Dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần và khai hội Đền Trần Nam Định

Tran Huy

Sáng 15/9 (20/8 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm 722 năm ngày mất của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền Trần năm 2022.

Các đại biểu tỉnh Nam Định dự nghi lễ dâng hương tưởng niệm anh linh các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần.
Các đại biểu tỉnh Nam Định dự nghi lễ dâng hương tưởng niệm anh linh các vị Vua Trần và Đức Thánh Trần.

Dân gian có câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Nếu như “mẹ” ở đây nói đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thì “cha” chính là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông sinh vào khoảng cuối những năm 1220, mất ngày 20/8 năm Canh Tý (1300). Ông là nhà quân sự thiên tài, 3 lần cầm quân đánh đuổi giặc Nguyên Mông, sau khi mất được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần.

Lễ dâng hương và lễ hội truyền thống Đền Trần vào tháng 8 âm lịch hằng năm là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị vua nhà Trần nói chung và Đức Thánh Trần nói riêng, thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của nhân dân suốt chiều dài lịch sử.

Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, con người Nam Định với bạn bè trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng cho biết, sau 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội Đền Trần mới được tổ chức trở lại đúng vào dịp kỷ niệm 722 năm ngày hóa Đức Thánh Trần.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đồng thời cũng là dịp tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần và khai hội Đền Trần Nam Định ảnh 1

Biểu diễn múa sư tử tại Lễ hội Đền Trần năm 2022.

Sau nghi lễ dâng hương tưởng niệm anh linh các vị Vua Trần, Đức Thánh Trần, nhiều hoạt động long trọng đã được tổ chức như: lễ rước kiệu, lễ tế và phần hội bao gồm các hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống như hát chèo, hát văn, múa kiếm nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của nhà Trần và công lao của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông.

Ngay trong ngày khai hội, đông đảo nhân dân Nam Định và du khách khắp nơi đã đến dâng hương, tỏ lòng thành kính trước các bậc tiền nhân và hòa mình vào không khí lễ hội.

Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống đặc sắc được trình diễn, thu hút người xem như múa sư tử, múa rồng, hát chèo, biểu diễn võ thuật, múa rối nước, thi đấu cờ người, chọi gà...

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp, để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, ban tổ chức đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho cho từng đơn vị trong việc bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ tại khu di tích; xây dựng phương án tuyên truyền, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi đông người; bảo đảm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với những hộ bán hàng ăn uống trong khu vực lễ hội…

Đền Trần tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định là nơi thờ các vua Trần cùng các quan có công phù tá nhà Trần, bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa.

Hằng năm tại đây tổ chức Lễ hội Đền Trần vào dịp tháng 8 âm lịch và Lễ hội Khai ấn đầu năm là các lễ hội lớn tại Nam Định, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về dự, dâng hương tưởng nhớ công đức các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

TRẦN KHÁNH