiết song cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, đại biểu nói.

Đại biểu Quốc hội: Bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi cần bảo đảm quốc phòng, an ninh
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu.

Quan tâm đến Điều 27 dự thảo luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung về loại hình điện gió trên biển, gồm điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi.

Theo lý giải của đại biểu, ngoài loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới được quy định trong dự thảo luật, thì hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư.

“Điển hình như họ cần sự bảo đảm của nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước…. Nếu được bổ sung nội dung này, sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, đại biểu phân tích.