Đánh giá đúng những đóng góp tích cực của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam

Nguyễn Ánh Hiền
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.

Hơn 60 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành về lịch sử, văn hóa, lãnh đạo các địa phương gửi tới hội thảo đã có những nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, công bằng về những đóng góp của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Qua đây có thêm nhiều phát hiện, kiến giải mới giúp nâng cao nhận thức khoa học và giải quyết các yêu cầu thực tiễn của địa phương cũng như của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Hải Phòng - nơi phát tích Vương triều Mạc

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam” rất có ý nghĩa khi diễn ra tại Hải Phòng, nơi phát tích Vương triều Mạc, lại đúng dịp kỷ niệm 540 năm Ngày sinh của Thái tổ Mạc Đăng Dung (22-12-1483). Kết quả của Hội thảo sẽ là những luận cứ khoa học, sử liệu tin cậy góp phần đánh giá khách quan, toàn diện, công bằng đối với những đóng góp tích cực của Vương triều Mạc và được thể hiện xứng tầm trong bộ Quốc sử của nước ta.

hai-phong-1-16881-1702432072.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu. Ảnh: ĐÔNG BẮC

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhiều đơn vị của thành phố Hải Phòng, cùng Hội đồng Mạc tộc đã có nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực nhằm tôn vinh sự đóng góp của Vương triều Mạc và những di sản quý báu Vương triều này để lại, như: Tổ chức các hội thảo về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái tổ, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, Ninh Vương Mạc Phúc Tư, Phật giáo thời Mạc, chợ thời Mạc. Hay dành một chương biên soạn về nhà Mạc trong bộ Lịch sử Hải Phòng 4 tập, xuất bản năm 2021, đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương (môn Lịch sử).

Cùng với đó, nhiều nhà khoa học đã xuất bản những ấn phẩm về Vương triều Mạc. Các di sản nhà Mạc để lại đều được tôn vinh, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố, công nhận Bảo vật Quốc gia, duy trì Lễ hội Minh Thệ (Di sản văn hóa phi vật thể), đặt tên những danh nhân thời Mạc cho đường, phố và công trình công cộng...

Dấu ấn của Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc

GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, trong lịch sử Việt Nam, Vương triều Mạc tồn tại 150 năm, bao gồm 2 giai đoạn: 65 năm trị vì ở Thăng Long (1527 - 1592) và 85 năm đóng đô ở Cao Bằng (1592 - 1677). Suốt thời kỳ đó, đặc biệt là giai đoạn trị vì ở Thăng Long (Hà Nội ngày nay), Triều Mạc đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện đối với lịch sử đất nước. Trong đó phải kể đến những cải cách về thiết chế chính trị, tư tưởng, luật pháp, hành chính, quân đội… Công cuộc canh tân đất nước thời Mạc cùng những di sản, kinh nghiệm quý báu vẫn còn tính thời sự cho đến ngày nay.

svvwv-1702432094.jpg
GS, TSKH Vũ Minh Giang phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: THU HẰNG

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ những thành tựu phát triển toàn diện của quốc gia Đại Việt dưới thời đại Nhà Mạc, đặc biệt nhấn mạnh đánh giá cao tư duy kinh tế và tầm nhìn hướng biển của Nhà Mạc; đóng góp của Triều Mạc trong phát triển thương mại và sự hưng khởi của các đô thị, cảng thị.

Tư tưởng thoáng đạt cùng chính sách cởi mở của Triều Mạc khởi đầu cho thời kỳ chấn hưng, phát triển mạnh mẽ văn hóa, thể hiện rõ nét trong các dấu ấn vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục và khoa cử, nghệ thuật và kiến trúc… Tuy nhiên theo GS, TSKH Vũ Minh Giang, do những hạn chế mang tính cố hữu, chủ yếu xuất phát bởi quan điểm chính trị từ thời Lê, Nguyễn đã dẫn tới những nhận thức sai lệch, thiếu khách quan và không công bằng về Triều Mạc.

toan-canh-hoi-thao-1-1702432115.jpg
Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Ảnh: CTV

Chúng tôi có dịp gặp gỡ GS,TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được ông cung cấp nhiều hình ảnh về 182 văn bia thời Mạc trong thế kỷ 16 - thế kỷ bùng nổ về văn bia làng xã từ trước đến giai đoạn này. Ông nhận định, bia nhà Mạc rất phổ biến ở vùng châu thổ sông Hồng và Ninh Bình.

Đặc biệt, Ninh Bình là khu vực giáp ranh với Thanh Hóa, vốn là địa phận nhà Lê, song những bia được dựng ở đây hoàn toàn mang niên hiệu nhà Mạc, chứng tỏ vùng đất này nói riêng, châu thổ sông Hồng nói chung khá trung thành với nhà Mạc. Được biết, GS, TS Đinh Khắc Thuân đã dành rất nhiều thời gian dịch từng văn bia và cung cấp các thông tin xác thực cho giới sử học về nhiều phương kiện tổ chức chính quyền, kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng của Nhà Mạc thời kỳ này.

Đánh giá đúng những đóng góp tích cực của Vương triều Mạc

Trong khuôn khổ hội thảo và thông qua các nghiên cứu công phu, nghiêm túc, các nhà khoa học thống nhất cho rằng, trong khoảng bốn thập niên trở lại đây, cùng với xu hướng phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam, dựa trên quan điểm đổi mới sử học và những thành tựu khoa học, công nghệ, nhận thức chung không chỉ giới nghiên cứu lịch sử, mà còn của cả xã hội đã từng bước thay đổi.

Nhận thức về Vương triều Mạc và thời đại nhà Mạc từng bước được nâng lên. Mọi khía cạnh về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt thời Mạc được nghiên cứu, luận giải một cách khách quan, khoa học, toàn diện hơn, cho thấy cả mặt tích cực và hạn chế của Nhà Mạc, từ đó đi tới những đánh giá gần với thực tế hơn về công lao, đóng góp của triều đại này đối với lịch sử dân tộc.

unn-1-1702432144.jpg
Các đại biểu dâng hương tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HIỀN

Theo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các Vua Mạc và nhân vật lịch sử Triều Mạc có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Từ góc nhìn khoa học, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh góc nhìn về yếu tố gọi là văn hóa vùng xứ Đông với những con người hào sảng, mạnh mẽ và phá cách, đã đóng góp cho các yếu tố phát triển mới của nền phong kiến Việt Nam thế kỷ 16. Nghiên cứu yếu tố đó sẽ có ích cho định hướng phát triển của ngày hôm nay.

Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá đó, TS Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, cho rằng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng như giới sử gia nước nhà và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm có giải pháp, lộ trình chỉnh lý lịch sử về nhà Mạc, các vị vua nhà Mạc sao cho đúng với thực tế lịch sử đã được làm rõ, khẳng định. Đặc biệt, hiện nhiều địa danh, dấu tích lịch sử quý báu của nhà Mạc đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí bị xóa sổ, không thể khôi phục, phục dựng. Trước tình hình đó, đề nghị Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản này.